Kỳ họp thứ Năm HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XII:

Tập trung làm rõ nguyên nhân, phấn đấu đạt mục tiêu năm 2013

- Thứ Hai, 17/12/2012, 17:08 - Chia sẻ
Với việc 6/16 chỉ tiêu phát triển KT- XH năm 2012 đạt thấp hơn kế hoạch đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng, các buổi thảo luận tại tổ cũng như chất vấn tại hội trường của Kỳ họp thứ Năm HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XII đã thực sự sôi nổi và nóng bỏng. Các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến thảo luận và chất vấn quan trọng, tập trung làm rõ nguyên nhân, bàn giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2013.

Hoạt động công nghiệp xây dựng còn nhiều khó khăn

Tại Kỳ họp lần này, đa số các đại biểu nhất trí với báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT- XH năm 2012, phương hướng và nhiệm vụ phát triển KT- XH năm 2013. Tuy nhiên, với 6/16 chỉ tiêu đạt thấp hơn kế hoạch đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng, thể hiện sự thiếu bền vững của nền kinh tế, nhiều đại biểu băn khoăn và cho rằng báo cáo của UBND tỉnh chưa đi sâu phân tích những mặt còn hạn chế, nhất là những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, chưa phân tích nguyên nhân các chỉ tiêu không đạt kế hoạch.

Tại buổi chất vấn, trước đề nghị giải trình làm rõ của Thường trực HĐND tỉnh về nguyên nhân không đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 (kế hoạch là 11%, thực hiện 7,2%), đại diện UBND tỉnh cho biết, năm 2012, tuy khu vực nông lâm nghiệp có tốc độ tăng giá trị sản xuất cao nhưng tăng trưởng khu vực công nghiệp, xây dựng đạt thấp do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và các yếu tố vĩ mô, lượng hàng hoá tiêu thụ chậm, chi phí lãi vay tăng cao nên các doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất để giảm lỗ, nhiều doanh nghiệp khó khăn phải giải thể hoặc tạm dừng kinh doanh. Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ do suy giảm kinh tế nên sức mua giảm, mức tăng trưởng tín dụng đạt thấp.

Vấn đề này cũng đã được nhiều đại biểu cho ý kiến trong buổi thảo luận tại tổ trước đó. ĐB Dương Văn Lành (huyện Đồng Hỷ) đề nghị phân tích đánh giá rõ việc các chỉ tiêu phát triển KT- XH không đạt là do xây dựng kế hoạch không sát hay tổ chức điều hành không được. ĐB Dương Văn Lành cũng cho rằng, khó khăn hiện nay của nền kinh tế tỉnh đang rơi vào lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp và đặt câu hỏi: liệu sang năm, những sản phẩm thế mạnh của Thái Nguyên như thép, xi măng… có vươn được ra các tỉnh ngoài được không và vươn như thế nào?



Đại biểu Dương Văn Lành (huyện Đồng Hỷ) thảo luận tại Tổ

Theo Giám đốc Sở Công thương Đinh Khắc Hiển năm 2012, tốc tăng trưởng kinh tế (GDP) trên địa bàn tỉnh thấp so với nhiều năm tăng trưởng khá cao trước đó, tuy rằng mức tăng trưởng này đã cao hơn mức bình quân chung của các nước. Phân tích làm rõ thêm vấn đề này, Giám đốc Đinh Khắc Hiển cho biết, hiện nay 80% tổng thu nhập toàn tỉnh dựa vào mảng công nghiệp xây dựng và dịch vụ thương mại nhưng khu vực này tuy có tăng nhưng không đạt kế hoạch đề ra đã làm cho tăng trưởng của nền kinh tế của tỉnh  tăng trưởng thấp.  

