Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ

- Thứ Năm, 12/09/2019, 10:42 - Chia sẻ
Sáng 12.9, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã nghe và cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu điều khiển phiên họp

Kiềm chế và đẩy lùi tội phạm về “tín dụng đen”

Trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong năm 2019, bám sát sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác phòng ngừa tội phạm được chú trọng hơn, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ và tấn công trấn áp tội phạm. Đã bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, nhất là các âm mưu kích động biểu tình, gây rối, khủng bố, phá hoại.

Đáng chú ý, tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự đạt 84,2% (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao); kiềm chế và đẩy lùi tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, làm giảm nhiều loại tội phạm nghiêm trọng, khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận. Các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ điều tra theo đúng kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; công tác thu hồi tài sản được quan tâm hơn; phát hiện, triệt phá được nhiều vụ buôn lậu, sản xuất hàng giả với số lượng lớn. Công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đạt được kết quả nổi bật, đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, thu giữ số lượng ma túy đặc biệt lớn.


Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm  trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật

“Kết quả trên đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội phục vụ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, song theo báo cáo này của Chính phủ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Công tác phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả thực chất, phòng ngừa xã hội ở một số địa phương mang tính hình thức, phòng ngừa nghiệp vụ hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu đề ra; một số loại tội phạm xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra khám phá thấp.  

Trong thời gian qua, việc xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo; nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp "ngáo đá"… gây lo lắng trong nhân dân. Tội phạm có tổ chức vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là hoạt động núp bóng doanh nghiệp, bảo kê bến bãi, “tín dụng đen”, cầm đồ, xiết nợ, đòi nợ thuê, gắn với hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Tội phạm chống người thi hành công vụ tuy giảm về số vụ, song hành vi rất manh động, liều lĩnh, coi thường pháp luật...

Năm 2020, trên cơ sở dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, áp lực ngày càng gia tăng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, QH, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; lồng ghép công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong từng chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, coi trọng và chỉ đạo thực hiện tốt các mặt công tác phòng ngừa tội phạm với mục tiêu làm giảm tội phạm so với năm 2019, kết hợp chặt chẽ công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ....

Kiên quyết loại bỏ cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy

Trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong năm 2019, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã có bước tiến mạnh với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đạt được kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt. Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo cụ thể, quyết liệt các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính. Trong thời gian qua đã triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia, với 95/95 cơ quan bộ, ngành và địa phương đã hoàn thành kết nối; phê duyệt Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 1.424  văn bản liên quan đến chế độ, định mức, tiêu chuẩn; huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 1.461 văn bản cho phù hợp.


Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019

Liên quan đến minh bạch thu nhập, tài sản, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm đạt tỷ lệ 99,9%; Số bản kê khai đã công khai đạt 99,4%; có 46 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước). Đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp và đang xem xét xử lý 2 trường hợp. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi vị trí công tác tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 9.106 cán bộ, công chức, viên chức. Có 21 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và 2 người đang được xem xét, xử lý - Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của  Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan báo chí, nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống”, với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn. Công tác phòng, chống tham nhũng được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; qua đó, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước, giữ vững niềm tin của nhân dân.


Toàn cảnh phiên họp

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn, năm 2020, Chính phủ tiếp tục xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ. Trong đó có đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương, cơ sở; tập trung xử lý nghiêm khắc, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng lưu ý, trong thời gian tới sẽ tập trung khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ. Kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm. Ngoài ra, nghiên cứu sửa đổi Luật thanh tra nhằm tăng cường thể chế, chính sách cho ngành Thanh tra trong công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng và hoạt động thanh tra phát hiện, xử lý vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.

Tin: Phương Thủy
Ảnh: Quang Khánh