Tập huấn kỹ năng cho hoạt động thẩm tra, giám sát, chất vấn của đại biểu dân cử người dân tộc thiểu số

- Thứ Năm, 09/08/2018, 11:14 - Chia sẻ
Ngày 9 - 10.8, tại TP Hồ Chí Minh, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Ireland tại Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức và kỹ năng cần thiết cho hoạt động thẩm tra, giám sát, chất vấn của đại biểu dân cử người dân tộc thiểu số.

Theo số liệu (sơ bộ) dân số Việt Nam năm 2015 của Tổng cục thống kê, trên cả nước hiện có hơn 78 triệu người dân tộc kinh, chiếm hơn 85% dân số cả nước; còn lại 53 dân tộc thiểu số có khoảng hơn 13 triệu người, chiếm gần 15%. Đối với vùng dân tộc thiểu số, những khó khăn thách thức cơ bản hiện là chất lượng cơ sở kỹ thuật hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém; dân trí về cơ bản còn thấp; tư liệu và tập quán sản xuất còn lạc hậu, bản sắc văn hóa đang đứng trước nguy cơ bị mai một dần… Việc tiếp tục hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy và phát triển vùng dân tộc thiểu số là điều hoàn toàn cần thiết. Chính vì vậy, tập huấn kiến thức và kỹ năng cho hoạt động thẩm tra, giám sát, chất vấn của đại biểu dân cử người dân tộc thiểu số nhằm giúp cho các đại biểu dân cử có khả năng nhận diện, phân tích, đánh giá, tham gia vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách cho vùng dân tộc thiểu số.


Hội nghị tập huấn kiến thức và kỹ năng cần thiết cho hoạt động thẩm tra, giám sát, chất vấn của đại biểu dân cử người dân tộc thiểu số

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các chuyên gia, báo cáo viên trình bày những kiến thức về hệ thống chính sách dân tộc hiện nay; quy trình thẩm tra kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi của QH và HĐND; kỹ năng cần thiết nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn của đại biểu dân cử vùng dân tộc thiểu số; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc trong tình hình mới…

Với công tác giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc, kỹ năng các đại biểu dân cử là phải thâm nhập thực tế để phát hiện những vấn đề của cuộc sống; lắng nghe thông tin nhiều chiều, nhiều góc độ; thu thập thông tin liên quan đến vấn đề đó; xử lý và phân tích thông tin có được; đưa ra kết luận và kiến nghị cụ thể; trình bày báo cáo giám sát rõ ràng, mạch lạc và có sức thuyết phục. Các bước tiến hành, đại biểu dân cử cần thực hiện theo 3 bước: Chuẩn bị thông tin, nghiên cứu thông tin và tiến hành giám sát.

Việc đổi mới hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc là một yêu cầu quan trọng góp phần nâng cao tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính sách dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Do đó, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng hơn nữa của các cơ quan dân cử cũng như mỗi đại biểu dân cử thông qua việc thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ trên tinh thần đổi mới, sáng tạo và hiệu quả.

Tin và ảnh: Trung Thành