Thấm đẫm chất văn hóa

- Thứ Năm, 13/06/2019, 08:17 - Chia sẻ
Xuyên suốt hành trình cầm bút, chất văn hóa thấm đẫm trong con người, hiển hiện giữa các dòng chữ của nhà báo Hồ Quang Lợi. Ngòi bút ông hướng đến, quan tâm, dành trí lực và tâm huyết cho các vấn đề thời cuộc, những phong ba của chính trường thế giới, nhịp thở cuộc sống đương đại, để nhìn nhận, phản ánh từ góc độ văn hóa.

Thời cuộc và văn hóa

Sáng 12.6, tại Thư viện Hà Nội, nhà báo Hồ Quang Lợi ra mắt cuốn sách tiếp theo trong cuộc đời gần 40 năm cầm bút, mang tên “Thời cuộc và văn hóa”. Đây là tập hợp 56 bài báo, tuyển chọn theo 5 chủ đề, được viết trong khoảng thời gian trên 20 năm nhưng còn nguyên hơi thở nóng hổi của thời cuộc. Lần đầu tiên trong các bài báo chính luận của mình, tác giả đặt văn hóa như một “bản lề” để nhìn nhận vấn đề trong nước và quốc tế. Ở đây, bản sắc văn hóa được bộc lộ thông qua nhiều phương diện, cả nội dung lẫn nghệ thuật ngôn từ.


Nhà báo Hồ Quang Lợi ký tặng độc giả

“Thời cuộc và văn hóa” đề cập đến những vấn đề thời sự nóng bỏng, chấn động đời sống nhân loại như sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh, cuộc chiến Kosovo, cú đánh 11.9.2011 và cách thức chống khủng bố, các vấn đề sắc tộc, tôn giáo, nhân quyền... để chỉ ra cái lõi văn hóa trong cuộc sống tưởng chừng xa xôi, khiên cưỡng. Tác giả cũng phân tích đâu là giá trị cốt lõi, là “chất vàng ròng” của Việt Nam, chỉ ra đó là văn hóa, và nhấn mạnh tột cùng của văn hóa là con người. Nhiều ý kiến nhận định, nhà báo Hồ Quang Lợi đã khéo léo kết hợp thành công hai nội dung tưởng như khó kết nối với nhau một cách hài hòa, nhuần nhuyễn lại không kém phần sâu sắc, tinh tế và hấp dẫn, lột tả được mối quan hệ biện chứng giữa thế cuộc - văn hóa.

Những biến cố mang tính lịch sử và thời đại được đề cập trong các bài báo luôn được đối chiếu, soi rọi không chỉ với những bài học, kinh nghiệm quý báu trong quá khứ mà còn bao quát hiện tại và dự báo tương lai. Tuy nhiên, khác với những cuốn sách trước theo dòng thời sự chính trị, tác phẩm lần này tiếp cận ở mạch văn hóa chảy dài, xuyên suốt. Có thể nói, cái nhìn chính sự, thời cuộc và thế giới của Hồ Quang Lợi đạt tới sự thống nhất một cách khoa học, biện chứng giữa lý trí, tư duy chính trị và tính nhân văn, văn hóa.

Nhận định của TS. Phạm Quang Nghị, các bài viết, từ đặt tít, nội dung, lập luận, chính kiến, định hướng tư tưởng đến văn phong sớm định hình một phong cách, một bút pháp khó lẫn với ai. Đọc Hồ Quang Lợi, mọi người đều có chung cảm nhận về năng lực tư duy sắc bén, khoa học, bút lực dồi dào, cuốn hút. “Rất nhiều bài viết của anh bây giờ đọc lại, tôi có cảm nhận đó là sự thăng hoa cả về tư duy lẫn ngôn từ. Những câu chữ của anh cứ như cánh buồm no gió lướt trên mặt sóng”.

