Dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi)

Thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ phù hợp với Hiến pháp 2013

- Chủ Nhật, 11/01/2015, 08:51 - Chia sẻ
Việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước là hết sức cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại của Luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu mới đặt ra trong quá trình tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế hướng tới thực hiện nền tài chính công khai, minh bạch.

Luật Ngân sách nhà nước được QH Khóa XI, Kỳ họp thứ Hai, thông qua ngày 16.12.2002, có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách năm 2004. Qua 10 năm tổ chức thực hiện Luật, dưới sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Luật Ngân sách nhà nước đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền tài chính quốc gia vững mạnh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả to lớn mà Luật Ngân sách nhà nước đã đạt được, trong quá trình tổ chức thực hiện cũng gặp phải không ít khó khăn. Bên cạnh đó, bản thân Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng còn một số hạn chế nên đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả quản lý tài chính. Việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước là hết sức cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại của Luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu mới đặt ra trong quá trình tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, hướng tới thực hiện nền tài chính công khai, minh bạch.

Tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua, QH đã cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Qua nghiên cứu dự thảo Luật và các văn bản liên quan, tôi có một số ý kiến đề xuất góp ý vào dự thảo Luật.

Về công khai ngân sách nhà nước và giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng (Điều 15, dự thảo Luật), tôi đồng tình với quy định tại khoản 1, Điều 15 về công khai dự toán, chấp hành, quyết toán, kết quả kiểm toán ngân sách nhà nước của các cấp ngân sách, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ, các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Dự thảo Luật quy định việc công khai, minh bạch trong thực hiện ngân sách nhà nước là phù hợp đáp ứng được yêu cầu mong mỏi của người dân. Thực tiễn trong thời gian qua, công tác công khai, minh bạch ngân sách đã được quan tâm thực hiện, tuy nhiên cũng chỉ dừng ở một phạm vi nhất định. Đối với các báo cáo dự toán ngân sách, chấp hành, quyết toán ngân sách, đó là những báo cáo chuyên ngành, đòi hỏi người đọc phải có nhận thức sâu sắc về tài chính mới có thể am hiểu tường tận.

Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là khi công khai, nên lựa chọn những nội dung phù hợp cho từng đối tượng cụ thể. Đối với người dân ở cấp xã, phường chỉ nên thực hiện công khai đối với những lĩnh vực có liên quan đến đơn vị đó, các công trình đang thực hiện trên địa bàn. Đặc biệt, trong quá trình lập dự toán các công trình, đề nghị phải có sự xem xét, thống nhất với địa phương nơi có các công trình thực hiện dự án. Bởi lẽ, người dân là người hiểu rõ nhất mình đang có nhu cầu về cái gì và hiệu quả của từng công trình đó ra sao.

Do đó, việc đưa ra nội dung và hình thức để công khai là yêu cầu rất quan trọng, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, nếu lựa chọn đúng sẽ phát huy tối đa tính hiệu quả trong nhân dân, song nếu vận dụng không khéo thì nguy cơ là tất cả sẽ chỉ mang tính hình thức. Dự thảo Luật quy định: Niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị, tổ chức, phát hành ấn phẩm. Đối với hai hình thức này cần có sự nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng.

Đề nghị dự thảo Luật bổ sung nhiệm vụ báo cáo thực hiện công khai, minh bạch ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó, người dân thấy được trách nhiệm của mình trong việc giám sát ngân sách nhà nước. Các nội dung đưa ra để người dân tham gia vào quá trình từ khâu xây dựng dự toán, thông qua dự toán và thực hiện dự toán phải là một quy trình thống nhất, các báo cáo đưa ra phải thực sự dễ hiểu, rõ ràng giúp nhân dân dễ tiếp cận và giám sát.

Liên quan đến thẩm quyền và phân cấp quản lý ngân sách nhà nước, trước hết là thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ. Theo dự thảo Luật, thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực ngân sách nhà nước được nêu trong Chương II, đó là: Quốc hội làm luật, sửa đổi luật, quyết định chính sách cơ bản về tài chính - ngân sách quốc gia, quyết định định hướng kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước...; Chính phủ trình Quốc hội, UBTVQH các dự án luật, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước trung hạn và thống nhất quản lý ngân sách nhà nước..., là cơ bản phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013 và các luật khác đã ban hành.

Tuy nhiên, dự thảo Luật hiện nay chưa có quy định về thẩm quyền quyết định các giải pháp điều hành ngân sách trong trường hợp cấp bách (lạm phát, suy giảm kinh tế ảnh hưởng lớn và rất nhanh đến thực hiện dự toán ngân sách nhà nước...). Trong thời gian qua, Chính phủ, UBTVQH đã quyết định các giải pháp điều hành tài chính ngân sách kịp thời ứng phó với các biến động này.

Để bảo đảm tính pháp lý và chủ động điều hành ngân sách trong trường hợp cấp bách xảy ra, dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) cần xem xét đưa thêm quy định: Chính phủ quyết định các biện pháp cần thiết khi có biến động lớn, bất thường ảnh hưởng tới tài chính, ngân sách nhà nước theo thẩm quyền. Trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của QH, UBTVQH, Chính phủ báo cáo UBTVQH cho ý kiến trước khi thực hiện và báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất; ở  địa phương thì UBND cấp tỉnh quyết định các biện pháp cần thiết khi có biến động lớn, bất thường ảnh hưởng tới tài chính, ngân sách địa phương theo thẩm quyền; trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp cho ý kiến trước khi thực hiện và báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

Về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước, việc xác định mức độ tập trung và phân cấp trong quản lý điều hành ngân sách là một nội dung quan trọng và được quan tâm trong quá trình sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước lần này. Đề nghị trong dự thảo Luật cần quy định rõ ràng hơn về nội dung phân cấp; phân loại các địa phương để xác định mức độ giao quyền và trách nhiệm. Ngoài ra, dự thảo Luật nên quy định theo hướng có tính đến đặc thù của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo các tiêu chí quy mô, trình độ phát triển để xác định trách nhiệm và giao quyền theo mức độ với từng nhiệm vụ cụ thể. Nếu làm được như vậy sẽ giảm dần việc lồng ghép trong ngân sách, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền và nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ngân sách.

Về trách nhiệm giải trình trước cơ quan dân cử, Luật Ngân sách nhà nước hiện hành quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương. Đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định trách nhiệm giải trình về ngân sách nhà nước vào các quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước và trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân về ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm căn cứ pháp lý cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các chủ thể có liên quan trong việc lập, phân bổ, thực hiện và quyết toán ngân sách.

Nguyễn Tiến Sinh
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình