Tập huấn nghị sỹ: Một số mô hình tập huấn

- Thứ Sáu, 25/01/2008, 00:00 - Chia sẻ
Do nhu cầu tập huấn thường xuyên và đa dạng nên ở các nước đều có các cơ sở đào tạo chuyên cung ứng dịch vụ tập huấn, phát triển năng lực cho nghị sỹ. Các cơ sở tập huấn này được thành lập ở các cấp hành chính khác nhau.

      Ở Singapore, việc tập huấn cho nghị sỹ và cả viên chức phục vụ nghị viện đều do Trường Hành chính công đảm nhiệm. Cơ quan này là tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ Công vụ, hoạt động theo nguyên tắc tự hạch toán thu chi, thực hiện việc cung ứng dịch vụ tập huấn theo định hướng và yêu cầu của Chính phủ, có quyền quyết định về mức phí thu với từng khóa học theo nguyên tắc chung do Bộ Công vụ quy định. Từ đầu năm 2007, Trường Hành chính công đã thành lập thêm Trung tâm Quản trị và Lãnh đạo với định hướng tập trung bồi dưỡng tư duy lãnh đạo cho nghị sỹ và lãnh đạo cấp cao.
      Tại Australia, có nhiều mô hình tổ chức tập huấn nghị sỹ ở cấp bang, cấp quận, và cả cơ sở tập huấn của các Hiệp hội. Ví dụ: Trung tâm chính quyền địa phương thuộc Trường Đại học Sydney, Phòng Đào tạo và Phát triển năng lực thuộc Hội đồng quận Hunter, Trung tâm Học tập năng lực lãnh đạo địa phương thuộc Hiệp hội Chính quyền địa phương bang Victoria... Trung tâm Chính quyền địa phương thuộc Đại học Công nghệ Sydney có vị trí ngang cấp Khoa trong trường Đại học, nhưng có tính chất đặc biệt như một Trung tâm kinh doanh, nghiên cứu và dịch vụ cộng đồng với chức năng vượt ra khỏi địa hạt nghiên cứu hàn lâm của trường Đại học. Còn Hiệp hội Chính quyền địa phương bang Victoria là một tổ chức dân sự, trong đó, Trung tâm Học tập năng lực lãnh đạo địa phương là một đơn vị chuyên cung ứng dịch vụ tập huấn cho chính quyền và theo yêu cầu cá nhân. Các khóa học không có tính bắt buộc mà do người học tự đăng ký và trả phí, trong đó có đến 70% là do các Hội đồng cử người đi học trả tiền, 30% là do người học tự trả tiền.
      Kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động của các cơ sở tập huấn nghị sỹ là các Trung tâm này đóng vai trò điều phối trên cơ sở mở rộng hợp tác với các viện đào tạo, mở rộng đội ngũ cộng tác viên. Trung tâm Chính quyền địa phương thuộc Trường Đại học Công nghệ Sydney là mô hình rất hiệu quả về sử dụng nguồn lực, thông qua việc hình thành đội ngũ cộng tác viên gồm các chuyên gia, các nghị sỹ đương nhiệm hoặc các cựu nghị sỹ.

St