Tập huấn nghị sỹ: Nâng cao năng lực cá nhân là nâng cao năng lực thể chế

- Thứ Sáu, 21/08/2009, 00:00 - Chia sẻ
Qua nghiên cứu so sánh về bồi dưỡng nghị sỹ, có thể thấy, hoạt động bồi dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực của cá nhân nghị sỹ và của cả thể chế nói chung.

Làm nghị sỹ có nghĩa là gánh trách nhiệm nặng nề, nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi những kỹ năng đặc thù; những kỹ năng đó không thể lấy từ nghề khác, hoặc rất khó học. Tính chất và bối cảnh của công việc ở nghị trường luôn thay đổi, do đó luôn tạo ra thách thức và những vấn đề mới phức tạp. Những đòi hỏi của chính các đại biểu dân cử đối với chính mình và của công chúng cũng thay đổi. Điều này tạo ra khoảng trống cả về kỹ năng được mong đợi và kỹ năng trên thực tế. Khoảng trống này cũng do thiếu vắng sự chuẩn hóa nghề nghiệp và/hoặc sự xác nhận chuyên môn.

Trong khi đó, cử tri ngày càng được cung cấp thông tin tốt hơn nhờ công nghệ thông tin trong một thế giới toàn cầu hóa, do đó các nghị sỹ càng phải minh bạch và chịu trách nhiệm giải trình về mọi hành động của mình. Bởi vậy, cùng với các nguồn lực hỗ trợ đầy đủ, các chương trình tập huấn và hỗ trợ là những yếu tố then chốt giúp các nghị sỹ hoàn thành vai trò của mình một cách thành công.

Ở tất cả các nước được nghiên cứu đều không có một trường chuyên đào tạo những nhà chính khách, những nghị sĩ. Đơn giản bởi vì nghị sỹ được nhân dân bầu ra qua các cuộc bầu cử. Kết quả của lá phiếu dân chủ, của sự tín nhiệm của nhân dân đã biến một đại diện ưu tú của nông dân, công nhân, nhà doanh nghiệp, giới trí thức trở thành nghị sỹ –cơ quan lập pháp và giám sát của quốc gia. Để đáp ứng đòi hỏi của các chức năng cao cả đó, những đại biểu đại diện tiếng nói của các tầng lớp chính trị, xã hội và nghề nghiệp trong Quốc hội phải rèn luyện các kỹ năng làm người đại diện có tâm và có hiệu quả.

Đặc biệt, bồi dưỡng nghị sỹ nhằm nâng cao năng lực cơ quan dân cử. Việc bồi dưỡng không hướng đến kỳ vọng biến nghị sỹ thành chuyên gia, mà là nhằm nâng cao năng lực của cả cơ quan dân cử như một hệ thống. Để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của năng lực thể chế, việc chuyển giao tri thức nghị viện thông qua hoạt động tập huấn, bồi dưỡng cho đại biểu dân cử được xác định là biện pháp quan trọng và ngày càng được quan tâm thích đáng. Hoạt động bồi dưỡng sẽ tạo cơ hội cho Quốc hội nghiên cứu những “thực tiễn tốt nhất” của các nghị viện khác, từ đó hoàn thiện tổ chức và hoạt động của mình.

Các chuyên gia nước ngoài đều nhấn mạnh, việc phát triển chuyên môn có thể nâng cao hiệu quả và hiệu năng hoạt động của các nghị sỹ trong vai trò đa năng mới trong một thời kỳ ổn định kéo dài. Những hoạt động này có thể coi là nền tảng để nâng cao không chỉ năng lực và hiệu suất cá nhân, mà còn hiệu suất làm việc của tổ chức (nghị viện). Ở dạng nguyên thủy, phát triển chuyên môn không chỉ tác động lên các hoạt động hàng ngày, mà còn cả sách lược, chính sách, thực tiễn của thiết chế nghị viện. Nói cách khác, phát triển chuyên môn sẽ góp phần hình thành những năng lực chủ chốt của nghề và của các tổ chức mà các nghị sỹ sẽ làm việc trong đó. Đối với một nghề nghiệp, việc định danh đúng những kiến thức, kỹ năng và tiêu chuẩn đạo đức sẽ có ý nghĩa thiết yếu đối với thành công về sự nghiệp. Nâng cao chất lượng hoạt động của nghị viện lên tầm tiêu chuẩn chuyên nghiệp không chỉ tăng cường đóng góp của các nghị sỹ cho một nền quản trị hiệu quả, mà còn mở rộng khả năng đóng góp của họ cho xã hội sau khi họ rời nhiệm sở nghị viện. Nếu đạt được những mục đích đó, điều này cũng mang lại sự đánh giá cao của công chúng đối với từng cá nhân đại biểu và toàn thể nghị viện.

Minh Thy