Theo Báo cáo của UBND tỉnh, năm 2012 giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn (theo giá so sánh năm 1994) ước đạt 13.377 tỷ đồng, tuy tăng 7,2% so với năm 2011 nhưng không đạt kế hoạch đề ra (15.400 tỷ đồng). Giải trình về nguyên nhân nhân của tình trạng này, Giám đốc Sở Công thương Đinh Khắc Hiển cho biết, ở thời điểm đưa ra chỉ tiêu kế hoạch năm 2012, chỉ tiêu giá trị của sản xuất công nghiệp là 15.400 tỷ được xây dựng thấp hơn rất nhiều so năng lực hiện có cũng như là năng lực kế hoạch của tỉnh trong năm 2012; thậm chí nếu huy động hết năng lực, tỉnh còn có thể đạt giá trị cao hơn con số 15.400 tỷ.


Đại biểu Đinh Khắc Hiển (huyện Phú Bình) trong buổi thảo luận tại Tổ

Mặc dù đã dự báo những khó khăn, thách thức trong năm 2012 nhưng thực tế thực tế diễn biến thị trường còn khó khăn hơn nhiều. Cùng với sự khó khăn chung của cả nước, doanh nghiệp Thái Nguyên phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, lãi suất tăng cao, sức mua giảm, nhiều doanh nghiệp đi vào hoạt động cầm chừng, ngừng sản xuất hoặc phá sản, Thậm chí, ở Thái Nguyên, các doanh nghiệp còn khó khăn gay gắt hơn các tỉnh khác, bởi lẽ đầu tư công giảm, bất động sản đóng băng và khu vực bất động sản được đưa vào khu vực xây dựng cơ bản, nằm trong khuôn khổ phải chịu lãi suất cao, làm cho việc tiêu thụ sản phẩm thép và xi măng - là 2 sản phẩm chủ lực của Thái Nguyên rất thấp, không đạt kế hoạch đề ra. Năm vừa rồi, Thái Nguyên sản xuất 2,5 triệu tấn xi măng, tuy cao hơn năm 2011 nhưng chỉ chiếm 60% tổng công suất thiết kế. Đối với thép, kế hoạch là 1 triệu tấn nhưng mới đạt 775 nghìn tấn. Các dự án đầu tư cho sản xuất kinh doanh đều khó khăn về vốn, tình trạng kéo dài tiến độ hay việc thăm dò thị trường, đặc biệt có những dự án không được phép xuất khẩu, một số dự án đầu tư mới không hoạt động được.

Tính đến hết tháng 11/2012, trên toàn tỉnh Thái Nguyên có 3.317 doanh nghiệp, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo Giám đốc Sở Công thương, tích lũy nội bộ của doanh nghiệp của tỉnh nhiều năm nay rất thấp, các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động vào vốn vay ngân hàng. Vì vậy, nếu ngân hàng thắt chặt tín dụng, nâng cao giá vốn thì các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hạn chế về trình độ, năng lực quản lý; trình độ công nghệ chậm được cải tiến; hiệu quả sử dụng vốn thấp, chi phí gián tiếp lại rất cao, thậm chí có nhiều doanh nghiệp vay nhưng không dùng để đầu tư vào sản xuất, làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của ngành công nghiệp. Một số doanh nghiệp chưa có chiến lược phát triển dài hạn, sức cạnh tranh yếu, khi thị trường vốn chao đảo thì hoạt động của các doanh nghiệp cũng chao đảo.

Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân, các đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận, đề ra nhiều giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn, hoàn thành chỉ tiêu trong năm tới. Đồng thời, các đại biểu cũng nhấn mạnh, với 10 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch, 6 chỉ tiêu tuy đạt thấp hơn mục tiêu kế hoạch nhưng đạt cao hơn mức bình quân chung cả nước và luôn tăng trưởng ổn định năm sau cao hơn năm trước, những thành tựu đạt được về KT - XH trong năm 2012 của tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp phát triển KT - XH năm 2013 và những năm tiếp theo.

