Tập huấn nghị sỹ: Vai trò của các chính đảng

- Thứ Sáu, 21/08/2009, 00:00 - Chia sẻ
Ở các nước, các chính đảng trong nghị viện đều quan tâm đến việc tổ chức tập huấn cho nghị sỹ của đảng mình. Nhất là các đảng lớn có điều kiện hơn về bộ máy, nguồn lực, kinh nghiệm, hoạt động bồi dưỡng được dễ dàng hơn.

Ở nhiều nước có chế độ đa đảng, ở cấp trung ương, việc tập huấn, bồi dưỡng năng lực cho nghị sỹ quốc gia thuộc trách nhiệm của các đảng phái. Chẳng hạn, ở Indonesia, các chính đảng tự mình hoặc phối hợp với các tổ chức xã hội dân sự như Viện Dân chủ (NDI) và các tổ chức phi chính phủ khác tiến hành tập huấn các nghị sỹ là thành viên đảng đó, hoặc ứng viên nghị sỹ của đảng. Các chủ đề có thể là: giao tiếp với cử tri, Hiến pháp và pháp luật, tầm nhìn và sứ mệnh của đảng...

Ở những nước như Anh, Australia, Mỹ các chính đảng lớn bỏ khoản tiền đáng kể thành lập và duy trì trung tâm tập huấn của mình với nhiệm vụ bồi dưỡng các ứng viên vào nghị viện theo các chủ đề như tiếp xúc với báo chí, kỹ năng tranh cử, diễn thuyết trước công chúng, nắm bắt những vấn đề đang được quan tâm... Các đảng này cũng có thể phối hợp với các cơ sở tập huấn ủng hộ quan điểm của đảng. Bên cạnh đó, đối với những ứng viên có cơ hội trở thành bộ trưởng, thủ tướng, các đảng thường mời các chuyên gia có uy tín đến trình bày nhanh về các chủ đề quan trọng. Tuy nhiên, các đảng nhỏ thường có ít điều kiện bồi dưỡng các ứng cử viên của mình.

Xuất phát từ giá trị lợi ích của mình nên các đảng phái phải tổ chức tập huấn năng lực lãnh đạo cho các nghị sỹ - đảng viên của đảng mình trong nghị viện. Xuất phát từ quan niệm “lãnh đạo là chìa khóa thành công”, trong đó, đại biểu dân cử được xem là người nắm giữ vai trò lãnh đạo, nên từ nhiều năm nay ở Singapore, đảng cầm quyền rất quan tâm đến việc thu hút nhân tài đưa vào bộ máy lãnh đạo, đồng thời giữ chân người tài bằng việc tạo cơ hội qua đào tạo. Đào tạo để phát triển năng lực cá nhân, hướng đến các cơ hội thăng tiến trở thành chính sách chung của Singapore.

Cũng do xung đột lợi ích nên việc tập huấn chung cho tất cả các nghị sỹ trong Quốc hội là không thể thực hiện được, ngoại trừ một chương trình tập huấn chung do Văn phòng Nghị viện tổ chức cho nghị sỹ mới trúng cử khi bắt đầu nhiệm kỳ. Vào đầu nhiệm kỳ, bên cạnh hoạt động tập huấn do Văn phòng Nghị viện tổ chức, các nghị sỹ mới còn được tư vấn, hỗ trợ bởi các hoạt động có tính chất tập huấn do đảng mình cung cấp. Các Đảng sẽ cử nghị sỹ có kinh nghiệm để hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ Nghị sỹ mới trong quá trình hoạt động vì lợi ích chung của Đảng (còn gọi là chế độ “đỡ đầu”).

Còn trong nhiệm kỳ, các chính đảng thường cung cấp tài liệu, hoặc chu cấp cho nghị sỹ của đảng mình dự các hội nghị, hội thảo của các cơ sở tập huấn, các tổ chức nghiên cứu. Chẳng hạn, ở Thái Lan, Viện KPI, một viện nghiên cứu độc lập nhưng chịu sự giám sát của Quốc hội tiến hành chương trình bồi dưỡng và phát triển sau đại học, kéo dài 7-8 tháng với chủ đề “Trở thành nhà lãnh đạo của một chính đảng”, và các chính đảng có thể cử nghị sỹ đạt đủ các tiêu chuẩn do KPI đề ra tham gia chương trình này.

Nói chung, vai trò của một chính đảng đối với công tác bồi dưỡng nghị sỹ ở các nước thể hiện ở sự quan tâm, chủ trương lớn về tổ chức thực hiện, nguồn lực, cơ chế thực hiện và phối hợp... Còn việc tiến hành cụ thể có thể giao cho cơ sở bồi dưỡng của chính đảng đó hoặc thuê cơ sở bên ngoài, hoặc kết hợp với các chương trình tập huấn của nghị viện tổ chức.

Nguyên Lâm