Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVII:

Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt

- Thứ Năm, 09/07/2020, 06:11 - Chia sẻ
Nhiều bất lợi trong những tháng đầu năm đã làm chậm đà tăng trưởng của Hà Tĩnh, do vậy, đánh giá toàn diện, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để đề ra những quyết sách, giải pháp cần tập trung chỉ đạo, điều hành nhằm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ là việc cấp thiết. Cảm nhận chung trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh là tinh thần thẳng thắn, nhìn nhận vấn đề trực diện, đánh giá đúng thực chất, kể cả những kết quả chưa được như kỳ vọng...

Cụ thể hóa chủ trương, chỉ thị, chỉ đạo chưa đồng bộ

Bước sang năm 2020, trong điều kiện rất khó khăn, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng đến mọi mặt nhưng kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Hà Tĩnh vẫn có những chuyển biến tích cực. Kết quả này đã được Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp: Các vụ mùa thắng lợi, tổng sản lượng lương thực đạt hơn 36,6 vạn tấn; chăn nuôi từng bước phục hồi. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 12.297 tỷ đồng, bằng 33,6% kế hoạch; thành lập mới 455 doanh nghiệp, 2.139 hộ kinh doanh và 16 HTX… Đáng chú ý, các vướng mắc, điểm nghẽn về đất đai đầu tư đã và đang được tháo gỡ với việc triển khai 10 dự án lớn, tổng mức đầu tư gần 32.000 tỷ đồng. Thu hút đầu tư tiếp tục có tín hiệu tích cực, nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn trao đổi bên lề hành lang kỳ họp
Ảnh: Hải Phong

Dù đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng như nhận định của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn: Nền kinh tế của tỉnh đang đối mặt với không ít khó khăn và còn nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đạt 0,1% là mức thấp nhất kể từ sau sự cố môi trường biển năm 2016. Việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua, các công trình chào mừng đại hội đảng các cấp còn chậm; kết quả thực hiện các chương trình trọng điểm ở một số địa phương chưa bảo đảm tiến độ… Những hạn chế này bên cạnh do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương hiệu quả chưa cao; cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu; một số cán bộ, đảng viên và người đứng đầu của một số địa phương, đơn vị còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm... còn do sự phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương chưa chặt chẽ, nhất là trong giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư; công tác kiểm tra, giám sát có nơi còn biểu hiện chủ quan; cụ thể hóa chủ trương, chỉ thị, chỉ đạo cấp trên chưa đồng bộ.

Để khắc phục những yếu kém trên, các đại biểu cho rằng: Trên cơ sở dự báo thời gian khống chế được dịch bệnh và mở cửa lại nền kinh tế của nước ta, UBND tỉnh cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn; đánh giá lại các chỉ tiêu của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, phải kiểm soát hiệu quả những nhiệm vụ chi cần thiết, tiết giảm mạnh hơn chi thường xuyên trong các hoạt động hành chính của các cơ quan nhà nước; triển khai hiệu quả một số cơ chế, chính sách đặc thù kích thích sản xuất và khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 được HĐND tỉnh quyết định tại kỳ họp này.

Đi sâu phân tích tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Trần Viết Hậu đề nghị UBND tỉnh tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm tiến độ. Tiếp tục có cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển sản xuất, tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ trong tỉnh để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng phát triển… “Đặc biệt, tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với điều kiện, khí hậu của từng địa phương. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống. Chú trọng thu hút và phát triển các ngành sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, đặc biệt trong sản xuất, chế biến, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm”, ông Hậu đề xuất.

Xử lý nghiêm trường hợp gây thất thoát, lãng phí

Cũng tại phiên khai mạc, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về lĩnh vực đầu tư công. Theo báo cáo của UBND tỉnh, việc giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm trước. Nguồn ngân sách xây dựng cơ bản tập trung được phân bổ cho các địa phương, đơn vị theo đúng định mức, danh mục và mức vốn HĐND tỉnh thông qua, bảo đảm công khai, minh bạch và hài hòa trong phân bổ nguồn lực đầu tư, góp phần thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương trong tỉnh... Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu: Với tiến độ như hiện nay, để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ là thách thức rất lớn, nhất là nguồn vốn trung ương đầu tư trên địa bàn giải ngân đạt 107,521 tỷ đồng, bằng 14,16% kế hoạch. Bởi, việc giải ngân vốn thực hiện một số dự án đầu tư công lớn trên địa bàn vẫn còn chậm; nhiều công trình, dự án không triển khai do vướng mắc về trình tự, thủ tục đầu tư chưa được tháo gỡ...

Để triển khai kế hoạch đầu tư phát triển năm 2020 bảo đảm mục tiêu đúng tiến độ, nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, các thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề xuất: Các ngành, các cấp cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý đầu tư và xây dựng trong tất cả các khâu từ công tác quy hoạch, kế hoạch, huy động vốn đầu tư đến chuẩn bị đầu tư, tổ chức thực hiện, nghiệm thu đưa vào sử dụng và thanh toán, quyết toán. Cụ thể, UBND tỉnh cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm giải ngân hết số vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và nguồn từ năm trước chuyển sang; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình lớn trên địa bàn. Bên cạnh đó, sớm xây dựng kế hoạch phân bổ vốn các Chương trình Mục tiêu quốc gia khi có thông báo vốn từ ngân sách trung ương; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; xử lý nghiêm những trường hợp làm chậm, vi phạm quy định, thất thoát, lãng phí...

Ở góc độ khác, nhiều đại biểu HĐND tỉnh cũng đề nghị tỉnh rà soát toàn bộ các chính sách đã ban hành và hết hiệu lực trong năm 2020 để làm căn cứ đánh giá, cân đối nguồn lực xây dựng, ban hành các chính sách cho thời kỳ ngân sách mới. Đồng thời, hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trình HĐND tỉnh thông qua theo đúng tiến độ thời gian quy định của Luật Đầu tư công; triển khai hiệu quả Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8.4.2020 về gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất và chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí; tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư của doanh nghiệp; chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng, nguồn nhân lực, mặt bằng sạch để chủ động chào đón các nhà đầu tư.

Diệp Anh