Tập huấn nghị sỹ: Nét đặc thù

- Thứ Sáu, 21/08/2009, 00:00 - Chia sẻ
Trước hết, cách tiếp cận về bồi dưỡng nghị viện ở các nước có những đặc thù riêng, vì vậy, hoạt động bồi dưỡng cũng phải hướng đến những điểm đặc thù đó. Các nghị sỹ là những chính khách đã có nhiều trải nghiệm, công việc bận rộn.

Do vậy, điều quan trọng là cần thiết kế hoạt động bồi dưỡng một cách phù hợp để thu hút sự tham gia của các nghị sỹ. Đó là: tạo điều kiện để các nghị sỹ học từ đồng nghiệp kết hợp với các chuyên gia và nhà hoạt động thực tiễn chuyên ngành; sử dụng các phương pháp có tính tương tác cao nhằm tăng cường hiệu quả; tài liệu tập huấn cần chuẩn bị tốt, dễ đọc, dễ hiểu đối với người sử dụng; thời điểm, lượng thời gian phù hợp; trao đổi thông tin hai chiều.

Thứ hai, hoạt động bồi dưỡng cần hướng đến nhu cầu, mối quan tâm ưu tiên của nghị sỹ. Như vậy, phải tiến hành đánh giá nhu cầu bồi dưỡng một cách khách quan, toàn diện. Nhu cầu đó bao gồm nhu cầu chung, nhu cầu cho từng hoạt động, nhu cầu cho từng thời điểm, cho từng nhóm nghị sỹ như nghị sỹ mới được bầu, nghị sỹ đã qua nhiều trải nghiệm... Hơn thế, cần phải ứng dụng những kết quả đánh giá nhu cầu vào việc thiết kế chương trình bồi dưỡng. Trong đó, điều đặc biệt quan trọng là bồi dưỡng nhằm hỗ trợ nghị sỹ có góc nhìn chính sách để quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước đúng tầm chính khách.

Thứ ba, bồi dưỡng nghị sỹ cần diễn ra liên tục, không chỉ trong phòng học. Bồi dưỡng có thể được thực hiện qua nhiều cách, nhiều kênh khác nhau. Hơn nữa, những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng được truyền đạt ở các hội nghị chỉ là nền tảng để các nghị sỹ tiếp tục tự nghiên cứu, bồi dưỡng, hoàn thiện mình, áp dụng chúng vào hoạt động thực tế của nghị sỹ. Tự bồi dưỡng- đó là một cách học thích hợp với những người bận rộn, đã qua nhiều trải nghiệm như các nghị sỹ.

Thứ tư, bên cạnh bồi dưỡng nghị sỹ, việc bồi dưỡng cho cán bộ phục vụ đóng vai trò rất quan trọng. Bởi lẽ nghị sỹ thường hoạt động chỉ trong một hoặc một số nhiệm kỳ nhất định, trong khi đó, cán bộ tiếp tục làm việc qua nhiều nhiệm kỳ. Cán bộ là bộ nhớ của thể chế, tích tụ, truyền đạt các kiến thức, kinh nghiệm từ nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác. Hơn nữa, cán bộ giúp việc là nguồn hỗ trợ không thể thiếu đối với nghị sỹ về thông tin, nghiên cứu.

Thứ năm, thực tiễn cho thấy tầm quan trọng của việc đánh giá hoạt động tập huấn: cần tìm hiểu phản ứng của nghị sỹ về nội dung, phương pháp, giảng viên, tài liệu bồi dưỡng và những biện pháp tiếp đó để xác định tác động của việc bồi dưỡng đối với nghị sỹ. Hiệu quả của việc bồi dưỡng thể hiện rõ nhất trong các hoạt động của nghị viện. Phản hồi của cử tri, của công chúng là một tiêu chí khác để đánh giá hoạt động của nghị sỹ. Một số nghị sỹ cho biết, họ đã thực hiện nhiệm vụ tốt hơn sau khi được bồi dưỡng. Cần thiết kế bộ tiêu chí đánh giá tác động của bồi dưỡng đối với nghị sỹ, lưu giữ hồ sơ đánh giá các nghị sỹ qua các hoạt động bồi dưỡng. Các tiêu chí đánh giá cần phải sát với thực tế hoạt động của nghị sỹ và có thể thực hiện được. Tuy nhiên, do đặc thù của mỗi nước, chỉ nên chia sẻ ý tưởng thiết kế các tiêu chí, chứ không nên theo các tiêu chí chung cho tất cả các nước. Trên phương diện này, có thể tham khảo kinh nghiệm của những tổ chức như Viện Ngân hàng thế giới-WBI, Hiệp hội nghị viện các nước khối Thịnh vượng chung-CPA, Liên minh nghị viện thế giới- IPU.

Nguyễn Lê