Trò chuyện đầu tuần

Thận trọng, đánh giá đa chiều - khách quan

- Thứ Hai, 12/08/2019, 07:18 - Chia sẻ
Tuần này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, cơ quan được giao chủ trì giúp UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý và Ban soạn thảo đã có nhiều cuộc làm việc, tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, về cơ sở để nghe tiếng nói của các đối tượng chịu sự tác động. Dù vậy, vẫn còn một số nội dung quan trọng liên quan trực tiếp đến tính khả thi của Bộ luật phải được nghiên cứu thấu đáo hơn. Thận trọng, đánh giá đa chiều, khách quan bao nhiêu, chúng ta sẽ có một đạo luật gốc chất lượng, bảo đảm xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định bấy nhiêu.

Nên trình Quốc hội theo quy trình 3 kỳ họp

- Tại phiên họp toàn thể hôm 6.8, nhiều thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội tiếp tục kiến nghị QH nên xem xét, thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) theo quy trình tại 3 kỳ họp. Quan điểm của ông như thế nào?


“Tất nhiên, từ nay đến Kỳ họp thứ Tám, nếu các bên thảo luận làm rõ một số vấn đề theo đề xuất của Ủy ban Về các vấn đề xã hội và đồng thuận cao các phương án thì có thể thông qua trong Kỳ họp tới, nếu còn nhiều ý kiến khác nhau thì nên thận trọng lấy ý kiến rộng rãi nhân dân và các bên liên quan để tạo sự đồng thuận và bảo đảm tính khả thi của Bộ luật. Nói gì thì nói, đây là bộ luật gốc về lĩnh vực lao động, có phạm vi tác động hết sức rộng trong đời sống xã hội, nên càng thận trọng chúng ta sẽ càng có một đạo luật chất lượng”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi

- Thực tế qua thảo luận tại Kỳ họp thứ Bảy và trong thời gian tiếp thu, chỉnh lý vừa qua, nhiều ý kiến cũng đề nghị nên trình QH xem xét, thông qua dự án Bộ luật theo quy trình tại 3 kỳ họp, vì rất nhiều nội dung quan trọng vẫn còn ý kiến khác nhau. Ví dụ như: vấn đề mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa; tăng tuổi nghỉ hưu; thay đổi mô hình giải quyết tranh chấp lao động; thủ tục đình công; những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể khi hình thành thêm tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Liên đoàn Lao động Việt Nam; vấn đề kinh phí công đoàn và kinh phí của tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp... Đây đều là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung và tính khả thi của Bộ luật.

- Ông vừa nhắc đến phạm vi tác động của dự án Bộ luật, có thể thấy là Ban soạn thảo hiện đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Về các vấn đề xã hội?

- Về cơ bản, cơ quan được giao chủ trì giúp UBTVQH tiến hành tiếp thu, chỉnh lý và Ban soạn thảo đã đạt được quan điểm chung về việc mở rộng đối tượng áp dụng tại điều khoản thi hành của dự thảo Bộ luật đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động. Tuy nhiên, Ban soạn thảo đề xuất quy định chung là “Chế độ lao động đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân, tổ chức xã hội khác, xã viên hợp tác xã và người lao động không có quan hệ lao động do Luật khác quy định, tùy từng đối tượng mà được áp dụng một số quy định trong Bộ luật này”.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Về các vấn đề xã hội muốn quy định ở mức độ cụ thể hơn về tiêu chuẩn, điều kiện lao động như: An toàn, vệ sinh lao động, thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương, bảo hiểm xã hội... nhằm bảo đảm tốt hơn điều kiện, tiêu chuẩn lao động và phù hợp với quy định của các luật chuyên ngành đã được tách ra từ Bộ luật Lao động cũng như khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế. Hiện tại, chúng tôi cũng đang đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo cần bổ sung báo cáo đánh giá việc thực hiện nội dung này của các luật đã được tách ra từ Bộ luật Lao động hiện hành nhằm làm rõ hơn về tính tương thích khi mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Bộ luật.

Nhu cầu có thật trong hiện tại và nguy cơ ở tương lai

- Ông từng kể về một nữ công nhân gày gò, xanh xao nhưng tha thiết xin tăng giờ làm thêm, thậm chí “sẵn sàng làm thêm đến khi không thể làm được nữa vì cuộc sống quá khó khăn”. Thực sự, đó là một câu chuyện rất xót xa...

