Tập huấn nghị sỹ: Đánh giá kết quả

- Thứ Sáu, 25/01/2008, 00:00 - Chia sẻ
Việc nhận xét, đánh giá là một yếu tố thiết yếu để bảo đảm tính hiệu quả của một chương trình tập huấn. Các chuyên gia tập huấn nghị viện cho rằng, hoạt động này cần phải đưa vào trong từng giai đoạn của quá trình tập huấn và trở thành một phần trong việc phát triển chuyên môn thường xuyên của nghị sỹ.

      Để bảo đảm tính hiệu quả của quá trình nhận xét cần phải có căn cứ, tức là xem xét xem điều đó có giúp nâng cao năng lực của các nghị sỹ hay không. Các tiêu chuẩn nhận xét cũng cần phải có tính thực tế, nhất quán và linh hoạt để đáp ứng nhiều nhu cầu và yêu cầu khác nhau. Như vậy, việc nhận xét dựa trên cách tiếp cận tổng thể với một khuôn khổ gồm các nguyên lý về dạy học thực hành, sự quan sát trực tiếp bởi các nghị sỹ. 
      Tiếp đó là công đoạn đánh giá. Ở đây cần chú ý xem việc tập huấn có đạt được những mục tiêu đề ra không, có đáp ứng những yêu cầu của các nghị sỹ không. Ở mức độ cụ thể hơn, việc đánh giá có thể khảo sát xem mỗi khía cạnh của khung chương trình có thích ứng và ăn nhập với toàn bộ quá trình phát triển chuyên môn của nghị sỹ không. Cuối cùng, cần phải đánh giá toàn bộ quá trình tập huấn chuyên môn thông qua việc phân tích chi phí trong tương quan với lợi ích.
      Việc đánh giá bao gồm các hoạt động sau: Vạch các câu hỏi để đánh giá; Chọn cách thiết kế nghiên cứu đánh giá; Tìm hiểu logic của chương trình; Phát triển các chỉ số và tiêu chí; Phát triển chiến lược thu thập dữ liệu; Xác định chiến lược phân tích. Có 4 cấp độ để phát triển các tiêu chuẩn và chỉ số cho đào tạo. Cấp độ 1: Những người tham gia có ý kiến gì về hoạt động đào tạo? Cấp độ 2: Những người tham gia đã nhận được những kiến thức, kỹ năng nào? Cấp độ 3: Hành vi của những người tham gia đã thay đổi ra sao? Họ có áp dụng các kiến thức, kỹ năng mới trong công việc không? Cấp độ 4: Những kiến thức, kỹ năng hoặc hành vi mới của những người tham gia có dẫn đến những tác động trong tổ chức hoặc xã hội không? Việc đánh giá cần chú trọng đến chất lượng hoạt động của Nghị viện, chứ không chỉ chú ý đến số lượng luật được ban hành.
      Các chuyên gia đều nhấn mạnh tính khách quan khi đánh giá hiệu quả của một chương trình bồi dưỡng đại biểu. Muốn vậy, cần có sự tham gia đánh giá của một cơ quan ở ngoài nghị viện như trường đại học, tổ chức dân sự... Một số tổ chức đã xây dựng các bộ tiêu chí, chỉ số để phục vụ cho việc đánh giá chương trình tập huấn nghị sỹ.
      Tại Thượng viện Australia, các nghị sỹ tham gia tập huấn thường đánh giá về chất và về lượng ngay sau mỗi chương trình tập huấn. Các chuyên gia thiết kế chương trình cũng tìm hiểu mặt mạnh, mặt yếu của chương trình. Sau đó khoảng 4 tuần mỗi người tham gia đều nhận được đề nghị phản hồi tiếp về chương trình và kết quả của chương trình tập huấn. Dữ liệu phản hồi của những người tham gia và những ý kiến của các nhà tập huấn sau đó được rà soát lại và phân loại, xếp nhóm. Chúng được lưu trữ thành hồ sơ, mỗi lần trước khi bắt đầu một khoá tập huấn mới, các chuyên viên của Thượng viện sẽ đánh giá lại thông tin đó để hoàn thiện nội dung và quy trình tập huấn.

Minh Thy