Thảo luận tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Quảng Trị Khóa VII

Tập trung công tác chỉ đạo, điều hành

- Thứ Ba, 23/07/2019, 08:04 - Chia sẻ
Dưới sự điều hành khoa học của chủ tọa, phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp đã thu hút hơn 100 lượt ý kiến thẳng thắn, chất lượng. Bên cạnh phân tích, đánh giá kỹ lưỡng những mặt được, hạn chế, làm rõ nguyên nhân; các đại biểu cũng đã đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong năm 2019.

Chống thất thu thuế, thất thoát tài nguyên

Nhiều đại biểu đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Đồng thời, đánh giá cao các kế hoạch, giải pháp hoàn thành mục tiêu phát triển đề ra trong thời gian còn lại của năm 2019. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính, công tác chỉ đạo, điều hành đã được đổi mới, quyết liệt, toàn diện, bám sát tình hình thực tiễn. Tỉnh cũng đã tập trung xây dựng cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, huy động mọi nguồn lực phát triển, nhờ vậy, bức tranh kinh tế Quảng Trị có nhiều gam màu sáng.

Liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân sách, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lê Trọng Lưu cho biết, chỉ tiêu thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt được nhiều kết quả tích cực, đứng thứ 39 trong cả nước. Đánh giá cao những kết quả đã đạt được, song đại biểu Đào Mạnh Hùng (huyện Cam Lộ) cho rằng, việc quản lý, giám sát đối với doanh nghiệp còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ. Cụ thể, 50% doanh nghiệp không có phát sinh thu thuế, việc thu thuế các doanh nghiệp lâm nghiệp còn quá thấp.


Bí thư Thành ủy Đông Hà Võ Văn Hưng phát biểu ý kiến tại hội trường Ảnh: Hải Phong

Đồng quan điểm, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Văn Phụng đưa hàng loạt dẫn chứng: Năm 2018 có 1/3 số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến gỗ, gỗ dăm có số nộp thuế 96,6 tỷ đồng, số còn lại chưa có đăng ký thuế; các nhà máy sản xuất gỗ MDF của Công ty Cổ phẩn Gỗ MDF VRG - Quảng Trị sử dụng nguyên liệu lớn nhất trên địa bàn, nhưng chưa có đóng góp cho ngân sách tỉnh; các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp quản lý, sử dụng 20.000ha rừng nhưng chỉ nộp khoảng 5 tỷ đồng tiền thuế, chủ yếu là tiền thuê quyền sử dụng đất; các doanh nghiệp ngoại tỉnh đến đầu tư trên địa bàn chưa lập chi nhánh để đăng ký thuế, nộp thuế vãng lai chưa được kiểm soát toàn diện gây thất thu thuế; Công ty TNHH Hưng Phát xin ngừng hoạt động, nhưng thực chất vẫn hoạt động và không nộp thuế…

Đại biểu Phan Văn Phụng đề nghị UBND tỉnh tăng cường tái kiểm sau đăng ký kinh doanh; lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra toàn diện, đồng thời kiểm tra chống thất thu thuế, thất thoát tài nguyên để ổn định và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng trước pháp luật. Đồng thời, sớm xây dựng quy hoạch chế biến lâm sản gắn với vùng nguyên liệu.

Đòn bẩy thúc đẩy sản xuất nông nghiệp

Việc hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm là một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Theo Bí thư Thành ủy Đông Hà Võ Văn Hưng, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng, là đòn bẩy thúc đẩy sản xuất. Song, sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao có liên kết theo chuỗi giá trị vẫn còn nhiều khó khăn do nguồn lực tài chính, đầu tư còn hạn chế; chưa thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn vào liên kết theo chuỗi giá trị… ‘‘Hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030 là Đề án cần thiết nhằm từng bước phát triển sản xuất theo chuỗi, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị của ngành nông nghiệp, đặc biệt là tổ chức thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công’’, ông Hưng nhấn mạnh.

Xung quanh đề án này, các đại biểu kiến nghị HĐND tỉnh giao UBND tỉnh hướng dẫn cụ thể để tránh trùng lặp trong thực hiện chính sách hỗ trợ với nguyên tắc: Trong cùng một thời điểm, nội dung có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác nhau, đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ cao nhất. Trong cùng một nội dung hỗ trợ, nếu đã được hỗ trợ từ ngân sách trung ương thì không được hưởng hỗ trợ của ngân sách tỉnh và ngược lại. Còn về kinh phí thực hiện hợp phần liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh bố trí lồng ghép nguồn ngân sách địa phương trình HĐND tỉnh quyết định sau khi có thông báo nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ…

Thực hiện tốt hơn nữa sự nghiệp trồng người

Liên quan đến Đề án Phát triển trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các đại biểu đánh giá: Sau 25 năm hoạt động, trường đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu và đào tạo nên đội ngũ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học của nhà trường còn khó khăn, chưa được đầu tư đồng bộ, các chính sách hỗ trợ cho giáo viên và học sinh còn thấp, chưa tạo động lực khuyến khích cho giáo dục mũi nhọn cũng như thu hút, giữ chân học sinh giỏi là con em Quảng Trị vào trường…

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Thị Hương, việc xây dựng và ban hành đề án là thực sự cần thiết đối với tỉnh Quảng Trị. Ngoài quy định khen thưởng cho học sinh trường chuyên đạt giải cao, đề án cũng quy định chính sách khen thưởng cho học sinh đạt giải cao trên toàn tỉnh. Để phát triển trường THPT chuyên Lê Qúy Đôn thành trường trọng điểm, chất lượng cao của tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hồ Thị Thu Hằng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao tại trường; lựa chọn, tuyển dụng và có chính sách hỗ trợ người tài về công tác giảng dạy tại trường để đáp ứng yêu cấu ngày càng cao về nguồn nhân lực của tỉnh.

DIỆP ANH