Tham nhũng “vặt”, hệ lụy không “vặt”

- Thứ Sáu, 06/09/2019, 08:08 - Chia sẻ
“Tham nhũng và tham nhũng vặt, người dân vẫn kêu lắm” là thực tế được một số thành viên Ủy ban Tư pháp phản ánh tại Phiên họp toàn thể thứ 13. Nhấn mạnh hậu quả, hệ lụy của tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt mà không vặt”, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng cần tập trung, kiên quyết hơn nữa nhằm đẩy lùi tham nhũng và tiến tới xóa bỏ tham nhũng vặt...

Từng bước khắc phục “trên nóng, dưới lạnh”

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật do Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày cho thấy, từ ngày 1.10.2018 đến ngày 31.7.2019, các lực lượng chức năng phát hiện 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ, trong đó, khởi tố 274 vụ với 683 bị can, ít hơn 0,35% so với cùng kỳ năm 2018. Các lực lượng chức năng đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ, khắc phục được nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp hồ sơ, tài liệu đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản. Công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều tiến bộ, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, qua công tác đấu tranh, phòng ngừa cho thấy, tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao để phạm tội. Hoạt động lợi dụng triển khai thực hiện các dự án, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để chiếm đoạt tài sản nhà nước vẫn tiềm ẩn phức tạp.

Liên quan đến công tác xét xử các vụ án tham nhũng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cho biết, trong 10 tháng qua, đã xét xử đối với 517 bị cáo về tội phạm tham nhũng, tăng 119 bị cáo, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, chú trọng áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, biện pháp tư pháp để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản. Những vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đã được đưa ra xử lý nghiêm minh, bà Thủy nhận định.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại phiên họp Ảnh: Hà An

Khó điều tra?

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha, vi phạm pháp luật và tội phạm về tham nhũng vẫn rất phức tạp nhưng việc phát hiện chưa được nhiều kể cả đối với tình trạng “tham nhũng vặt” trong các cơ quan và nhân viên nhà nước khi thực thi công vụ có liên quan trực tiếp đến người dân và tham nhũng trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng. Phó Chủ nhiệm Nguyễn Văn Pha nêu dẫn chứng, thời gian qua, một số cán bộ Đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang đang nhận hối lộ, hay vụ 5 cán bộ của Thanh tra tỉnh Thanh Hóa bị bắt quả tang nhận hối lộ đã gây bức xúc trong nhân dân và dư luận.

Trong khi đó, theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), trong báo cáo của Chính phủ, tội tham nhũng đang được “nhập” chung vào một loạt các tội khác. Chính vì “nhập nhằng” với các tội khác nên sẽ thấy các vụ về tham nhũng xảy ra rất ít. Một số vụ án rất to nhưng khi xét xử lại là tội cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ quyền hạn, không thấy tội tham nhũng, hoặc có thì rất ít. Có những vụ, thuộc diện chỉ đạo phòng, chống tham nhũng nhưng không thấy hành vi tham nhũng. Và như vậy, nhân dân sẽ cho rằng chúng ta chưa phản ánh hết tình hình tội phạm tham nhũng, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh. Cũng theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, gọi là tham nhũng “vặt” không có nghĩa là không nghiêm trọng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bổ sung, tham nhũng vặt là chỉ các hành vi nhũng nhiễu còn trong luật thì không có quy định về “tham nhũng vặt”. Cũng theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, Điều 353, Bộ Luật hình sự về Tội tham ô quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm. Như vậy, lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng trở lên là đã bị truy tố.

Từ thực tế tiếp xúc cử tri, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Hoàng Văn Hùng cho rằng, tham nhũng, tham nhũng vặt, “người dân, cử tri kêu lắm”. Cử tri vẫn phản ánh tình trạng “chưa được lót tay, chưa có phong bì phong bao” thì chưa xử lý được công việc. Nhấn mạnh việc Chính phủ đã biết thực trạng này và đã có chỉ đạo nhằm khắc phục nhưng theo ông Hùng, vấn đề quan trọng là bây giờ phải xử lý cụ thể như thế nào để đẩy lùi được tình trạng này.

Giải trình tại Phiên họp của Ủy ban Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương thừa nhận, tình trạng tham nhũng vặt diễn ra tương đối phổ biến trong giải quyết thủ tục hành chính công, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Thứ trưởng Lê Quý Vương khẳng định, phải đấu tranh với tình trạng này. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng đã chỉ đạo tập trung vào “tham nhũng vặt mà không vặt”. Đưa ra dẫn chứng, mấy cán bộ thanh tra một ngày xuống (thanh tra tại địa phương - PV) là kiếm mấy tỷ đồng rồi, “trong một ngày hẹn 4 chục xã và công ty đến gặp, đưa phong bì, nhận rồi đưa vào tủ, rất đơn giản, ông Vương thừa nhận, đây không thể xem là tham nhũng “vặt”. 

Trả lời ý kiến của ĐB Trương Trọng Nghĩa về tội tham nhũng đang được “nhập” chung vào một loạt các tội khác, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, tham nhũng thường “lẩn” vào quản lý kinh tế. Do đó, tội phạm tham nhũng và tội phạm kinh tế thường gắn với nhau. Trong khi đó, việc đưa hối lộ và nhận hối lộ là rất khó điều tra, bởi xung quanh việc nhận và đưa hối lộ chỉ có người nhận và người đưa, chỉ có “anh biết, tôi biết và trời biết”.

Hệ lụy của tham nhũng, tham nhũng vặt như thế nào đến nay đã quá rõ. Những nỗ lực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua của Đảng và Nhà nước đã đem lại niềm tin cho người dân. Nhưng rõ ràng, so với mong muốn, đòi hỏi của cử tri thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Chính phủ, các cơ quan chức năng cần tập trung, kiên quyết hơn nữa nhằm đẩy lùi tham nhũng và tiến tới xóa bỏ tham nhũng vặt...

Hà An