Nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh

Tạo thống nhất trước khi biểu quyết

- Thứ Bảy, 24/08/2019, 07:24 - Chia sẻ
Để các quyết sách của HĐND được thông qua với sự đồng thuận cao của đại biểu, sớm phát huy hiệu quả, cần nhiều giải pháp, trong đó có vai trò điều hành của chủ tọa. Theo đó, đối với những báo cáo, đề án dài, cần điều hành theo hướng chỉ trình bày tóm tắt hoặc trình bày nội dung chính nêu trong tờ trình, dành thời gian cho thảo luận các vấn đề sẽ quyết định; định hướng thảo luận những vấn đề có ý kiến khác nhau để các đại biểu thảo luận, thống nhất trước khi biểu quyết.

HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. HĐND quyết định chủ trương, chính sách, biện pháp trong các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, tài nguyên, môi trường, khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, xã hội, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, chính sách tôn giáo, dân tộc, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thi hành pháp luật, xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính. Để nâng cao chất lượng các nghị quyết của HĐND, từ thực tế hoạt động, HĐND tỉnh Kiên Giang rút ra một số vấn đề cần thực hiện.


Đại biểu HĐND tỉnh Kiên Giang biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp HĐND tỉnh
Ảnh: Quốc Trinh

Thứ nhất, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ hàng năm của HĐND. Trong đó, có ban hành nghị quyết của HĐND, lựa chọn những vấn đề quan trọng, bức xúc và cần thiết để đưa vào kế hoạch, chú trọng các nghị quyết chuyên đề có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch và phân công các ban của HĐND thẩm tra dự thảo nghị quyết theo lĩnh vực của từng Ban phụ trách. Phân công các cơ quan liên quan dự thảo nghị quyết bảo đảm chất lượng, tổ chức lấy ý kiến các đối tượng liên quan, thẩm định và gửi dự thảo nghị quyết đến Thường trực, các ban và đại biểu HĐND đúng thời gian luật định. Sau khi nghị quyết được ban hành, phối hợp tốt với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và các ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND.

Thứ hai, các đại biểu HĐND nâng cao trách nhiệm của người đại biểu đại diện cho nhân dân ở địa phương, tham gia quyết định những vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Ý thức được trách nhiệm đó, các đại biểu HĐND ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình, cần dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động của HĐND, trong đó có thời gian nghiên cứu tìm hiểu tình hình của địa phương, tiếp công dân, TXCT, thu thập thông tin, nâng cao nhận thức. Có như vậy, việc tham gia thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tại kỳ họp mới có chất lượng.

Thứ ba, thực tiễn cho thấy, chất lượng các báo cáo, đề án trình kỳ họp ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng quyết định của HĐND tại kỳ họp. Báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp phải được gửi đúng thời gian quy định để các ban HĐND có đủ thời gian thẩm tra. Trên cơ sở được phân công, các ban HĐND cần được tham gia ý kiến ngay từ khi dự thảo báo cáo, đề án, tờ trình để chuẩn bị tốt cho việc thẩm tra. Chú trọng khảo sát, thu thập thông tin liên quan phục vụ công tác thẩm tra. Báo cáo thẩm tra cần đưa ra những nhận định, đánh giá tình hình, những vấn đề Ban tán thành, chưa tán thành cần làm rõ, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Báo cáo phải có tính phản biện, làm cơ sở giúp cho đại biểu HĐND hiểu toàn diện, sâu sắc hơn nội dung cần bàn, làm căn cứ để thảo luận và biểu quyết nghị quyết của HĐND.

Thứ năm, điều hành kỳ họp là nhiệm vụ quan trọng của Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND. Việc điều hành kỳ họp của chủ tọa cần bảo đàm đúng pháp luật và theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đối với những báo cáo, đề án dài thì điều hành theo hướng chỉ trình bày tóm tắt hoặc trình bày nội dung chính nêu trong tờ trình, dành thời gian cho thảo luận các vấn đề sẽ quyết định; định hướng thảo luận những vấn đề có ý kiến khác nhau để các đại biểu thảo luận, thống nhất trước khi biểu quyết, tạo điều kiện phát huy dân chủ, không khí cởi mở, thẳng thắn, đề cao trách nhiệm của đại biểu trong việc tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Như vậy, vừa bảo đảm dân chủ, vừa tạo sự thống nhất cao và chất lượng các nghị quyết được nâng lên.

Thứ sáu, cần tăng cường công tác giám sát. Thực hiện tốt chương trình giám sát theo nghị quyết đề ra, nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề tại các kỳ họp thường lệ HĐND và giám sát ngoài kỳ họp HĐND. Quyết định và giám sát là hai chức năng cơ bản của HĐND, thực hiện hai chức năng này là hai nhiệm vụ khác nhau nhưng có mối quan hệ chặt chẽ, tác động trực tiếp và bổ trợ cho nhau. Tổ chức giám sát tốt cũng nhằm phát hiện để có biện pháp phát huy những nhân tố tích cực, kịp thời uốn nắn những hạn chế, yếu kém trong triển khai thực hiện nghị quyết HĐND, kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh hoặc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách của địa phương.

Trần Quốc Việt - Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Kiên Giang