Tập trung làm rõ nguyên nhân, phấn đấu đạt mục tiêu năm 2013

Năm 2013, tỉnh Thái Nguyên xác định mục tiêu tổng quát là từng bước nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững với tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011- 2015, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân; tăng cường quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nhận định và phân tích nhiều khả năng nền kinh tế trong nước năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tại các buổi thảo luận tại tổ, các đại biểu HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm đến các chỉ tiêu kinh tế đặt ra trong năm 2013, tính khả thi cũng như đề nghị UBND tỉnh cần nghiên cứu, làm rõ các căn cứ để xây dựng mục tiêu năm 2013 về tốc độ tăng trưởng là 9%; tăng trưởng công nghiệp tăng 16%; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 20%, GDP bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng. Đồng thời xây dựng các giải pháp cụ thể, tích cực nhằm thực hiện các chỉ tiêu trong phát triển KT- XH của tỉnh năm 2013.

Tại phiên chất vấn, giải trình đề nghị của Thường trực HĐND tỉnh về căn cứ đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2013, UBND tỉnh cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) 9% năm của năm 2013 được xây dựng trên căn cứ quy mô, năng lực sản xuất của từng ngành, trên cơ sở phân tích xu hướng tăng trưởng giá trị sản xuất qua các năm, năng lực mới tăng thêm dự kiến đi vào sản xuất trong năm 2013. Bên cạnh đó, mặc dù các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách giảm, song dự báo nền kinh tế có khả năng phục hồi, tốc độ tăng trưởng cao hơn năm trước nên các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách dự kiến tăng, do vậy dự báo giá trị sản xuất, tăng thêm ngành xây dựng dự kiến mức đạt xấp xỉ năm 2012. Từ đó, dự báo tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, xây dựng đạt mức tăng từ 11% trở lên.


Đại biểu Hoàng Văn Hùng (huyện Phú Bình) chất vấn

GĐ Sở Công thương Đinh Khắc Hiển cho rằng, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp là việc làm cần tiếp tục được đẩy mạnh và là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm tới. Theo ông Đinh Khắc Hiển, bên cạnh các giải pháp vĩ mô của Trung ương, tỉnh cần thực hiện đẩy nhanh tiến độ của các dự án trọng điểm để tháo gỡ nút thắt về vốn và giải ngân, làm được như vậy sẽ đẩy mạnh thị trường tiêu thụ các sản phẩm xây dựng; thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Trung ương cho các doanh nghiệp. Tỉnh cũng nên có chỉ đạo phân loại doanh nghiệp trên địa bàn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi của Chính Phủ; tiếp tục đề nghị thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp; nghiên cứu cơ chế ưu tiên cho các doanh nghiệp cổ phần, sử dụng nhiều lao động…

Trên cơ sở giải trình làm rõ của UBND tỉnh và những thảo luận, phân tích của các đại biểu, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Nghị quyết về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2012 và nhiệm vụ kế hoạch năm 2013. Trong đó, nhóm giải pháp về kinh tế tập trung vào 3 nhiệm vụ chính phát triển công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, tập trung tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế trên địa bàn; thực hiện có hiệu quả các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư đang triển khai thực hiện các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn tỉnh để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; khuyến khích thành lập các hiệp hội, hội nghề nghiệp và tạo điều kiện cho các hội này hoạt động có hiệu quả. Tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu nông thôn mới; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu trong nội ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi và tỷ trọng trong nông nghiệp…

Với tinh thần làm việc tận tâm, trách nhiệm và sự đồng thuận cao của các đại biểu HĐND, sự tham gia tích cực của các cấp, ban, ngành trong tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT- XH của tỉnh trong năm 2013, hy vọng rằng với sự thành công của Kỳ họp thứ Năm HĐND tỉnh Thái Nguyên, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy được kết quả đã đạt được, vượt qua thách thức và xây dựng tỉnh với nhiều thành tựu trong thời gian tới.

Phạm Liên