Bầu cử trước thời hạn ở Hy Lạp

Thắng lợi được báo trước

- Thứ Ba, 09/07/2019, 08:05 - Chia sẻ
Với hơn 90% số phiếu được kiểm, đảng Dân chủ mới (ND) đối lập đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ở Hy Lạp ngày 7.7. Kết quả này đã được dự báo, sau khi ND liên tiếp đánh bại đảng cánh tả Syriza cầm quyền trong các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu và bầu cử địa phương ở Hy Lạp

Phe bảo thủ trở lại nắm quyền

Bộ Nội vụ Hy Lạp cho biết, với hơn 90% số phiếu được kiểm, đảng ND giành được 39,84% phiếu bầu, chiếm đa số tại Quốc hội Hy Lạp với 158/300 ghế. Đảng Syriza cầm quyền của Thủ tướng đương nhiệm Alexis Tsipras đứng thứ hai với 31,54% phiếu, nhận 86/300 ghế. Tiếp theo là các đảng Xã hội (KINAL) với 22 ghế, đảng Cộng sản (KKE) 15 ghế, đảng Giải pháp quốc gia Hy Lạp 10 ghế và đảng Mera25 9 ghế. Kết quả này đánh dấu sự trở lại của đảng ND theo đường lối bảo thủ, sau 4 năm cầm quyền của đảng trung tả Syriza.

Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đã gọi điện chúc mừng đối thủ, lãnh đạo đảng ND Kyriakos Mitsotakis và thừa nhận thất bại của đảng Syriza. Các nhà quan sát cho rằng, kết quả này đã được báo trước, sau khi đảng Syriza liên tiếp thất bại trong các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) và bầu cử địa phương ở Hy Lạp. Trong cuộc bầu cử EP diễn ra vào tháng 5, đảng ND đã giành được 33,11% phiếu bầu, trong khi đảng Syriza chỉ được 23,78% phiếu. Sau thất bại này, Thủ tướng Tsipras đã kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch, với hy vọng củng cố vị thế chính trị. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử địa phương đầu tháng 6, chỉ 5 tuần trước thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn, Syriza tiếp tục nếm thất bại khi các ứng cử viên của ND giành chiến thắng tại 12/13 khu vực và các thành phố chủ chốt như Athens và Thessaloniki.


Lãnh đạo đảng ND Kyriakos Mitsotakis

Giới phân tích cho rằng, chiến thắng của ND trong cuộc bầu cử trước thời hạn ở Hy Lạp là hệ quả của nhiều năm mệt mỏi với chính sách “thắt lưng buộc bụng” do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt, cộng với tình trạng thất nghiệp cao ở nước này. Chính phủ cánh tả của Thủ tướng Tsipras lên nắm quyền năm 2015, đúng thời điểm Hy Lạp đứng bên vực phá sản và suýt bị đẩy ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Lúc đó, ông Tsipras nhận được sự ủng hộ của cử tri nhờ cương lĩnh của đảng Syriza phản đối các chính sách tài chính khắc khổ của châu Âu. Tuy nhiên, vài tháng sau khi lên cầm quyền, ông Tsipras buộc phải cam kết nhận thêm gói cứu trợ tài chính mới với bộ ba chủ nợ châu Âu, đổi lại là Athens phải thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” sâu hơn. Quyết định này khiến uy tín của Thủ tướng Tsipras đối với cử tri sụt giảm nhanh chóng. Chính quyền Tsipras còn bị chỉ trích nặng nề trong cách xử lý khủng hoảng cũng như việc đạt thỏa thuận nhằm chấm dứt tranh chấp về tên gọi Macedonia và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Bắc Macedonia.

Cam kết thay đổi

Đây là cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 6 tại Hy Lạp trong một thập niên qua và là lần đầu tiên cử tri Hy Lạp đi bỏ phiếu bầu Chính phủ mới kể từ khi nước này thoát khỏi các gói cứu trợ tài chính của “bộ ba chủ nợ” gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 8.2018.

Nhà phân tích Theodore Couloumbis cho biết, lý do căn bản dẫn đến kết quả bầu cử trước thời hạn ở Hy Lạp là kinh tế. Trong gần 5 năm qua, người dân Hy Lạp không thấy tình hình kinh tế được cải thiện, bất kể sự cắt giảm thu nhập và lương hưu của người dân. Các nhà phân tích cũng nhận định, mọi sự chú ý giờ chuyển hướng sang lựa chọn của ông Mitsotakis bổ nhiệm vào các vị trí Bộ trưởng chủ chốt về kinh tế như Tài chính, Năng lượng, Phát triển và Ngoại giao.

Trên cương vị mới, ông Mitsotakis đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là vực dậy nền kinh tế đất nước bị tàn phá nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài gần một thập niên. Hiện kinh tế Hy Lạp tăng trưởng ở tốc độ khiêm tốn 1,3% trong quý I.2019; tình tài chính công của nước này được dự báo có thể không đạt so với các chỉ tiêu mà châu Âu đề ra.

Ngân hàng Trung ương Hy Lạp dự báo, nước này có khả năng bỏ lỡ mục tiêu thặng dư chính 3,5% GDP, không bao gồm các khoản chi trả nợ và chỉ đạt 2,9% GDP trong năm nay. Trong bối cảnh Hy Lạp vẫn đối mặt với thách thức nợ công, các nhà quan sát đang theo dõi chặt chẽ từng động thái của chính quyền mới ở Athens, nhất là lập trường trong chính sách tài chính. Phép thử đầu tiên là kế hoạch ngân sách cho năm sau, dự kiến được ông Mitsotakis công bố vào tháng 9 tới.

Trong bài phát biểu ăn mừng chiến thắng được phát trên truyền hình ngày 7.7, lãnh đạo đảng Dân chủ mới ở Hy Lạp, Thủ tướng đắc cử Kyriakos Mitsotakis cho biết, cử tri đã trao cho ông mệnh lệnh chính trị mạnh mẽ và rõ ràng là thay đổi Hy Lạp. Ông Mitsotakis khẳng định các cam kết cắt giảm thuế, thu hút đầu tư nhằm tạo thêm nhiều công ăn việc làm, mang lại nguồn thu nhập tốt và lương hưu cao hơn cho người dân, kích thích tăng trưởng kinh tế trong nhà nước hoạt động hiệu quả. Đảng ND còn cam kết sẽ thương lượng với các chủ nợ châu Âu ngay sau khi Chính phủ mới thành lập và đề ra kế hoạch cải tổ mạnh mẽ.

Giới lãnh đạo châu Âu đã hoan nghênh chiến thắng của đảng Dân chủ mới và tin tưởng Thủ tướng mới của Hy Lạp sẽ dẫn dắt đất nước thoát khỏi tình trạng hiện nay. Trong thư chúc mừng gửi ông Mitsotakis, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định, tin tưởng vào năng lực cá nhân của ông Mitsotakis và khả năng của người Hy Lạp để mở ra một chương mới tốt đẹp hơn. Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Cao ủy phụ trách kinh tế EU Pierre Moscovici chúc ông Mitsotakis may mắn trong việc đưa nền kinh tế Hy Lạp phục hồi.

Nhật An