Chính phủ mới của Malaysia

Thách thức ở phía trước

- Thứ Tư, 06/06/2018, 08:01 - Chia sẻ
Vừa mới thành lập, Chính phủ của tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã phải xử lý các hồ sơ nóng như bê bối Quỹ Phát triển 1Malaysia Development Beehad (1MDB), nợ nước ngoài chồng chất và tố cáo chính quyền tiền nhiệm không cho Bộ Tài chính và Tổng Kiểm toán tiếp cận “hồ sơ đỏ”. Cuộc chiến chống tham nhũng đầy cam go đang ở phía trước.

Những điểm đen

Ngay trong ngày đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Tài chính (ngày 22.5), ông Lâm Quán Anh đã truy hỏi Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc 1MDB Arul Kanda Kandasamy để tìm hiểu những bê bối liên quan cũng như khả năng 1MDB trả nợ, khoảng 36,1 triệu USD tiền lãi phải trả vào ngày 30.5 và khoảng 203,7 triệu USD tiền lãi phải trả trong thời gian từ tháng 9 - 11.2018. Mặc dù tới nay ông Arul vẫn tin tưởng 1MDB có khả năng trả nợ, nhưng qua báo cáo của các thành viên Hội đồng quản trị, ông Lâm Quán Anh được biết từ tháng 4 năm ngoái, Bộ Tài chính Malaysia đã đứng ra đảm trách trả cho 1MDB tổng số nợ là hơn 1,75 tỷ USD.

Bộ trưởng Lâm Quán Anh cho rằng điều đó có nghĩa 1MDB đã lừa dối người dân, họ nói có khả năng trả nợ, nhưng thực chất là chuyển gánh nợ sang Bộ Tài chính. Tệ hại hơn, số nợ được trả chỉ là lãi suất tiền vay và lãi suất trái phiếu đi vay mà chưa bao gồm số nợ lên tới hàng tỷ ringgit đáo hạn vào năm 2022.

Cũng trong ngày làm việc đầu tiên, ông Lâm Quán Anh còn phát hiện nhiều vấn đề nghiêm trọng khác, nhưng bất ngờ nhất là việc chính quyền tiền nhiệm do Mặt trận Quốc gia (BN) lãnh đạo đã ngăn chặn, không cho quan chức Bộ Tài chính và Tổng Kiểm toán tiếp cận báo cáo tài chính cũng như thông tin về tài khoản nhà nước. Chỉ một số người đặc biệt mới được đọc “hồ sơ đỏ” này. Theo ông Lâm Quán Anh, chính quyền tiền nhiệm rõ ràng đã lừa gạt người dân, đặc biệt là về bê bối 1MDB, thậm chí dẫn tới tình trạng sai lệch trong báo cáo tài chính liên quan trình Quốc hội.

Liên quan tới tình hình tài chính của Malaysia, theo tờ Thi Hoa, trong một báo cáo đưa ra tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Malaysia nói rằng tình hình kinh tế nước này rất tốt. Trước đó một tháng, Ngân hàng Trung ương Malaysia cho biết tính tới tháng 12.2017, nợ nước ngoài của nước này là hơn 222,2 tỷ USD, tương đương 65,3% GDP. Tuy nhiên, trong bài phát biểu đầu tiên trước các viên chức chính phủ Malaysia tại Văn phòng Thủ tướng, ông Mahathir tuyên bố “phát hiện ngân khố quốc gia bị đục khoét đến mức giờ đây chúng ta gặp rắc rối trong việc xử lý số nợ đã lên tới hơn 251,5 tỷ USD”. Theo người đứng đầu Chính phủ Malaysia, nước này chưa từng ở tình trạng như vậy. Trong giai đoạn ông lãnh đạo từ năm 1981 - 2003, chưa khi nào Malaysia mắc nợ nhiều hơn 72 tỷ USD. Trước đó, ông Mahathir từng nghi ngờ các báo cáo tài chính của Malaysia có thể không chính xác.

Chống tham nhũng và “giải cứu” ngân sách

Tổng kết những điểm đen trên, giới phân tích đánh giá thách thức lớn nhất đối với Chính phủ của Thủ tướng Mahathir là tham nhũng và khó khăn tài chính.

