Kinh nghiệm các nước trong quản lý đầu tư công

Thẩm định dự án

- Chủ Nhật, 02/06/2019, 08:22 - Chia sẻ

Thẩm định dự án là gì?

Thẩm định dự án đầu tư là việc tổ chức xem xét một cách khách quan toàn diện các nội dung cơ bản ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi của dự án để ra quyết định đầu tư và quyết định đầu tư.

Chính vì lẽ đó, một trong những công cụ giúp cho việc đầu tư có hiệu quả hay không nằm ở khâu thẩm định dự án đầu tư. Bởi thẩm định dự án tốt sẽ giúp cho chủ đầu tư chọn được dự án đầu tư tốt nhất; giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá được sự cần thiết và thích hợp của dự án về các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, về công nghệ vốn, ô nhiễm môi trường; giúp các nhà tài chính ra quyết định chính xác về cho vay hoặc trả nợ.


Trung Quốc: Hội đồng thẩm định các cấp

Ở Trung Quốc, quản lý đầu tư công được phân quyền theo 4 cấp ngân sách: Trung ương, cấp tỉnh, thành phố, cấp huyện/thị trấn. Cấp có thẩm quyền của từng cấp ngân sách có toàn quyền quyết định đầu tư các dự án sử dụng vốn từ ngân sách của cấp mình. Đối với các dự án sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên phải lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan của ngân sách cấp trên trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Việc thẩm định các dự án đầu tư ở tất cả các bước (chủ trương đầu tư, báo cáo khả thi, thiết kế kỹ thuật và tổng khái quát, thiết kế thi công và tổng dự toán, đấu thầu…) đều thông qua Hội đồng thẩm định của từng cấp và lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cùng cấp và cấp trên nếu có sử dụng vốn hỗ trợ của ngân sách cấp trên.

Hội đồng thẩm định của từng cấp do cơ quan được giao kế hoạch vốn đầu tư thành lập (Cơ quan quản lý chuyên ngành). Thành viên Hội đồng thẩm định bao gồm các chuyên gia có chuyên môn sâu thuộc lĩnh vực dự án yêu cầu được lựa chọn theo hình thức rút thăm từ danh sách các chuyên gia được lập, quản lý ở từng cấp theo từng phân ngành. Các chuyên gia này được xác định là có trình độ chuyên môn thích hợp, đáp ứng yêu cầu thẩm định từng dự án cụ thể.

Trung Quốc phân loại dự án quan trọng quốc gia trên cơ sở các tiêu chí về quy mô tổng mức vốn đầu tư, quy mô tác động kinh tế - xã hội, môi trường của dự án và quy mô sử dụng các nguồn tài nguyên, khoáng sản của quốc gia. Ví dụ: Quốc Vụ viện Trung Quốc phê duyệt các dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách nhà nước từ 1 tỷ nhân dân tệ trở lên (tương đương khoảng 2.000 tỷ đồng) và các dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước có tổng mức đầu tư từ 5 tỷ nhân dân tệ trở lên (tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng).

Hàn Quốc: Đánh giá nghiên cứu tiền khả thi (PFS)

Khung quản lý đầu tư công tại Hàn Quốc được hình thành bắt đầu từ năm 1999 như một sáng kiến nhằm ứng phó với những vấn đề khủng hoảng tài chính diễn ra trong giai đoạn 1997 - 1998, giúp lành mạnh vấn đề tài khóa; nâng cao hiệu quả của chi tiêu của Chính phủ Hàn Quốc cho phúc lợi xã hội; cải cách bộ máy nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả tài chính…

