Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Quảng Bình Khóa XVII

Tạo tiền đề vững chắc cho du lịch phát triển

- Chủ Nhật, 14/07/2019, 08:19 - Chia sẻ
Trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp, các đại biểu đã nghe Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh báo cáo Kết quả giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn. Bên cạnh đánh giá cao những kết quả đạt được, nhiều tồn tại, hạn chế cũng đã được “mổ xẻ” thẳng thắn… nhằm tạo tiền đề vững chắc giúp du lịch Quảng Bình chuyển mình theo hướng tích cực, là điểm đến hấp dẫn của du khách và địa chỉ đáng tin cậy của các nhà đầu tư.

Chỉ đạo, điều hành chưa chặt chẽ

Giám sát chuyên đề về tình hình thực hiện chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đánh giá: Qua 3 năm thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh, ngành du lịch tỉnh Quảng Bình đã từng bước phát triển tương đối tốt. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch ngày càng được quan tâm; liên kết hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước được triển khai tích cực. Công tác quản lý và cải cách hành chính được tăng cường và đẩy mạnh, góp phần tạo môi trường kinh doanh, thu hút sự tham gia của nhiều nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư đã mạnh dạn đầu tư các sản phẩm du lịch độc đáo, tích cực tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước để phát huy tiềm năng sẵn có, góp phần nâng cao thương hiệu du lịch Quảng Bình.

Giai đoạn 2016 - 2018, nhiều dự án về du lịch - dịch vụ được phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó có những dự án có khả năng tạo động lực mới cho sự phát triển du lịch của tỉnh. Việc phát triển mới, nâng cấp nhiều sản phẩm, loại hình du lịch và không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch đã góp phần quan trọng thu hút du khách. Qua đó cho thấy, du lịch Quảng Bình đang chuyển mình theo hướng tích cực, là điểm đến hấp dẫn của du khách và địa chỉ đáng tin cậy của các nhà đầu tư.

Các đại biểu tham dự kỳ họp Ảnh: Hải Phong

Tuy nhiên, qua làm việc trực tiếp tại một số đơn vị và địa phương, Đoàn giám sát nhận thấy: Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 hiện đã lạc hậu so với Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020. Một số chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 đề ra quá cao nên thực hiện chưa đạt như: Tốc độ tăng trưởng, doanh thu, lao động làm việc trong ngành du lịch… Bên cạnh đó, công tác quản lý về du lịch ở một số địa phương còn hạn chế, sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn của tỉnh với chính quyền địa phương cấp huyện có lúc chưa chặt chẽ. Nguồn nhân lực du lịch có chuyên môn, tay nghề cao còn thiếu. Các cơ sở lưu trú quy mô nhỏ, chủ yếu sử dụng hợp đồng lao động ngắn hạn, theo thời vụ. Cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, thiếu không gian phục vụ khách du lịch… 

Theo nhận định của Đoàn giám sát, bên cạnh do thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão, lũ nên hoạt động du lịch của tỉnh còn theo mùa vụ, thời gian mùa du lịch không dài, sự chênh lệch lượng khách giữa thời kỳ cao điểm và thời kỳ thấp điểm quá lớn; việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế… Nguyên nhân chủ quan do công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong quản lý về du lịch giữa các cấp, các ngành chưa được thường xuyên, chặt chẽ, thiếu tính thống nhất. Đáng chú ý, đa số các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn có quy mô vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, thiếu sự liên kết. Một số nhà đầu tư năng lực tài chính yếu, kinh nghiệm quản lý điều hành trong lĩnh vực du lịch hạn chế nên đầu tư và kinh doanh kém hiệu quả; nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ; thiếu sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp du lịch.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Khắc phục những tồn tại trên, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh kiến nghị Bộ VH, TT - DL, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ tỉnh hoàn thiện công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thủ tục pháp lý liên quan để công nhận khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quan tâm bố trí nguồn kinh phí từ Chương trình phát triển hạ tầng du lịch và chương trình xúc tiến du lịch quốc gia hỗ trợ tỉnh Quảng Bình trong việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và phát triển du lịch bền vững. Đặc biệt là tại điểm du lịch quốc gia TP Đồng Hới và Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Đoàn giám sát cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét bãi bỏ hoặc điều chỉnh một số nội dung trong chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn như: Hỗ trợ xây dựng khách sạn, nhà hàng để phù hợp với tình hình phát triển hiện nay; bổ sung chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với loại hình du lịch mới, các sản phẩm du lịch đặc trưng, chợ đêm, khu vui chơi giải trí, cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt chuẩn; xây dựng danh mục dự án đầu tư về du lịch, công bố và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án…

Một vấn đề quan trọng Đoàn giám sát lưu ý là chỉ đạo các địa phương và các cơ quan chuyên môn tăng cường hơn nữa công tác quy hoạch, ưu tiên bố trí các điểm dừng chân, các khu vui chơi giải trí, chợ đêm, công viên, khu dịch vụ, trung tâm thương mại, ẩm thực, khu, tuyến, điểm du lịch, bãi đỗ xe… đặc biệt là tại các khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, Vũng Chùa - Đảo Yến, Nhật Lệ - Bảo Ninh; xây dựng quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, nhất là loại hình lưu trú Homestay, Farmstay. Đồng thời, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án du lịch đang triển khai; kiên quyết xử lý, thu hồi những dự án chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích; ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư một số dự án xây dưng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Quan tâm hơn nữa công tác đào tạo và thu hút nguồn nhân lực du lịch, nhất là lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao.

Theo Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Mai Xuân Hạp, UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phí và giá dịch vụ; tăng cường tính liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau giữa các doanh nghiệp hoạt động du lịch; đồng thời, chỉ đạo các huyện, thị, thành phố tích cực xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, phát huy hiệu quả các làng nghề truyền thống trong việc sản xuất các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch’’, ông Hạp kiến nghị.

HẢI PHONG