Tập trung nguồn lực, tạo chuyển biến rõ nét

- Thứ Bảy, 02/11/2019, 08:26 - Chia sẻ
Tôi nhất trí cao với sự cần thiết mà Chính phủ trình QH xem xét Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trước hết, tôi nhất trí điều chỉnh phạm vi của đề án là Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như đề nghị của Chính phủ và Hội đồng Dân tộc để thực sự tập trung nguồn lực, tạo chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới.

Hiện có 118 chính sách đang còn hiệu lực thi hành, trong đó có những chính sách rất lớn, như Chương trình 135 đã trải qua gần 20 năm, Chương trình 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững cũng đã triển khai gần 10 năm. Đề nghị cơ quan soạn thảo có đánh giá sâu sắc hơn về các khía cạnh, như tác động của các chương trình này đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian qua. Những chính sách gì còn thiếu, còn mâu thuẫn, chồng chéo; việc tích hợp các chính sách; việc phối hợp để tránh phân tán, dàn trải; vấn đề về ngành nông nghiệp, ngành khoa học, công nghệ đã hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng giúp người dân trong sản xuất, phù hợp với đặc điểm của những vùng này; vấn đề về tiêu thụ sản phẩm; huy động nguồn lực xã hội… đã được nêu khá rõ trong dự thảo Đề án và các tài liệu liên quan. Theo tôi, Đề án cần đánh giá và phân tích rất kỹ, sâu sắc những vấn đề về công tác chỉ đạo, điều hành những chính sách này. Trên cơ sở đó đề ra được những giải pháp, phương thức thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

Liên quan đến chính sách giai đoạn 2011 - 2030, Đề án đề xuất sắp xếp lại còn 11 chính sách lớn và không tiếp tục thực hiện 4 chính sách. Tôi đồng tình với ý kiến của Hội đồng Dân tộc là cần phân tích, đánh giá kỹ việc sắp xếp, điều chỉnh này. Ví dụ, đề xuất không tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo, vùng khó khăn, hay không thực hiện chính sách tăng cường trí thức trẻ về nông thôn, miền núi, theo tôi, nên xem xét một cách cụ thể, không áp dụng một cách máy móc, cứng nhắc. Ở những xã vùng biên giới chẳng hạn, chúng ta đang vận động người dân bám địa bàn thì phải có những chính sách rất đặc biệt, đặc thù, kể cả những chính sách trợ giúp không có điều kiện để hỗ trợ cho người dân.

Về huy động nguồn lực và kinh phí thực hiện, tôi nhất trí quan điểm trong Đề án là phải phát huy tích cực tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên của người dân. Đây là yếu tố rất quan trọng và ngân sách nhà nước là chủ đạo. Ở đây, cần quan tâm thêm vấn đề về tăng cường nguồn kinh phí từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng diện được thụ hưởng nguồn tài chính này, để không những đồng bào thoát được đói nghèo có thể được vay để khởi nghiệp, để phấn đấu khá lên và có thể làm giàu trên những địa bàn khó khăn. Đồng thời, có những cơ chế để huy động tốt hơn nguồn lực xã hội. Trong Đề án chưa rõ những phương án về huy động nguồn lực xã hội, đề nghị bổ sung cho đầy đủ hơn.

Đề án cũng cần phân tích rõ hơn các giải pháp, nhất là giải pháp về chỉ đạo, điều hành, tích hợp chính sách, tập trung đầu mối chủ trì, hay vấn đề về đẩy mạnh phân cấp cho địa phương tới đây sẽ được triển khai như thế nào. Để tình trạng quá nhiều chính sách như hiện tại cũng như tránh phân tán, dàn trải, Đề án đã có sự sắp xếp lại các chính sách, nhưng đề nghị cần đánh giá khả năng thực hiện và tính khả thi của việc thực hiện các giải pháp đề ra. Và một vấn đề cần đặc biệt quan tâm là năng lực bộ máy cũng như đội ngũ cán bộ để thực thi công tác giám sát của các cơ quan dân cử cũng như cộng đồng, các đoàn thể, tổ chức xã hội để nguồn kinh phí từ Trung ương đến đầy đủ với người dân, với địa phương, cơ sở. 

Bùi Ngọc Chương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội
Anh Phương lược ghi