Tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu

- Thứ Hai, 11/05/2020, 16:57 - Chia sẻ
Tôi thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của Đoàn giám sát. Báo cáo đã khái quát được kết quả đạt được và hạn chế về tình hình sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Tránh “một bên ra sức thoái vốn, một bên lại mua vào”

Tuy nhiên, tôi đề xuất, thứ nhất, Chính phủ cần sớm nghiên cứu, trình QH sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp để phù hợp với chủ trương của Đảng: DNNN là doanh nghiệp do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, hoặc cổ phần vốn góp chi phối. Lưu ý không chỉ mở rộng khái niệm bổ sung DNNN không chỉ là DN do nhà nước nắm giữ cổ phần vốn góp chi phối mà cần có cơ chế quản lý phù hợp với mức độ vốn chi phối của nhà nước. Mức độ chi phối góp vốn khác nhau, cần cơ chế và phương thức quản lý khác nhau.

Thứ hai, chủ trương nhất quán của Đảng - DNNN giữ vững vị trí then chốt là lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội. Để duy trì được vị trí then chốt và là lực lượng vật chất quan trọng theo chủ trương của Đảng cần một lượng vốn nhất định. Ngoài lượng vốn, các DNNN ở lĩnh vực then chốt đang nắm giữ cũng có lúc cần bổ sung để duy trì phần vốn góp để đầu tư mở rộng hoàn thành nhiệm vụ mới.

Vì vậy, đối với tiền thu từ thoái vốn cổ phần hóa cần tính toán số vốn dành riêng duy trì và phát triển DNNN theo đúng chủ trương của Đảng. Cần tính toán từ bây giờ, tránh tình trạng tiền thu được sử dụng cho đầu tư và các nhiệm vụ khác khi cần phát triển cho DNNN lại không thu xếp được. Hơn nữa, cũng cần nhận thức chủ trương thoái vốn thực chất là quá trình cơ cấu lại danh mục vốn đầu tư của Nhà nước với mục tiêu thu hồi vốn đầu tư vào những lĩnh vực không then chốt, tất yếu để chuyển sang đầu tư tại doanh nghiệp đầu tư then chốt, thiết yếu. Vì vậy, việc cổ phần hóa, thoái vốn, sử dụng tiền thu được từ thoái vốn cổ phần hóa cũng cần cân nhắc nội dung này.

Thứ ba, mục tiêu đầu tư kinh doanh của DNNN, vốn nhà nước cần bảo đảm đúng chủ trương của Đảng: Tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà thành phần kinh tế khác không đầu tư. Theo đó, ngoài việc ban hành tiêu chí DN, Chính phủ cần chính sách, phương thức quản lý đánh giá phù hợp với các DNNN theo lĩnh vực theo đúng chủ trương và trong cơ chế thị trường, và DNNN đầu tư trong các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư do không đáp ứng được yêu cầu về mở rộng. Hai loại DN này phải có chính sách khác nhau nên phải có cách ứng xử khác nhau.

Bên cạnh đó, cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của SCIC, không nên để tình trạng SCIC thực hiện đầu tư vào các lĩnh vực không then chốt của Nhà nước đang thoái vốn. Mặc dù, chức năng quan trọng của SCIC là kinh doanh vốn, nhưng vì là DNNN sử dụng vốn nhà nước nên SCIC chỉ nên đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực phù hợp với chủ trương. Việc đầu tư vào các DN thu lợi nhuận cần bám sát chủ trương của Đảng. Cần cân nhắc để tránh tình trạng cùng là Nhà nước mà một bên ra sức thoái vốn, bên lại mua vào.


ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ)
Ảnh: Quang Khánh

Xử lý dứt điểm dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài

Thứ tư, cần rà soát, xử lý dứt điểm theo đúng tinh thần của Nghị quyết 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là đến năm 2020 tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, các dự án của nhà nước đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Không chỉ 12 dự án ngành công thương, hay Tổng công ty tàu thủy Vinashin, mà cần rà soát tổng thể các dự án, các DN thua lỗ khác bảo đảm lợi ích của Nhà nước, không để tình trạng tiếp tục cấp vốn do thua lỗ kéo dài, hoặc tình trạng nhiều tài sản không sử dụng hao mòn theo thời gian, chi phí lãi vay để bảo toàn tài sản và để cử tri yên tâm.

Tiếp xúc cử tri ở huyện Tam Nông (Phú Thọ), cử tri bức xúc, 50 ha “bờ xôi ruộng mật” đã di dời làm nhà máy trên Tam Nông, chi hàng nghìn tỉ đồng, nhưng đã dừng triển khai đã 5 - 6 năm nay, nhà xưởng, thiết bị máy móc bị đắp chiếu, rất xót xa.  Còn làm việc với Tổng công ty công nghiệp tàu thủy tiếp tục cho thấy tiếp tục thua lỗ lớn. Phải quyết liệt xử lý, bởi càng để lâu hậu quả càng nghiêm trọng.

Thứ năm, Chính phủ cần có quy định cụ thể về xử lý cổ tức và lợi nhuận của Nhà nước chưa chưa trước khi thoái vốn hoặc cổ phần hóa DN hiện chưa rõ ràng. Đồng thời, có phương án xử lý để bảo đảm lợi ích của Nhà nước đối với DN đã thái vốn, hoặc cổ phần hóa, nhưng không chia cổ tức, hoặc lợi nhuận cho nhà nước. Có trường hợp không công bố rõ khoặc minh bạch thông tin về số liệu cổ tức và lợi nhuận chưa chia khi thoái vốn, cổ phần hóa.

Thứ sáu, về quản lý đất đai, thất thoát đất đai khi cổ phần hóa đã được khắc phục một bước khi ban hành Nghị định 126 của Chính phủ. Theo đó, DN thuộc diện cổ phần hóa có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đang quản lý sử dụng để lập và hoàn thiện phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan trước thời điểm cổ phần hóa. Tuy nhiên, Chính phủ cần chỉ đạo kiểm tra, giám sát các bộ, ngành địa phương khi phê duyệt phương án sử dụng đất và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau cổ phần hóa. Không để xảy ra sai phạm khi phê duyệt phương án sử dụng đất hoặc để xảy ra doanh nghiệp sau cổ phần hóa chuyển đổi mục đích sử dụng đất không đúng quy định như kinh doanh bất động sản, làm nhà ở, chung cư thương mại kiếm lời gây thất thoát tài sản nhà nước.

Thứ bảy, Chính phủ cần có phương án xử lý để đánh giá các DN cổ phần hóa trước và sau 1.1.2018 trên cùng một mặt bằng. Vì trước 1.1.2018, các DN điều chỉnh sổ kế toán theo kết quả xác định giá trị DN dẫn đến các đơn vị định giá sát thị trường, tài sản tăng nhiều nhưng sau cổ phần hóa tỷ suất lợi nhuận giảm hẳn. Nhưng sau 1.1.2018 thực hiện theo Nghị định 126 của Chính phủ thì không điều chỉnh sổ kế toán theo kết quả xác định tài sản DN nữa, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận của DN trước và sau 1.1.2018 không đồng nhất, khó so sánh, đánh giá kết quả, hiệu quả giữa các DN sau cổ phẩn hóa do không cùng một mặt bằng.

ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ)
Hà An ghi