Quay về dân tộc mình

Nhìn về đâu, viết về cái gì, rốt cuộc cũng phải quay về dân tộc mình, đất nước mình, nhân dân mình, đồng chí, đồng bào mình, hướng tới độc giả mình. Cấu trúc của cuốn sách có 5 phần thì dành đến 4 phần nói chuyện nội bộ, chuyện của ta trên nền tảng văn hóa dân tộc. Câu chuyện văn hóa là câu chuyện đầu tiên, cuối cùng, cao nhất, sâu sắc nhất. Theo nhà phê bình Bùi Việt Thắng, trong tác phẩm này, tác giả cứ bấu chặt văn hóa mà bàn thảo mọi chuyện. Lối viết của ông tạo lực hấp dẫn không hẳn nhờ trí tuệ mẫn tiệp, cũng không hẳn nhờ vị thế, mà tựa vào cái tình đã chan hòa với cái lý. Chẳng hạn, ông biết thuyết phục độc giả khi khẳng định: “Văn hóa Việt Nam là văn hóa giữ nước, dùng chữ hơi quân sự một tí là văn hóa đánh giặc, văn hóa bảo vệ Tổ quốc. Đó là nguồn lực nội sinh từ nền tảng văn hóa dân tộc. Đã nói về văn hóa thì phải nói đến cội nguồn, điều ở sâu thẳm nhất trong cốt cách, tinh thần, tâm hồn của dân tộc”.

Nhiều nhà văn, nhà báo ca ngợi Hà Nội - thành phố xanh, thành phố hòa bình, thành phố đáng sống... nhưng nhà báo Hồ Quang Lợi có góc nhìn khác: “Một thành phố, dù tráng lệ đến mấy, nhưng phải là một thành phố có tâm hồn thì mới là nơi đáng sống. Mà tâm hồn thành phố phải do con người xây đắp nên (…). Đó là nơi con người vẫn còn biết mộng mơ, vẫn còn biết sống lãng mạn, vẫn đầy khát vọng”.

Ở vị thế người cầm bút, tác giả Hồ Quang Lợi chia sẻ, đối với ông, văn hóa rất dân tộc nhưng cũng phải mang tính nhân loại, dân tộc và nhân loại hòa vào nhau. Những chuyện gì xảy ra trên thế giới, ở Việt Nam, trong mỗi ngôi nhà, khiến mỗi người chúng ta đau khổ, bức xúc, mệt mỏi, không yên... Thế giới trong vòng 30 năm qua đầy xung đột, chiến tranh nhưng vẫn tồn tại, phát triển, là nhờ văn hóa, nhờ tinh thần của con người biết kết nối để chống lại điều phi nhân tính, phi văn hóa. Cho nên, tiêu đề đặt ra trong cuốn sách này, có vấn đề thời cuộc tác động đến văn hóa nhưng cũng có chiều văn hóa là nền tảng, là cốt lõi để con người tìm kiếm sự cân bằng, phát triển. “Đó là điều tôi nghĩ sâu sắc, có điều tôi thấy mình còn chưa viết ra được hết, và chúng ta cùng phải viết về điều đó”, nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ.

Thời cuộc có yếu tố văn hóa và văn hóa có yếu tố thời cuộc. Nhà báo phải là người có khả năng và vai trò phân tích, nhìn nhận thấu đáo để chỉ ra vấn đề, đưa ra những dự báo cần thiết. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho rằng, những tác phẩm bình luận, phân tích của nhà báo Hồ Quang Lợi chính là nguồn cảm hứng lớn cho các thế hệ nhà báo trẻ. “Nhớ lại cách đây hơn 20 năm, nhiều tác phẩm của Hồ Quang Lợi đã trở thành tài liệu gối đầu giường cho sinh viên báo chí. Cái tài của ông là phân tích để người đọc phải nghe, là dự cảm chính trị mà bây giờ đọc lại vẫn thấy rõ tính thời cuộc và văn hóa, là giọng điệu biết hình tượng hóa, đơn giản hóa những vấn đề lớn. Anh truyền cảm hứng cho thế hệ sinh viên báo chí để chúng tôi đi ra thế giới, đi đến các điểm nóng, chúng tôi có ký ức của anh để soi rọi những câu chuyện mới”.

Hải Đường