- Nhưng đáng tiếc lại không phải là trường hợp cá biệt. Trong quá trình chúng tôi tiếp xúc, lấy ý kiến của người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất, có nhiều câu chuyện xót xa như vậy. Vừa qua, có nhiều đại biểu phản đối việc tăng giờ làm thêm để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, có thời gian tái tạo sức lao động, chăm lo cho gia đình... Tôi cũng nói với cháu công nhân mà bạn vừa nhắc đến là “không thể làm thêm đến khi không thể làm được nữa” vì còn phải nghĩ đến sức khỏe lâu dài, nếu làm việc kiệt sức, ốm đau thì sẽ thế nào. Nhưng đấy chỉ về mặt lý thuyết. Rõ ràng, nhu cầu tăng giờ làm thêm là có thật, từ cả phía người lao động và người sử dụng lao động. Cho nên, ở góc độ hoạch định chính sách, chúng ta có trách nhiệm bảo đảm các quy định đưa ra trong dự thảo Bộ luật Lao động phải được đánh giá tác động cẩn trọng từ nhiều phía.

Nếu không cho phép mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa thì không phù hợp với thực tế và vô hình trung chúng ta lại đẩy cả người lao động và người sử dụng lao động vào tình thế khó khăn hơn. Nhưng nếu các điều khoản liên quan đến vấn đề này không được thiết kế chặt chẽ, bảo đảm hài hòa nhất có thể giữa nhu cầu có thật trong hiện tại với các nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai thì điều luật sẽ rất dễ bị lạm dụng và không đúng với mục tiêu đặt ra. Đồng thời, phải đặt vấn đề tăng giờ làm thêm trong mối tương quan với các chế định về tiền lương tối thiểu, về tăng năng suất lao động... thì mới có thể giải quyết căn cơ được.

- Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho thấy, đã có sự “nhượng bộ” nhất định đối với quy định về mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa so với bản dự thảo trình QH tại Kỳ họp thứ Bảy, thưa ông?

- Ban soạn thảo đề nghị tiếp thu theo hướng: Quy định trần tối đa làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ; quy định các trường hợp đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ/năm theo hướng chỉ áp dụng với một số ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất (như gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da giày, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản), các trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn, thời điểm thực hiện công việc (căn cứ vào tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước được như hậu quả thời tiết, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất”. Tuy nhiên, các vấn đề này sẽ được quy định chi tiết trong nghị định của Chính phủ để tránh lạm dụng, bảo vệ sức khỏe của người lao động, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra để bảo đảm tính tuân thủ pháp luật.

Riêng về tiền lương làm thêm giờ, Ban soạn thảo đề nghị theo hướng quy định ít nhất bằng 150% - 200% - 300% so với làm việc vào giờ làm việc bình thường và việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức cao hơn mức này thì do hai bên thỏa thuận. Phương án này thì cơ quan đại diện cho người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không đồng ý.

- Còn quan điểm của ông thì sao? Theo ông, để người lao động và người sử dụng lao động tự thỏa thuận với nhau sẽ bảo đảm hài hòa quyền lợi của hai bên tốt hơn là việc quy định cứng trong luật?

- Như tôi đã nói, chúng ta nên đồng ý tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm. Nhưng đúng là cá nhân tôi vẫn băn khoăn nên để người lao động và người sử dụng lao động tự thỏa thuận các vấn đề về tiền lương, số giờ làm thêm... hay nên quy định rõ ngay trong luật, vì thực tế, trong quan hệ lao động thì người lao động thường bị yếu thế hơn so với người sử dụng lao động.

Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng kiến nghị dự thảo Bộ luật phải bảo đảm 3 nguyên tắc đối với quy định về tăng giờ làm thêm. Thứ nhất, phải có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Thứ hai, áp dụng tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ. Thứ ba, bổ sung quy định khống chế giờ làm thêm tối đa không quá 40 giờ/tháng (quy định hiện hành là 30 giờ/tháng). Dù vậy, vấn đề này hiện vẫn còn có ý kiến khác nhau từ phía Công đoàn, người lao động cũng như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp.

Chúng tôi sẽ trình UBTVQH cho ý kiến về 2 phương án trả lương giờ làm thêm. Trong đó, phương án 1 như dự thảo do Chính phủ trình mà tôi đã đề cập ở trên. Phương án 2, trả lương lũy tiến đối với thời gian làm thêm giờ tính theo số giờ làm thêm trong ngày và có sự khác biệt tương ứng với làm thêm giờ trong ngày thường, ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, tết và ngày nghỉ có hưởng lương. Cả hai phương án này thực chất đều là trả lương theo lũy tiến. Tuy nhiên, đối với Phương án 2 phải đánh giá tác động về kinh tế - xã hội để có căn cứ lựa chọn nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời, cũng nhằm để người sử dụng lao động cân nhắc, tính toán nếu thật sự cần thiết có nhu cầu và bảo đảm hiệu quả mới huy động làm thêm giờ, trên cơ sở thỏa thuận của hai bên.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Bình thực hiện