Thẳng thắn, trách nhiệm và trực diện nhiều vấn đề

- Thứ Sáu, 16/08/2019, 07:29 - Chia sẻ
Tại Phiên chất vấn hôm qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và 15 bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời, làm rõ những câu hỏi ĐBQH nêu ra. Nội dung các chất vấn bao quát nhiều vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội liên quan đến trách nhiệm quản lý, điều hành của hầu hết các bộ, ngành. Có những nội dung đã được chất vấn nhiều lần tại các kỳ họp QH, các phiên họp của UBTVQH, song tiếp tục được đưa ra chất vấn. Đây là những vấn đề “nóng” được cử tri và các ĐBQH đặc biệt quan tâm.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn): Chính phủ đã triển khai rất nhiều giải pháp để chống “tham nhũng vặt”, tuy nhiên hiệu quả trên thực tế chưa có nhiều chuyển biến và người dân vẫn rất bức xúc, nhất là những người dân có công việc liên quan đến các cơ quan công quyền. Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết nguyên nhân chính của việc chưa cải thiện đáng kể tình trạng nêu trên là do đâu? Giải pháp quan trọng có tính đột phá mà Chính phủ sẽ tiến hành trong thời gian tới là gì?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Tham nhũng vặt” là một tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận nhân dân, liên quan đến đạo đức công vụ của công chức, viên chức. Tuy là “tham nhũng vặt” nhưng tác động của nó không vặt một chút nào. Người ta ví là những con đê có thể rất cao to, hùng vĩ cũng có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ. Việc này tác động, làm băng hoại đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp, đồng thời làm tăng chi phí không chính thức của doanh nghiệp, người dân. Vì vậy, thực hiện nghị quyết của QH và chủ trương của Trung ương, Chính phủ cũng đã đề ra nhiều giải pháp.

Thứ nhất là hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về quản lý kinh tế, bảo đảm thống nhất, rõ ràng, không chồng chéo, vừa “cản” được sự tuỳ tiện trong quá trình thực thi pháp luật, vừa tránh được chuyện nhũng nhiễu, sách nhiễu.

Thứ hai, phải hoàn thiện các quy định về quy chế, quy trình trong trách nhiệm thực thi công vụ và đạo đức công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Thứ ba, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch. Cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công đến cấp độ 4. Đến giai đoạn cấp độ 4 là trả tiền bằng mạng, lúc đó mới ngăn được người thực thi với người được cung cấp dịch vụ công. Chính phủ đang phấn đấu để tăng cường việc này.

Thứ tư, phải có hệ thống kiểm tra, giám sát, kể cả bằng công nghệ thông tin, camera giám sát, các hình thức khác để giám sát quá trình thi hành nhiệm vụ của công chức, công vụ.

Thứ năm, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, nhất là các ngành có rủi ro cao, bổ nhiệm những cán bộ đứng đầu, những người trưởng đoàn. Vừa rồi xảy ra một số việc phức tạp.

Thứ sáu, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân và các phương tiện truyền thông. Trong lĩnh vực này chúng ta phải đề cao thượng tôn pháp luật, kể cả người được cung cấp dịch vụ công và người cung ứng dịch vụ công, đó là cán bộ, công chức, viên chức.

Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị số 10 ngày 22.4.2009 và đã tổ chức hội nghị toàn quốc về vấn đề này để chấn chỉnh những vấn đề nhũng nhiễu, sách nhiễu, vòi vĩnh của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Chúng tôi nghĩ sắp tới sẽ tạo ra được một số chuyển biến.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Vừa qua dư luận có ý kiến nêu rất nhiều về tình trạng các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu mà lãi suất lên khoảng 14 - 15%. Vấn đề này Chính phủ xử lý như thế nào để bảo đảm chúng ta huy động vốn một cách an toàn và tránh được rủi ro cho các nhà đầu tư cũng như của khách hàng và xã hội?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Đây là một câu hỏi rất hay, nổi lên trong thời gian gần đây. Trong 6 tháng đầu năm, trái phiếu Chính phủ của doanh nghiệp tổng phát hành là 116.000 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước, nhờ có hiệu ứng tích cực của Nghị định 163. Về cơ cấu, các ngân hàng thương mại sở hữu là 31,6%, doanh nghiệp bất động sản sở hữu khoảng 19%, cỡ khoảng 1 tỷ USD trong số 5 tỷ USD. Các công ty chứng khoán là 3,5%, các doanh nghiệp khác thuộc phần còn lại.

