Tham nhũng vặt, tác hại lớn!

- Thứ Tư, 16/09/2020, 05:56 - Chia sẻ
Tham nhũng vặt sẽ ngày càng phức tạp và tinh vi hơn. Đây là dự báo của Chính phủ trong Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Cụ thể, Báo cáo đánh giá: “Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi”.

Từ “vặt” ở đây là “vặt vãnh”, “lặt vặt”. Về mặt ý nghĩa từ ngữ, “vặt” diễn tả sự nhỏ nhặt, linh tinh, không đáng kể. Có thể giá trị của khoản tham nhũng vặt không lớn, nhưng so với những “đại án” tham nhũng thì chưa biết cái nào hại hơn cái nào.

Tham nhũng dù nhỏ hay lớn đều là kẻ thù của tăng trưởng. Những khoản chi phí “bôi trơn” một phần từ tiền túi của doanh nghiệp, một phần sẽ tính vào giá thành sản phẩm vật chất và dịch vụ. Như vậy, cuối cùng thiệt hại vẫn do người dân và Nhà nước phải chịu, bởi giá cao và thất thu thuế. Trường hợp doanh nghiệp dùng lợi nhuận sau thuế để “bôi trơn” sẽ khiến nguồn lực để tái đầu tư ở chu kỳ sản xuất sau sụt giảm. Nếu doanh nghiệp không đưa khoản lót tay vào giá thành thì lợi nhuận trước thuế sẽ giảm khiến tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế giảm và kéo GDP giảm theo.

Không chỉ vậy, tham nhũng vặt còn làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào bộ máy Nhà nước, vào hệ thống pháp luật và thể chế, thậm chí làm xấu hình ảnh quốc gia.

Tham nhũng vặt liên quan đến câu chuyện xung đột lợi ích, hay còn gọi là “lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi thi hành công vụ”. Đây là vấn đề lớn trong bất kỳ bộ máy nhà nước nào.

Trong Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, Chính phủ lần đầu tiên dành riêng một phần nói về kết quả kiểm soát xung đột lợi ích.

Chính phủ nhận định, các tình huống “xung đột lợi ích” là một thực tế luôn tồn tại trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và tiềm ẩn hành vi tham nhũng. Kiểm soát tốt những tình huống này sẽ góp phần quan trọng phòng ngừa, giảm thiểu các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, vụ lợi cá nhân.

Cũng theo báo cáo, công tác kiểm soát xung đột lợi ích đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Việc giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ không để xảy ra việc xung đột lợi ích. Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ khi biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích đã chủ động báo cáo để người có thẩm quyền kịp thời có biện pháp xử lý. Trong kỳ báo cáo, 2 người bị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao và 1 người bị đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao do có xung đột lợi ích.

Kết quả kiểm soát xung đột lợi ích như vậy liệu có “xung đột” với dự báo tình hình tham nhũng ở trên không? Hay phải chăng, xử lý xung đột lợi ích khó hơn cả những vụ tham nhũng lớn, bởi đây nó “vặt vãnh” nên cả người dân và chính quyền đều dễ bỏ qua?

Năm ngoái, vào cuối tháng 5, Đại sứ Hàn Quốc ở Việt Nam bị triệu hồi về nước vì đã nhận tài trợ vé máy bay và khách sạn khi tham gia một sự kiện, cùng với việc nhận một chiếc điện thoại đắt tiền (sau đó được dùng làm phần thưởng cho nhân viên sứ quán). Đầu tháng 6, ông bị sa thải vì cáo buộc vi phạm đạo luật chống tham nhũng của Hàn Quốc.

Sự nghiêm khắc, rành mạch của nước bạn có thể là một kinh nghiệm quý với chúng ta. Kể từ Đại hội XII, quyết tâm chống tham nhũng của Đảng là rất lớn và đã phá vỡ nhiều vùng cấm về tham nhũng trước đây. Nhưng cùng với sự chú tâm vào các “đại án” cũng không nên bỏ qua những vụ tham nhũng tuy “vặt” nhưng lại phổ biến trong cuộc sống. Một vài vụ tham nhũng vặt được xử lý nghiêm minh sẽ có tác dụng răn đe rất lớn với những cán bộ quen thói nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp để trục lợi. Đồng thời, tác động ngược trở lại người dân, doanh nghiệp, thôi thúc và cổ vũ họ hành xử dựa vào luật lệ, dựa vào sự công minh để sống theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”.

Đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp suy yếu, khánh kiệt. Nếu họ phải gánh chịu nạn tham nhũng vặt và nhũng nhiễu ngày một tinh vi hơn, phức tạp hơn thì sụp đổ, phá sản chỉ là chuyện sớm muộn mà thôi. Thời điểm này, cần cải cách thể chế để tạo môi trường dân chủ, minh bạch khiến cho tham nhũng khó có đất sống, đây mới là cú huých thật sự quan trọng cho nền kinh tế.

Hà Lan