Sách lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới

Tháng 9 sẽ công bố kết quả thẩm định

- Thứ Sáu, 26/07/2019, 07:46 - Chia sẻ
Cho đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã nhận được 5 bộ bản thảo sách giáo khoa lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới của 3 nhà xuất bản gửi đến thẩm định. “Chúng tôi cố gắng trong tháng 9 công bố kết quả thẩm định”, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD - ÐT THÁI VĂN TÀI cho biết.

Đánh giá sách giáo khoa theo 3 mức

- Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Công tác thẩm định đang được tiến hành như thế nào, thưa ông?

- Năm 2017, Bộ GD - ĐT ban hành Thông tư 33 trong đó có nội dung liên quan đến việc thẩm định cũng như quy định đối với người biên soạn và xuất bản. Đây là văn bản pháp lý và là khung chuẩn nhất để đánh giá SGK với 5 điều và 13 tiêu chuẩn phủ kín toàn bộ về mặt pháp lý. Từ đó, Bộ GD - ĐT đã mời các nhà khoa học, giáo viên đang giảng dạy, các thành phần khác, nghiên cứu các nội dung được quy định trong Thông tư 33 và cụ thể hóa thành 40 minh chứng cụ thể cần đạt cho tất cả bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12. Từ việc nghiên cứu Thông tư 33 cũng như bộ minh chứng cụ thể cần đạt đó, thống nhất đưa ra yếu tố đặc trưng bộ môn cần đạt được. Năm nay chúng ta làm lớp 1, năm sau sẽ làm từ lớp 2, lớp 6.


Cho đến thời điểm này, chúng tôi đang thực hiện đến bước 2 của quy trình thẩm định SGK lớp 1. Đó là các thành viên hội đồng thẩm định SGK đã tiếp cận bản thảo để đánh giá. Theo quy định, mỗi hội đồng có ít nhất 7 người và tuỳ số tiết, tính chất môn học để quy định số lượng thành viên, tuy nhiên, phải bảo đảm con số lẻ thành viên. Cùng với đó, trong số thành viên có ít nhất 1/3 giáo viên đang giảng dạy trực tiếp và phủ khắp các vùng miền từ khu vực trung tâm, đến vùng sâu, vùng xa... Việc thành lập hội đồng thẩm định một cách hợp lý theo từng môn để đáp ứng đặc trưng của từng môn học.

Tiếp đó, các bộ sách sẽ được các hội đồng đánh giá theo 3 mức: Đạt, đạt nhưng phải sửa chữa, bổ sung và không đạt. Bộ sách nào đạt yêu cầu sẽ được công bố, các bộ sách còn lại có quyền được đề nghị thẩm định lần 2 giống như quy trình thẩm định lần đầu. 

- Được biết, sau thời hạn nhận bản thảo SGK lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD - ĐT đã nhận được bản thảo của 5 bộ sách mà các NXB gửi tới để thẩm định. Bộ GD - ĐT có lo lắng về việc không có bộ sách nào đạt yêu cầu hay không?

- Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, SGK là sản phẩm có tính tự trọng, tự hào nghề nghiệp rất cao đối với người viết sách. Nhiều nhà khoa học tham gia viết SGK không phải vì lợi nhuận mà mang mục đích cống hiến cho xã hội, cho thế hệ sau những tri thức, tình cảm và tâm huyết của mình. Vì thế, có thể khẳng định, họ sẽ làm bằng tất cả tâm huyết và tình cảm cá nhân. Những nhà xuất bản cũng tính toán trong việc đầu tư kinh phí, vì đây là công việc nghiêm túc, cần sự đầu tư lớn và có chiến lược chứ không thể hời hợt. Vì vậy tôi tin không có tình huống như trên.

Nhưng cũng không phải vì thế mà không có sự chuẩn bị. Bộ GD - ĐT đã khẩn trương và xây dựng kế hoạch làm việc khoa học, phù hợp để từ tháng 9 năm nay tới năm học tiếp theo vẫn còn đủ thời gian để thực hiện các tình huống xảy ra theo đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.

Sẽ thực nghiệm các bộ sách đạt yêu cầu

- Trường hợp có bộ SGK được duyệt, kế hoạch dạy thử nghiệm sẽ như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay, Bộ GD - ĐT đang tính toán lộ trình làm việc. Cố gắng trong tháng 9, công bố kết quả thẩm định 5 bộ SGK lớp 1. Bộ sách nào đạt thì công bố với dư luận rồi thực hiện bước tiếp theo, bộ nào cần chỉnh sửa thì cũng có thời gian sửa chữa. Bộ nào không đạt thì vẫn còn thời gian tiếp thu ý kiến của Hội đồng và thời gian để trình thẩm định lại lần thứ hai.

Đối với dạy thực nghiệm, trong quá trình xây dựng chương trình, Bộ GD - ĐT cũng đã xây dựng ma trận thực nghiệm phân ra 6 vùng, mỗi vùng như thế có cắt lát cho các đối tượng cụ thể. Song song với việc thẩm định SGK, Bộ đang tính toán xây dựng hướng dẫn về thực nghiệm những bộ SGK đạt yêu cầu dựa trên các mẫu thực nghiệm chương trình trước đây. Để SGK trước khi giảng dạy thực tế có tính khoa học bảo đảm nhất.

- Có ý kiến lo ngại việc các nhà xuất bản không cạnh tranh bằng chất lượng bộ sách mà tác động“ngầm” đến chính quyền địa phương để sử dụng bộ sách của mình, Bộ GD - ĐT nghĩ sao về vấn đề này?

- Theo Luật Giáo dục 2019 (sửa đổi) vừa công bố thì UBND các tỉnh, thành phố có nhiệm vụ lựa chọn SGK. Bộ GD - ĐT công bố chương trình, thẩm định ra những bộ SGK đạt chuẩn. Trách nhiệm của địa phương là dựa trên nhu cầu của người học, điều kiện đáp ứng bảo đảm để chọn ra bộ SGK phù hợp với địa phương của mình. Như vậy có sự phân vai rất rõ, các địa phương phải công bố hội đồng thẩm định để xã hội giám sát. Chúng ta cần tin tưởng các địa phương sẽ làm tốt việc này để chọn ra những bộ SGK phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương mình, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của học sinh và giáo viên.

- Xin cảm ơn ông!

Khải Minh ghi