Về lãi suất thì lãi suất huy động cao hơn lãi suất cho vay trung, dài hạn của ngân hàng khoảng 0,5 - 1%. Cá biệt một số đợt phát hành lãi lên đến 12 - 14% của các doanh nghiệp bất động sản. Cá biệt nữa có một doanh nghiệp phát hành đến 14,5 %. Điều này có mấy hệ lụy. Một là gây ra rủi ro về đường cong lãi suất, phá vỡ đường cong lãi suất giữa lãi suất trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất ngân hàng. Hai là, cái này chủ yếu phát hành riêng lẻ, chủ yếu là công ty không đại chúng, tức là chưa giao dịch trên sàn chứng khoán, chưa được đánh giá tín nhiệm. Trong đó, 6,1% các nhà đầu tư là đầu tư cá nhân không có điều kiện để đánh giá rủi ro. Cho nên, có thể gây ra rủi ro về thanh khoản cũng như rủi ro cho người đi mua các trái phiếu này. Vì vậy, vừa rồi lãnh đạo Chính phủ đã họp với Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán, các bộ, ngành có liên quan, chúng tôi tiếp tục quán triệt bắt buộc phải phát triển thị trường này phù hợp với chiến lược của thị trường chứng khoán và đề án tái cơ cấu công ty chứng khoán. Chúng ta phải giảm bớt gánh nặng cho tín dụng ngân hàng, tuy nhiên phải kiểm soát chặt chẽ.

Cái gốc chúng tôi đã đề xuất trong Luật Chứng khoán đang trình QH thông qua trong kỳ họp tới là kiểm soát nghiêm ngặt điều khiển phát hành riêng lẻ, chỉ phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư có tổ chức. Có quy định khung trong luật này, đồng thời quản lý chặt chẽ trong Luật Doanh nghiệp về việc phát hành riêng lẻ của các nhà đầu tư không đại chúng, đồng thời tăng cường công tác hỗ trợ thông tin. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã thành lập một cổng thông tin để hỗ trợ và cung cấp thông tin cho cả người phát hành và người mua. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để kiểm tra việc thực hiện Nghị định 163, điểm nào chưa phù hợp chúng ta phải sửa ngay.

ĐBQH Nguyễn Văn Giàu (An Giang): Vừa qua Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ trưởng rất tập trung chỉ đạo việc thu phí theo hình thức điện tử là các trạm thu phí không dừng. Được biết, chúng ta đã quyết tâm đến 31.12 năm nay sẽ hoàn thành toàn tuyến với 44 trạm và 620 làn. Điều này tôi rất lo lắng cho Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể: Hiện nay Nghị quyết 437 của UBTVQH yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ thu phí tự động không dừng. Theo Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ năm 2017, đến 31.12.2019, toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc phải thu phí tự động không dừng. Cách đây khoảng một tháng Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục có chỉ thị trên phạm vi toàn quốc chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải cùng với các nhà đầu tư phải khẩn trương thực hiện công việc này.

Về tiến độ, chúng tôi đã thực hiện trong 2 năm nay, đến thời điểm này chúng ta có 2 nhà đầu tư cung cấp dịch vụ không dừng, do đó các nhà đầu tư có thể có nhiều lựa chọn. Theo tiến độ hàng tháng chúng tôi đều họp giao ban, đều có các văn bản để nhắc nhở các chủ đầu tư. Đây là trách nhiệm của các chủ đầu tư BOT. Tư vấn đã có sẵn, sự sẵn sàng của các nhà đầu tư trong các điều kiện hợp đồng và trong việc phối hợp để thực hiện. Nếu các nhà đầu tư phối hợp tốt, thì chúng ta triển khai nhanh. Sau khi họp lại, chúng tôi thấy chỉ có một đơn vị quan ngại nhất, đó là Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam, đây là công ty 100% vốn nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Tổng công ty này có 226 làn thu phí tự động không dừng, nhưng đến thời điểm này tiến độ rất chậm. Chúng tôi sử dụng giải pháp là gửi các văn bản báo cáo thẳng Thủ tướng Chính phủ và gửi đến Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để báo cáo tình hình. Nếu tình hình không cải thiện và chậm thì trách nhiệm hoàn toàn của các nhà đầu tư. Đến ngày 31.12, theo chỉ thị của Thủ tướng cũng như theo Quyết định 07, chúng tôi sẽ tạm dừng thu phí toàn bộ các trạm thu phí không có thu phí tự động không dừng. Do đó, hiện nay chúng tôi sẽ kiểm tra tiến độ hàng tháng và có các giải pháp để các nhà đầu không bất ngờ. Nếu các nhà đầu tư cố tình chây ỳ thì chắc chắn rằng hậu quả kinh tế phải chấp nhận theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Lam Giang lược ghi; Ảnh: Quang Khánh