Tham vấn lấy ý kiến về “Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều

- Thứ Năm, 13/06/2019, 13:19 - Chia sẻ
Ngày 12.6, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều phối hợp với Quỹ nhi đồng liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo tham vấn lấy ý kiến về “Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều”.

Việc xây dựng dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng, nhà nước về phòng, chống thiên tai, đê điều; kế thừa những quy định đã khẳng định tính phù hợp, các nội dung sửa đổi, bổ sung phải đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, khắc phục được những hạn chế, bất cập; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam; đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, đê điều. Trong đó, tập trung chủ yếu sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong quá trình thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc lớn, được tổng kết đánh giá rõ cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.


Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành phát biểu

Bà Rana Flowers, Trưởng văn phòng đại diện đại diện Qũy nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại TP Hồ Chí Minh cho biết: Việt Nam có một lịch sử lâu đời trong việc tăng cường các hệ thống và cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, cũng được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Vì vậy, trong công tác phòng, chống thiên tai, việc sửa đổi Dự án Luật phòng chống thiên tai cần đảm bảo rằng người dân, trong đó đặc biệt trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương nhất, là trung tâm của hệ thống và đóng vai trò tích cực, chủ động, giúp công tác quản lý rủi ro thiên tai, chuẩn bị và ứng phó được hiểu quả. Unicef cũng khuyến nghị rằng việc chuyển sang hệ thống phòng, chống thiên tai lấy người dân làm trung tâm phải được đề cập rõ ràng và được định nghĩa trong dự án Luật sử đổi lần này.

Về một số nội dung sửa đổi cần tham vấn ý kiến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra, Tổng cục Phòng, chống thiên tai Nguyễn Viết Tiến cho biết: Dự thảo sửa đổi sẽ quy định bổ sung một số loại hình thiên tai gồm: Sương mù, gió mạnh trên biển là những hiện tượng tự nhiên có thể gây thiệt hại lớn về người, tài sản, môi trường và sự phát triển kinh tế xã hội cần được quy định cụ thể trong Luật; Bổ sung công trình giám sát thiên tai vào công trình phòng, chống thiên tai; chính sách ưu tiên cho các hoạt động điều tra cơ bản, quy hoạch, khoa học công nghệ, đào tạo, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai; Đào tạo, huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị và có chính sách hỗ trợ cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai; Xác định lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức, đoàn thể khác tại địa phương và người làm công tác phòng, chống thiên tai là một trong các nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về vấn đề những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện luật, những ý kiến góp ý về quỹ phòng chống thiên tai, lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai, nguồn tài chính, kiểm soát an toàn thiên tai,… cần phải được quy định cụ thể làm cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương và các đại biểu khách mời đối với dự thảo Luật, những ý kiến góp ý đã chỉ ra các khoảng trống về pháp lý, những bất cập vướng mắc trong thực tiễn triển khai các dự án, cần phải tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi trong dự án Luật. Vì vậy, với vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, Tổng cục Phòng, chống thiên tai sẽ tổng hợp tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu sửa đổi để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội Khoá XIV thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.

Minh Hương