Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XI năm 2020

Tập trung hoàn thành toàn bộ đề án khuyến công

- Thứ Hai, 13/07/2020, 06:16 - Chia sẻ
Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) vừa tổ chức hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XI tại tỉnh Quảng Bình. Bước vào năm cuối thực hiện Chương trình Khuyến công quốc gia đến năm 2020 trong tác động của dịch Covid-19, ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công thương địa phương đề nghị các trung tâm khuyến công miền Trung - Tây Nguyên tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành tất cả đề án khuyến công quốc gia và địa phương.

Thu hút trên 200 tỷ đồng vốn đối ứng

Báo cáo của Cục Công thương địa phương cho biết, công tác khuyến công của 15 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên thời gian qua đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Các đại biểu tham quan các gian hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu
Ảnh: Hạnh Nhung

Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cơ sở công nghiệp nông thôn

Ảnh: H. Nhung

“Chính sách khuyến công thời gian qua đã được triển khai đồng bộ, nghiêm túc, nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp từ công tác chỉ đạo đến hướng dẫn triển khai thực hiện. Hoạt động khuyến công đã huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, hỗ trợ tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân phát triển sản xuất kinh doanh một cách bền vững.

Tại Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần này, một số cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc năm 2019 được trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương nhằm ghi nhận những đóng góp quan trọng trong công tác khuyến công nói riêng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp nông thôn nói chung.

Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình kinh tế thế giới, khu vực vẫn diễn biến phức tạp, khó lường do sự bùng phát dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống, xã hội. Cùng với đó, thời tiết không thuận lợi, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá diễn ra sớm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở công nghiệp nông thôn. Trong bối cảnh này, Cục Công thương địa phương đã phối hợp với các địa phương rà soát, nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn để duy trì, ổn định sản xuất; yêu cầu các địa phương triển khai có hiệu quả các nội dung của hoạt động khuyến công, nhằm góp phần giảm thiểu tác động của thiên tai, dịch bệnh đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn; đồng thời tập trung hoàn thành kế hoạch năm của các dự án, đề án, chương trình...”

Cục trưởng Cục Công thương địa phương Ngô Quang Trung

Cụ thể, trong năm 2019 đã đào tạo nghề cho 1.116 lao động với kinh phí 1,5 tỷ đồng. Sau đào tạo, số lao động có việc làm, thu nhập ổn định đạt tỷ lệ trung bình 90%. Lực lượng này đã góp phần giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ổn định sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Bước sang năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trung tâm khuyến công mới đào tạo nghề cho 225 lao động. 

Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học là một trong những chương trình trọng tâm, được triển khai có hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực với sự phát triển của công nghiệp địa phương. Năm 2019, với kinh phí trên 31 tỷ đồng (chiếm 48,8% kinh phí khuyến công toàn vùng), đã hỗ trợ xây dựng 14 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất công nghệ mới, hỗ trợ 195 cơ sở ứng dụng máy móc hiện đại và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường. Trong đó có 8 đề án thí điểm xây dựng mô hình trình diễn áp dụng giải pháp sạch hơn; 13 cơ sở CNNT được hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn. Đặc biệt, chương trình này đã thu hút được hơn 200 tỷ đồng nguồn vốn đối ứng của các doanh nghiệp.  

Để đưa các sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, năm 2019, các trung tâm khuyến công đã hỗ trợ 7 hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu cấp khu vực, tỉnh, huyện; hỗ trợ  970 gian hàng cho 580 lượt cơ sở CNNT tham gia. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí khuyến công còn hỗ trợ 398 lượt cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước; hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu cho 11 cơ sở CNNT...  để các đơn vị này có điều kiện mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng.

Năm nay, Trung tâm khuyến công 15 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên sẽ tiếp tục giải ngân nguồn kinh phí gần 70 tỷ đồng, cao hơn 7% so với kế hoạch năm 2019. Tiến độ giải ngân đến nay đã đạt 28%, ông Dương Quốc Trịnh, Phó Cục trưởng Cục Công thương địa phương cho rằng, kinh phí khuyến công là “vốn mồi” giúp các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ mở rộng sản xuất, khôi phục các ngành, nghề truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động khuyến công trong khu vực vẫn gặp một số khó khăn như công tác khảo sát xây dựng kết hoạch, thẩm định cấp cơ sở và chất lượng của đề án khuyến công còn hạn chế. Một số trung tâm vẫn chưa theo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở CNNT. Việc tạm ứng, thanh toán chưa bắt kịp tiến độ, yêu cầu nên vẫn còn một số đề án phải xin ngừng thực hiện, ảnh hưởng đến kết quả chương trình. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ khuyến công chưa mạnh và thiếu chuyên nghiệp dẫn đến một số nội dung hoạt động còn hạn chế.

Nỗ lực hoàn thành các đề án

Bước vào năm cuối thực hiện Chương trình Khuyến công quốc gia đến năm 2020, Cục Công thương địa phương xác định, mục tiêu quan trọng của khuyến công miền Trung - Tây Nguyên là hoàn thành 100% đề án khuyến công. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động hoàn thành việc xây dựng chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. 

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình Lê Mậu Khánh cho rằng, để đạt mục tiêu năm nay cần củng cố và tăng cường hiệu quả khuyến công từ cơ sở; tranh thủ tối đa nguồn vốn khuyến công, kết hợp lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, ưu tiên xây dựng, hỗ trợ các đề án, nhiệm vụ khuyến công, giải quyết nhu cầu việc làm và thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, ông Khánh đề xuất Cục Công thương địa phương tạo điều kiện hơn nữa trong việc bố trí kinh phí cho Quảng Bình nói riêng và 15 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nói chung để phát huy tối đa hiệu quả công tác này.

Đại diện Sở Công thương Lâm Đồng cho biết sẽ nỗ lực hoàn thành toàn bộ 40 đề án khuyến công trong năm nay, đồng thời tập trung nghiên cứu các nội dung khuyến công sao cho phù hợp với thực tế địa phương. Đặc biệt, tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đẩy mạnh giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

  Bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc công ty TNHH MTV Cà phê Nguyên Huy Hùng (Kon Tum) cho biết, doanh nghiệp, hợp tác xã các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cần sự hỗ trợ từ ngành công thương để tạo mối liên hệ chặt chẽ với nhau nhằm đưa những sản phẩm chất lượng tới tay người tiêu dùng. “Chúng tôi mong Bộ Công thương hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất tạo ra chuỗi cung ứng sản phẩm tại cửa hàng, siêu thị nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu”.

“Thời gian tới, Cục Công thương địa phương sẽ tham mưu cho Bộ Công thương tiếp tục quan tâm, kiện toàn, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động khuyến công tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước”, Cục trưởng Cục Công thương địa phương Ngô Quang Trung cho biết. Ông cũng đề nghị các trung tâm khuyến công miền Trung - Tây Nguyên tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án khuyến công; bám sát tình hình của cơ sở CNNT gặp vướng mắc trong thực hiện đề án, đặc biệt là đối tượng chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh để kịp thời tháo gỡ; chú trọng hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến…

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng, địa bàn miền Trung - Tây Nguyên là khu vực trọng tâm, có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, liên kết phát triển kinh tế vùng; qua đó, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của công tác khuyến công.

Hạnh Nhung