HỆ THỐNG ỦY BAN NGHỊ VIỆN ĐÔNG ÂU

Thành phần ủy ban quyết định hiệu quả hoạt động

- Thứ Sáu, 13/06/2014, 08:15 - Chia sẻ
Thành phần ủy ban nghị viện các nước Đông Âu phụ thuộc vào việc nghị sỹ được đề cử vào các ủy ban theo chuyên môn của nghị sỹ hay theo quyết định đơn phương của các đảng. Điều này quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của ủy ban.

Phương pháp đầu tiên cho phép công việc có nhiều thông tin hơn, đồng thời cho phép các hoạt động mang tính độc lập hơn, làm cho các ủy ban mạnh hơn. Nghị viện các nước Đông Âu cho phép nghị sỹ được là thành viên nhiều ủy ban. Ở Hungary, những nghị sỹ là thành viên hai ủy ban đều là những người có uy tín cao trong đảng và nghị viện. Thậm chí có giai đoạn mỗi nghị sỹ Slovenia là thành viên của bốn ủy ban, do số lượng ủy ban nhiều, cộng với số lượng nghị sỹ ít. Một số nghị sỹ như Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm ủy ban chỉ được là thành viên của một ủy ban. Nghị sỹ các đảng nhỏ thường mệt hơn vì phải tham gia nhiều ủy ban để bảo đảm đảng mình có đại diện ở các ủy ban. Mặc dù vậy, xu hướng chung là mỗi nghị sỹ phục vụ trong một ủy ban.


Phân chia ghế của các đảng phái trong Nghị viện Lítva
Bên cạnh đó, cũng phải xác định xem các đại biểu tiếp tục phục vụ trong các ủy ban bao lâu, bởi tính liên tục làm cho công việc tốt hơn. Trong thời gian đầu của giai đoạn chuyển đổi, số nghị sỹ tái nhiệm ở các ủy ban cũng như trong cả nghị viện ở các nước Đông Âu không cao, thường chỉ khoảng 50%. Sở dĩ như vậy vì do sự thiếu ổn định của các đảng chính trị và hệ thống bầu cử. Đảng đa số của chính phủ trong nghị viện thường thất bại trong bầu cử lần sau, khiến cho quy mô của đảng trong nghị viện giảm đáng kể, trong khi số lượng nghị sỹ thuộc các đảng đối lập lại tăng lên. Điều này dẫn đến nghịch lý là đảng nắm chính phủ lại có tỷ lệ lớn các nghị sỹ thiếu kinh nghiệm, còn đảng đối lập có tỷ lệ nghị sỹ tái nhiệm cao. Tuy nhiên, số lượng nghị sỹ tái nhiệm ngày càng tăng ở ủy ban nghị viện nhờ sự ổn định của môi trường chính trị và vai trò của các ủy ban ngày càng được khẳng định.

Ở các nước đã có nghị viện lâu đời, tỷ lệ nghị sỹ tái nhiệm của toàn thể nghị viện và tỷ lệ nghị sỹ tái nhiệm ở các ủy ban tương đương nhau. Nhưng ở các nghị viện mới như ở Đông Âu, khoảng thập niên đầu giai đoạn chuyển đổi, tỷ lệ nghị sỹ tiếp tục phục vụ tại một ủy ban trong nhiệm kỳ mới thấp hơn tỷ lệ nghị sỹ tái nhiệm của ủy ban đó. Chẳng hạn, trong nhiệm kỳ 1996 - 1998, tỷ lệ nghị sỹ tái nhiệm của Hạ viện Séc là 51%, còn tỷ lệ tái nhiệm của Ủy ban Đối ngoại là 65%, nhưng tỷ lệ nghị sỹ tiếp tục phục vụ ở Ủy ban này chỉ 15%. Thực trạng tương tự cũng diễn ra ở nghị viện các nước Đông Âu khác trong những năm 1990.

Ở phần lớn các nước, thành phần của các ủy ban nghị viện giữ ổn định đến hết nhiệm kỳ, nhưng ở một số nước như Estonia, Moldova, Litva, thành phần này lại thay đổi vào giữa nhiệm kỳ. Ở một số nghị viện Đông Âu, một số ủy ban, nhất là ủy ban lâm thời, ngoài các nghị sỹ do cử tri bầu, các chuyên gia, nhà hoạt động xã hội cũng có thể được mời làm thành viên ủy ban, nhưng không có quyền biểu quyết. Tuy nhiên, cách làm này đã được hạn chế hơn sau một thời gian áp dụng.

 Cuối cùng, số lượng nghị sỹ trong mỗi ủy ban cũng ảnh hưởng đến công việc của họ. Nếu ủy ban quá lớn, sự hữu ích của nó như một diễn đàn nhỏ sẽ không còn nữa. Ủy ban của nghị viện Ba Lan và Bulgaria có quy mô lớn nhất, nghị viện Litva và Estonia có ủy ban với số lượng thành viên ít nhất.

Hoài Thu