Khi đó, “Kế hoạch toàn diện để tăng cường hiệu quả đầu tư công” do liên Bộ Chiến lược và Tài chính và Bộ Đất đai, Giao thông và Hàng hải của Hàn Quốc xây dựng vào tháng 7.1999 đã vấp phải sự phản đối của các bộ chủ quản các dự án, bởi Kế hoạch đưa ra việc Đánh giá nghiên cứu tiền khả thi (PFS) đối với các dự án đầu tư công. Trong đó, Trung tâm Quản lý đầu tư hạ tầng công - tư (Public and Private Infrastructure Investment Management Center-PIMAC) thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc (Korea Development Institure-KDI) là cơ quan chịu trách nhiệm tiến hành lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi (PFS) đối với các dự án đầu tư công có quy mô lớn. Bộ Chiến lược và Tài chính sẽ chịu trách nhiệm thẩm định, thông qua và quyết định việc loại bỏ hoặc chuyển sang giai đoạn nghiên cứu khả thi các dự án này, bao gồm: Dự án dùng vốn ngân sách trung ương có tổng mức đầu tư từ 50 tỷ won (tương đương 50 triệu USD) trở lên, bao gồm cả dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và không xây dựng cơ sở hạ tầng như các chương trình đầu tư nghiên cứu phát triển (R&D) và phúc lợi xã hội; dự án dùng vốn ngân sách địa phương và các dự án hợp tác công tư (PPP) có nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương trên 30 tỷ won (khoảng 30 triệu USD).

Cùng với đó, Bộ Đất đai, Giao thông và Hàng hải sẽ thực hiện đánh giá tính khả thi trước và sau dự án (thiết kế, kỹ thuật, tài chính) bằng việc cắt giảm chi phí thông qua những nghiên cứu nhằm tích hợp các chức năng thành phần của công trình/dự án. Việc đánh giá PFS đã làm tỷ lệ dự án được duyệt chỉ còn 60% so với đề xuất của các bộ chủ quản, Bộ Chiến lược và Tài chính sẽ cắt giảm hoặc tăng ngân sách cho dự án trên cơ sở đánh giá PFS. Điều này giúp Chính phủ Hàn Quốc tránh được việc khởi công, thực hiện các dự án chưa thực sự cấp bách hoặc không cần thiết. Sau khi hoàn tất các khâu thẩm định dự án, Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án nêu trên sẽ được trình ra Quốc hội Hàn Quốc xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, Bộ Chiến lược và Tài chính còn xây dựng một hệ thống quản lý tổng thể chi phí dự án (TPCM) nhằm theo dõi chi đầu tư công để nắm được chi phí phát sinh trong suốt chu kỳ dự án từ lập kế hoạch đến hoàn thành xây dựng. Hệ thống này được xây dựng theo nguyên tắc “không được phép tăng quy mô xây dựng thông qua việc sửa đổi thiết kế ngoại trừ các trường hợp không thể tránh khỏi; bộ chủ quản phải tham khảo ý kiến của Bộ Chiến lược và Tài chính về việc điều chỉnh chi phí dự án”. Việc làm này đã giúp thay đổi đáng kể số lượng đề nghị điều chỉnh chi phí dự án của các cơ quan chủ quản (kiến nghị tăng tổng thể chi phí dự án chiếm tỷ lệ từ 26,4% giai đoạn 1996 - 1999 đã giảm xuống còn 4,4% giai đoạn 2000 - 2003).

Nhật Bản: Chuẩn hóa và công khai quy trình thẩm định

Trước đây, đối với các dự án đường bộ/đường nội đô, Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Nhật Bản tiến hành thực hiện các phương pháp thẩm định khác nhau và không công bố chi tiết về các phương pháp. Tuy nhiên, quy trình này bị chỉ trích về tính minh bạch và các dự án hoàn thành không mang lại kết quả như mong đợi, nên từ năm 1998, Nhật Bản đã phải chuẩn hóa và công khai hóa quy trình và phương pháp thẩm định, với việc ban hành “Hướng dẫn thẩm định khi phê duyệt dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng” và “Hướng dẫn chi tiết việc thẩm định khi phê duyệt dự án đầu tư công trong lĩnh vực đường bộ và đường nội đô”. Theo đó, phương pháp thẩm định dự án đầu tư công cũng được ban hành thống nhất. Điều này giúp bảo đảm lựa chọn được các dự án tốt hơn, nhất là trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công hạn chế và các dự án hạ tầng thường có quy mô lớn.

Quốc Đạt