Chính sách và cuộc sống

Tết ấm

- Thứ Bảy, 10/02/2018, 08:43 - Chia sẻ

Chị Nguyễn Thị Hường, một trong 400 công nhân tham dự “Chương trình Tết sum vầy 2018” tại Hải Dương, không giấu nổi xúc động khi được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao tận tay tấm lụa để dành tặng cho người mẹ đang tảo tần sớm hôm nơi quê nhà. “Mình sẽ nói với mẹ đây là quà của Chủ tịch QH. Chắc mẹ sẽ mừng lắm!”, giọng chị nghèn nghẹn. Hôm ấy, Chủ tịch QH cũng đã tặng 100 tấm lụa cho mẹ của các công nhân, người lao động quê ở các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề bởi đợt mưa lũ năm 2017. Trong hành trang về thăm gia đình, thăm quê hương dịp Tết này của các công nhân không chỉ có món quà tặng mẹ được trao tặng bằng tấm lòng, sự sẻ chia và động viên từ người lãnh đạo cao nhất của QH, mà còn có cả quà tặng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, của chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Hải Dương và doanh nghiệp… 

Tết này, và nhiều Tết trước nữa, đã thành thông lệ đẹp, hàng triệu công nhân, người lao động trên cả nước được đón nhận những món quà ấm áp như thế trong chương trình “Tết sum vầy” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. Đây là chương trình cụ thể nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo… để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình phát triển của đất nước. Từ chủ trương này, nhiều hoạt động phong phú, thiết thực đã được triển khai ở các địa phương. Đó là “tấm vé nghĩa tình” để người lao động có thể về quê đón Tết bên gia đình; hay “đón Tết cùng công nhân” để người lao động, dù không có điều kiện về quê vẫn được đón một cái Tết đầm ấm, yên vui. Đó còn là hàng triệu phần quà được trao tặng cho người lao động khó khăn, mất việc làm, ốm đau, bị tai nạn lao động…

Và vui hơn khi đến thời điểm này, theo báo cáo từ công đoàn các cấp, hầu hết doanh nghiệp đã thực hiện tốt việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, có kế hoạch chi tiền lương, tiền thưởng Tết và sớm thông báo thời gian nghỉ Tết cho người lao động… Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị tổ chức phương tiện cho công nhân về quê, chuẩn bị phần quà cảm ơn cha mẹ công nhân - hậu phương vững chắc để những đứa con xa quê hương có thể yên tâm làm việc, đóng góp cho doanh nghiệp. Có cả những doanh nghiệp nhỏ, mới khởi nghiệp, hoạt động còn chật vật, khó khăn nhưng vẫn cố gắng chăm lo cho người lao động… “Những tình cảm tốt đẹp ấy khiến tôi thực sự cảm kích”, Chủ tịch QH xúc động bày tỏ trong cuộc trò chuyện với 400 công nhân tại Hải Dương. Bởi đó không chỉ là sự ghi nhận của doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức đối với kết quả lao động, sáng tạo, sự đóng góp công sức miệt mài của người lao động mà còn là tình cảm giữa con người với con người, vượt lên những giới hạn thông thường của mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và người lao động. Như Chủ tịch QH nhắn nhủ, những tình cảm ấm áp ấy sẽ theo chân công nhân trong hành trình trở về sum vầy với gia đình để hết kỳ nghỉ Tết, “các bạn, các em sẽ trở lại làm việc đúng quy định với tinh thần mới, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ, góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển đất nước vì mục tiêu của cả dân tộc là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh, để mọi người đều có một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”.

Năm 2017 đã khép lại với nhiều kết quả vượt quá cả sự mong đợi khi cả 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch. Bức tranh kinh tế - xã hội đã bừng lên những gam màu sáng. Đóng góp vào thành tích ấy có một phần rất quan trọng từ công sức lao động của hàng chục triệu công nhân và người lao động trên cả nước. Nhưng chắc chắn, các chỉ tiêu phát triển sẽ còn ngoạn mục hơn nữa nếu năng suất của toàn xã hội, trong đó có một phần rất quan trọng là năng suất của các doanh nghiệp, của công nhân lao động được nâng cao hơn. Khi ấy, doanh nghiệp sẽ “khỏe” hơn, người lao động sẽ có thu nhập tốt hơn, cuộc sống đủ đầy, yên vui hơn, để mỗi độ Tết đến Xuân về sẽ là dịp đoàn viên, sum vầy thực sự. Khi ấy, sẽ không có những công nhân phải chờ đợi nhiều năm, thậm chí phải có sự trợ giúp từ các tổ chức, doanh nghiệp mới có thể về quê đón Tết, sẽ không có doanh nghiệp phải “co kéo, xoay xở” để lo Tết cho công nhân…

Dẫu vậy, các doanh nghiệp và người lao động không thể tự mình nâng cao năng suất. Bởi lẽ, nâng cao năng suất đang là thách thức lớn đối với nền kinh tế nước ta, thậm chí được các chuyên gia ví như “nút thắt của nút thắt” đối với tăng trưởng nhanh và bền vững. Thực tế, chúng ta có nhiều tiềm năng và dư địa, cơ hội để gia tăng năng suất, trước hết là phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học - công nghệ để tăng năng suất của từng doanh nghiệp, từng ngành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và đào tạo nguồn nhân lực… Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, người lao động, “Chính phủ cần thực hiện nhiều dự án nâng cao năng suất hơn nữa”, GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Nhật Bản), thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khuyến nghị tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018.

Tết ấm, thực sự ấm là khi mỗi công nhân, mỗi người lao động có thể tự chăm lo và bảo đảm cuộc sống cho mình và gia đình bằng chính sức lao động của mình!

Quỳnh Chi