Vụ bê bối liên quan tới 1MDB được nhìn nhận là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cử tri Malaysia không còn tin tưởng vào chính quyền của ông Najib, chuyển sang ủng hộ phe đối lập, làm nên chiến thắng vang dội của Liên minh Hy vọng (PH). Sau khi thất bại trong cuộc bầu cử Hạ viện hôm 9.5, ông Najib đã từ chức Chủ tịch Liên minh Mặt trận Quốc gia (BN) và Chủ tịch Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO, đứng đầu trong BN), định sang Indonesia nghỉ ngơi vài ngày. Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Najib và vợ ông đã không thể ra khỏi biên giới bởi có tên trong danh sách cấm xuất cảnh của Cục Quản lý di trú. Giờ đây, ông Najib còn phải đối mặt với cáo buộc mới từ chính cựu quan chức Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC).

Bên cạnh đó, Chính phủ mới phải thực hiện cam kết khôi phục một số chế độ trợ cấp hay hủy bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ (GST). Tuy nhiên, điều này sẽ dẫn tới tình trạng thâm hụt tài chính khi quyết định bù đắp sự thiếu hụt ngân sách thông qua việc gia tăng lệ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ cần phải cân nhắc cẩn trọng.

Để ứng phó với khó khăn tài chính, nội các mới của Malaysia không những không tăng lương cho bộ trưởng, mà tất cả thành viên nội các đều đồng ý giảm 10% lương. Người đứng đầu Chính phủ Malaysia cũng hoan nghênh tất cả nhân viên cấp cao thuộc chính quyền tham gia cắt giảm chi tiêu này và cho biết ông đã có quyết định tương tự khi trở thành Thủ tướng lần thứ nhất năm 1981. Ông Mahathir mong muốn thông qua chấm dứt hoặc xem xét lại những hạng mục đầu tư lớn và cả biện pháp giảm lương nêu trên để giảm gánh nợ quốc gia.

Ngoài cắt giảm chi tiêu, ông Mahathir còn chủ trương thực hiện những biện pháp khác, trong đó có thành lập nội các nhỏ, thu hẹp quy mô chính phủ và thu lại một số tài sản liên quan tới quỹ nhà nước 1MDB. Ông Mahathir tuyên bố Ủy ban Vận tải Công cộng Đường bộ cùng một số cơ quan “không quan trọng” khác cũng sẽ bị giải thể. Bên cạnh đó, Thủ tướng Mahathir còn đề cập tới quá trình xem xét một số siêu dự án và cho biết Chính phủ đang xem xét dự án nào được tiếp tục triển khai, dự án nào buộc phải ngừng. Nhà lãnh đạo 92 tuổi cũng cho biết Chính phủ sẽ xem xét hợp đồng tìm kiếm máy bay mất tích MH370 và nêu rõ sẽ không tái hợp đồng nếu không cần thiết.

Tuy khó khăn, nhưng PH vẫn có cơ hội, nhân thời kỳ chuyển giao quyền lực thúc đẩy cải cách các mặt. Chính phủ Malaysia đang nắm giữ 30 doanh nghiệp lớn chiếm 40% giá trị thị trường chứng khoán. Thực tế này sẽ gây trở ngại tới cạnh tranh, thúc đẩy lũng đoạn. Ngoài ra, ông Mahathir cũng phải có chính sách rõ ràng ứng phó với Trung Quốc. Chính trị gia này từng công khai chỉ trích chính quyền của người tiền nhiệm Najib Razak bán chủ quyền đất nước cho Trung Quốc, mặc dù ông biết rõ Malaysia cần vốn đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Vậy sau khi tạo ra cơn chấn động trên chính trường Malaysia, PH đang nỗ lực để tạo ra thay đổi, bắt đầu từ cải cách thể chế, xóa bỏ “ung nhọt”, tình trạng dựa vào quyền uy coi thường pháp luật, loại bỏ thuế GST, khôi phục trợ cấp nhiên liệu, chấn hưng kinh tế. Tuy nhiên, cuộc chiến này thành công đến đâu, thời gian mới có thể khẳng định.

Huỳnh Vũ