Tập huấn nghị sỹ: Những mô hình tiêu biểu

- Thứ Sáu, 21/08/2009, 00:00 - Chia sẻ
Xuất phát từ sự cần thiết, ở nhiều nước đã chú trọng đến việc tập huấn chuyên biệt dành cho nghị sỹ, trong đó có nước nghị viện thành lập các cơ sở chuyên về tập huấn cho các nghị sỹ; nước khác các cơ sở như thế nằm ngoài nghị viện; có nước thuê các viện, trường tập huấn, cơ sở bên ngoài bồi dưỡng đại biểu dân cử.

Mô hình cơ quan bồi dưỡng thuộc bộ máy Quốc hội hoạt động ở các nước như Hàn Quốc, Pháp, Philippines, Trung Quốc, Việt Nam… Chẳng hạn, Vụ nghiên cứu và đào tạo trực thuộc Ban thư ký Quốc hội Hàn Quốc - với 2 Phòng chuyên môn (Phòng giáo dục-đào tạo và Phòng nghiên cứu lập pháp) và biên chế 22 người - có chức năng triển khai các các dịch vụ đào tạo, hỗ trợ nghiên cứu cho đại biểu Quốc hội, Hội đồng chính quyền địa phương các cấp và phục vụ nhu cầu tìm hiểu của nhân dân. Ngoài cơ sở đào tạo tập trung tại Quốc hội, Vụ nghiên cứu - đào tạo còn có 248 cơ sở và chi nhánh đào tạo trên toàn quốc.

Hoặc ở Trung Quốc, Trung tâm bồi dưỡng cán bộ trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc - với 3 bộ phận chuyên môn (Văn phòng, Phòng nghiên cứu đào tạo, Phòng quản lý hoạt động đào tạo) và biên chế được duyệt là 20 người - có chức năng như một trung tâm điều phối các hoạt động đào tạo cho đại biểu cả ở trung ương (Bắc Kinh) lẫn địa phuơng, thông qua các cơ sở đào tạo tại chỗ (Nội Mông, Thâm Quyến, Vân Nam, Quảng Tây...).

Ở nhiều nước, nghị viện sử dụng dịch vụ tập huấn của các cơ sở bên ngoài. Ví dụ, ở Canada có Trung tâm nghị viện, một tổ chức phi chính phủ phối hợp chặt chẽ với Nghị viện Canada và các nước trong hoạt động này. Chương trình châu Phi của Trung tâm này đã dựa trên việc đánh giá nhu cầu và theo đề nghị của các nghị viện đối tác để tiến hành các chương trình song phương ở Ghana, Kenya, Ethiopia, Sudan, Haiti, Campuchia… nhằm nghiên cứu, tập huấn, xây dựng năng lực cho nghị viện. Ở Campuchia, hầu hết các hoạt động bồi dưỡng được thực hiện bởi các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ hoặc các cá nhân.

Mô hình bồi dưỡng bởi cơ quan nghiên cứu của nghị viện hoặc các ủy ban được áp dụng ở Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ. Trong đó, mô hình của Thái Lan rất đáng quan tâm. Vào tháng 10.2000, Viện mang tên Nhà Vua Prajadhipok (KPI) đã được thành lập với tư cách là 1 tổ chức độc lập dưới sự giám sát của Nghị viện Thái Lan. Viện có 9 bộ phận, trong đó Văn phòng Hỗ trợ nghiên cứu nghị viện có chức năng hỗ trợ không chỉ cho các hoạt động nghiên cứu liên quan đên nghị viện mà còn cung cấp các chương trình phát triển và bồi dưỡng cho nghị sỹ và nhóm giúp việc nghị sỹ.

Trên thực tế, không một nước nào chỉ lựa chọn một mô hình, mà thường kết hợp các mô hình với nhau. Ví dụ, một chính đảng nào đó cung cấp tài liệu, mời chuyên gia đến trình bày cho các nghị sỹ của mình, đồng thời họ chu cấp cho các nghị sỹ tham gia các chương trình bồi dưỡng do Văn phòng nghị viện, các ủy ban tổ chức, hoặc do một Viện độc lập tiến hành giống như KPI ở Thái Lan. Hoặc Văn phòng nghị viện có thể trực tiếp tiến hành tập huấn, nhưng cũng có thể chỉ lo kinh phí tổ chức, còn những khâu khác phối hợp với các tổ chức, cơ sở tập huấn bên ngoài. Điều quan trọng là cần thống nhất và hài hòa các hoạt động bồi dưỡng của nghị viện với của các tổ chức tập huấn khác, hoặc với các dự án phát triển năng lực khác. Điều này không chỉ tạo ra sự thống nhất, tránh sự trùng lắp, mà còn tạo ra cơ chế chia sẻ phương pháp, thông tin và các nguồn lực bồi dưỡng nghị sỹ với nhau.

Hoài Thu