Doanh nghiệp Việt xuất khẩu tại chỗ

Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

- Thứ Bảy, 13/04/2019, 09:32 - Chia sẻ
Tại Diễn đàn xuất khẩu Việt Nam năm 2019 diễn ra sáng 12.4, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, khái niệm xuất khẩu không còn bó hẹp ở việc đưa hàng hóa ra thị trường nước ngoài, mà cung ứng sản phẩm cho các nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cũng là xuất khẩu. Phương thức xuất khẩu tại chỗ này sẽ giúp doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thay đổi xu hướng xuất khẩu

Những năm qua, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực. Cụ thể, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, qua đó đưa hàng hóa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. 

Theo Báo cáo của Cục Xúc tiến thương mại, năm 2018 tiếp tục là một năm thành công của xuất nhập khẩu với tổng kim ngạch đạt trên 480 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2017, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 243,5 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm trước, vượt xa chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội và Chính phủ giao.  Xuất siêu năm 2018 đạt kỷ lục với gần 6,8 tỷ USD. Việc duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và thặng dư cán cân thương mại trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, khó đoán định và xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng đã góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Đồng thời, cho thấy nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành và của các doanh nghiệp trong sản xuất xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó sự thay đổi xu hướng tiêu dùng, cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật tại thị trường nhập khẩu. TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, phân tích: Với các hiệp định thương mại (FTA) Việt Nam đã ký kết, để hưởng lợi thì doanh nghiệp không chỉ phải thoả mãn hàng loạt các điều kiện khó như quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật mà còn phải gắn kết với nhà nhập khẩu, chủ động tìm kiếm thị trường, chăm sóc khách hàng… Do đó, “khái niệm xuất khẩu hiện cũng không còn bó hẹp ở việc doanh nghiệp đưa hàng hoá ra thị trường nước ngoài mà cung ứng sản phẩm cho các nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cũng là xuất khẩu. Đây chính là phương thức xuất khẩu tại chỗ, cũng đồng thời là cách giúp doanh nghiệp Việt Nam chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Võ Trí Thành nói.

Đẩy mạnh vai trò của hiệp hội

 Là đơn vị trực tiếp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trong thời gian tới, bên cạnh hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, Bộ Công thương sẽ thực hiện nhiều hơn hoạt động cung cấp thông tin thị trường, tư vấn xuất khẩu, kết nối giữa người mua và người bán để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế, các tập đoàn thương mại điện tử lớn như Amazon nhằm gia tăng nguồn lực thực hiện xúc tiến thương mại cũng như mở cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp Việt Nam. Ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến xuất khẩu.

Cũng theo TS. Võ Trí Thành, mở cửa thị trường không chỉ với một quốc gia mà là kết nối với khu vực và toàn cầu, doanh nghiệp đừng nhìn xuất khẩu chỉ là thị trường. Trong xúc tiến xuất khẩu điều cơ bản nhất vẫn là đối tác. Đối tác không phải chỉ để cùng nhau xuất khẩu mà phải xúc tiến xuất khẩu, là phải tạo ra mạng lưới, tạo ra chuỗi giá trị và đầu vào. Kinh tế thương mại ngày nay không còn chỉ lấy doanh nghiệp là trung tâm, mà thay vào đó là công chúng, là đại chúng và đám đông… Đây là những đặc trưng thay đổi căn bản trong sản xuất và thương mại.

Để hiểu rõ nhu cầu của đám đông, của thị trường, doanh nghiệp phải nắm rõ thông tin thị trường, khẳng định chất lượng sản phẩm. Thế nhưng, xây dựng văn phòng thương mại tại các thị trường xuất khẩu khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước e ngại. Là doanh nghiệp xuất khẩu chè, kể từ khi thành lập (năm 2004) đến nay, Ecolink chọn hướng sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu, phục vụ trực tiếp cho thị trường châu Âu và Bắc Mỹ. Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty Ecolink cho rằng, để bảo đảm xuất khẩu hiệu quả, doanh nghiệp chỉ nên tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như dịch vụ khách hàng, phát triển sản phẩm… còn việc tìm hiểu thông tin thị trường, duy trì chứng nhận, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là các hiệp hội doanh nghiệp.

“Tôi hy vọng, hiệp hội doanh nghiệp không chỉ là hiệp hội mà nên hoạt động như một doanh nghiệp cung cấp thông tin, tư vấn, chứng nhận. Khi coi hiệp hội như một doanh nghiệp, chúng tôi có quyền đàm phán, có quyền yêu cầu, so sánh dịch vụ, nhờ đó mà hiệp hội cũng phải cạnh tranh để cung cấp những dịch vụ mà chúng tôi không muốn tập trung nguồn lực vào”. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Hoài Nam đề xuất, các hiệp hội có thể mở văn phòng đại diện tại các thị trường nước ngoài từ quy mô nhỏ đến lớn, thậm chí chỉ cần 1 - 2 nhân lực, nguồn nhân lực này có thể tận dụng là con em Việt kiều đã tốt nghiệp đại học hoặc cộng tác viên là các du học sinh.

Khải Minh