Quy định về giấy phép môi trường

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

- Thứ Tư, 29/07/2020, 05:27 - Chia sẻ
Để bảo đảm quản lý chặt chẽ, thống nhất và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định về giấy phép môi trường để lồng ghép, tích hợp các loại thủ tục hành chính chuyên ngành. Nhưng theo nhiều chuyên gia, các quy định về nội dung, quy trình, thủ tục thực hiện cấp giấy phép này mang tính chất kỹ thuật chuyên sâu, đòi hỏi phải xem xét kỹ hơn trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.

Quy trình cấp giấy phép nên quy định trong văn bản nào?

Việc hình thành giấy phép môi trường trên cơ sở tích hợp 7 loại giấy phép chuyên ngành, qua đó giúp bỏ được giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi được đánh giá sẽ giúp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thông thường, với những nội dung có tính chất ảnh hưởng rộng này nếu được quy định cụ thể ngay trong Luật sẽ tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.

Đại biểu tham dự Hội thảo hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) phát biểu

Tuy nhiên, quy định cụ thể về quy trình, thủ tục cấp giấy phép môi trường, thậm chí ngay nội dung của giấy phép môi trường, lại chưa nhận được sự đồng tình từ nhiều chuyên gia tham gia Hội thảo hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức vừa qua. Có ý kiến cho rằng, nên để nội dung này ở văn bản hướng dẫn thực hiện Luật sẽ phù hợp hơn.

Lý giải về đề nghị này, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, để quy định trên ở văn bản hướng dẫn thi hành sẽ giúp linh hoạt điều chỉnh theo tình hình thực tế. Bởi, có thể trong giai đoạn này sẽ cần cấp giấy phép cho những nhà máy thuộc ngành nghề đó hoặc ở mức công suất này, song sang giai đoạn sau không cần thiết kiểm soát chặt chẽ nữa. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, để cấp giấy phép môi trường, các quốc gia đều ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục, giúp mỗi người dân chỉ cần đọc văn bản hướng dẫn là có thể dễ dàng thực hiện việc xin giấy phép. 

PGS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội bảo vệ môi trường Việt Nam thì cho rằng, nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp phép môi trường cần được mô tả khái quá hơn trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Tương tự, nội dung chi tiết của báo cáo đề xuất cấp phép môi trường nên thể hiện trong Nghị định của Chính phủ. Và nội dung chi tiết của báo cáo đề xuất cấp phép môi trường đối với từng trường hợp cụ thể cần thể hiện trong Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ảnh minh họa

Đối với quy định ký Quỹ Bảo vệ môi trường, VCCI từng đề nghị, cho phép doanh nghiệp ký quỹ thông qua ngân hàng, thay vì ký quỹ qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Qua quá trình trao đổi với cơ quan chuyên môn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đồng ý cho doanh nghiệp lựa chọn ký quỹ qua ngân hàng hoặc qua bảo lãnh ngân hàng. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật mới nhất vẫn yêu cầu ký quỹ vào Quỹ Bảo vệ môi trường. Vấn đề này cần được cân nhắc thấu đáo, có giải trình thuyết phục, nhất là khi khoản tiền này chỉ là một điều kiện bảo đảm thực hiện hoàn nguyên sau khi kết thúc dự án. 

 Ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế, VCCI

Doanh nghiệp quan tâm đến căn cứ cấp giấy phép

Qua tiếp cận với cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần tiếp tục rà soát quy định liên quan đến nội dung cấp phép môi trường, vì có thể gây ra rủi ro rất lớn cho hoạt động của mỗi doanh nghiệp, đơn vị. Điều này có thể thấy tại quy định ở Khoản 5, Điều 45, dự thảo Luật, theo đó, để được cấp phép môi trường, dự án của doanh nghiệp sẽ phải phù hợp với quy hoạch, quy chuẩn, yêu cầu bảo vệ môi trường...

Với quy định này, ông Nguyễn Minh Đức lo ngại, nếu trong thời gian doanh nghiệp triển khai xây dựng nhà máy, cơ quan quản lý thay đổi quy hoạch, quy chuẩn hoặc thêm yêu cầu bảo vệ môi trường, dự án của họ sẽ đứng trước nguy cơ không được cấp phép sau khi hoàn thành mọi hạng mục đầu tư. “Doanh nghiệp phải bỏ bao nhiêu tiền thực hiện dự án, nhưng có thể vì sự thay đổi chính sách từ cơ quan quản lý nhà nước, họ có thể không được cấp giấy phép môi trường, không thể đưa nhà máy vào vận hành”. Chỉ ra tình huống này, ông Nguyễn Minh Đức đề nghị, dự thảo Luật cần quy định điều kiện cấp phép môi trường theo nhiều trường hợp khác nhau, giúp phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp.

Một nội dung khác tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng được các chuyên gia đề nghị cần điều chỉnh cho phù hợp là thời hạn cấp giấy phép môi trường. Theo quy định tại dự thảo mới nhất, giấy phép môi trường sẽ được chia thành hai loại là 5 năm và 10 năm. Nhưng một số chuyên gia đề nghị, cần quy định thời gian cấp phép ít nhất là 10 năm, vì thời hạn cấp giấy phép môi trường quá ngắn sẽ khiến doanh nghiệp có tư duy đầu tư ngắn. Thay vì mua máy móc hiện đại, cần thời gian khấu hao nhiều năm, doanh nghiệp sẽ chọn mua máy cũ, có thời hạn khấu hao nhanh, để tránh rủi ro khi phải bổ sung một số điều kiện sau khi giấy phép hết hạn. "Thời gian cấp phép môi trường càng ngắn sẽ càng khiến doanh nghiệp làm ăn chụp giật", ông Nguyễn Minh Đức thẳng thắn.

Liên quan đến nội dung về phòng ngừa sự cố môi trường, nhìn từ góc độ của doanh nghiệp, đại diện VCCI cho biết, kế hoạch phòng ngừa sự cố đang là quy định gây áp lực với doanh nghiệp khi có sự chồng chéo giữa các loại kế hoạch bắt buộc phải xây dựng. Thực tế, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã có báo cáo gửi VCCI thông báo, doanh nghiệp phải xây dựng 11 kế hoạch phòng ngừa sự cố với một cây xăng (hóa chất, phòng cháy, chữa cháy, thiên tai…) dù có nội dung na ná như nhau. Vì thế, việc các cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh quy định của dự thảo Luật để xóa bỏ tình trạng này sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều, đại diện VCCI cho hay.

Về nguyên tắc, khi tích hợp nhiều giấy phép chuyên ngành vào giấy phép môi trường sẽ giúp cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Nhưng lo lắng của cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa hết khi có một số quy định nếu không được triển khai thực hiện nghiêm túc có thể gây khó khăn cho họ. Tất nhiên, để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính sẽ không chỉ cần tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, tránh kẽ hở, có thể dẫn đến nguy cơ tiếp tay cho nhũng nhiễu, gây phiền hà từ cá nhân, đơn vị có thẩm quyền. Vấn đề này, theo các chuyên gia tham dự hội thảo, sẽ được giải quyết nếu các văn bản hướng dẫn được ban hành nhanh chóng, quy định cụ thể, rõ ràng và thuyết phục, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp mang tính xây dựng của đối tượng chịu tác động.

Thanh Hải