Tập huấn nghị sỹ: Tập huấn như thế nào?

- Thứ Sáu, 25/01/2008, 00:00 - Chia sẻ
Với đối tượng đặc thù như các nghị sỹ, mỗi nước có cách tiếp cận riêng. Ở Australia, khi bắt đầu khóa tập huấn, người chịu trách nhiệm hướng dẫn sẽ trò chuyện với các nghị sỹ.

      Điều này không chỉ mang lại cho người được tập huấn cơ hội lên tiếng và chủ động trong khóa học, mà còn giúp những người tập huấn nhận ra những nhu cầu cũng như những vướng mắc chính của nghị sỹ. Sau đó, các nghị sỹ sẽ tiến hành thảo luận trong nhóm, thảo luận giữa các nhóm, thực hành bằng cách thử vai trong từng tình huống cụ thể. 
      Cũng theo kinh nghiệm ở nghị viện Australia, sau khi đã thiết kế chương trình tập huấn, cần xác định không gian thích hợp để có thể dễ dàng đưa những gì đã được tập huấn áp dụng trong những tình huống thực tế; Tạo ra khung cảnh mà người được tập huấn có thể liên hệ những kiến thức và kỹ năng đã thu nhận được vào tình huống cụ thể. Ở Thượng viện Australia, các tân thượng nghị sỹ trong thời gian tập huấn được thảo luận ngay tại hội trường. Cách làm này tạo ra khung cảnh, bối cảnh và không khí nghị trường thực sự. Các công trình nghiên cứu cho thấy, một môi trường thích hợp sẽ nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức, kỹ năng.
      Phương pháp thực hành cũng là cách tập huấn và phát triển chuyên môn hiệu quả. Phương pháp này bao gồm các tiết học định hướng và hòa nhập cơ bản nhằm giúp các nghị sỹ làm quen với những quy chuẩn, giá trị của một nghị sỹ. Sau đó, với sự trợ giúp của các nghị sỹ kỳ cựu, họ có thể tập trung vào những yêu cầu tập huấn liên quan đến công việc hoặc xuất phát từ yêu cầu công việc. 
      Bên cạnh hình thức tập huấn trực tiếp như hội nghị, hội thảo, các lớp định hướng làm quen, cũng có những hình thức tập huấn mới cho nghị sỹ như cầu truyền hình, Internet. Về hình thức học qua Internet, có hai dạng: Học trực tuyến- giảng viên và người học giao tiếp cùng một thời điểm qua mạng; Và tự học qua nội dung các khoá học được đưa lên mạng. Những hình thức này không hề loại trừ nhau, mà mỗi hình thức đều có lợi thế riêng, bổ trợ cho nhau. Tuy vậy, các chuyên gia đều nhất trí rằng, hiện tại hình thức tập huấn trực tiếp vẫn hiệu quả nhất.
      Về tài liệu tập huấn, đối với các tân nghị sỹ, các chương trình tập huấn ở nghị viện các nước thường biên soạn và phát hành một loạt sách cẩm nang như cẩm nang về chống tham nhũng, cẩm nang các tình huống trong thực tiễn hoạt động nghị trường, cẩm nang cho tân nghị sỹ, cẩm nang về đạo đức nghề nghiệp của nghị sỹ... Còn cách làm của Chương trình châu Phi thuộc Trung tâm nghị viện Canada là tập trung vào các tài liệu về giám sát ngân sách. Bên cạnh đó, họ cũng chú ý đến các tài liệu giáo dục cộng đồng, nghiên cứu các tình huống có thực, và biên soạn các tài liệu tập huấn dành cho bộ máy phục vụ nghị viện.

Nguyễn Lê