Tạo thế “chân kiềng” trong phát triển kinh tế - xã hội

- Thứ Năm, 16/05/2019, 08:11 - Chia sẻ
Theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Ðiện Biên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, toàn tỉnh được chia thành ba vùng kinh tế, trên cơ sở tiềm năng phát triển có tính tương hỗ. Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh MÙA A SƠN khẳng định, việc phân ba vùng kinh tế là tạo thế “chân kiềng” thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mà còn góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền trên địa bàn.

Tập trung khai thác thế mạnh từng vùng

- Theo quy hoạch, Điện Biên được chia thành 3 vùng gồm: Vùng kinh tế động lực dọc quốc lộ 279; vùng kinh tế lâm - nông nghiệp sinh thái sông Ðà; vùng kinh tế Nậm Pồ - Mường Nhé. Xin ông chia sẻ về tiềm năng, định hướng phát triển của các vùng kinh tế này?


Ảnh: Đào Cảnh
 

 “Tỉnh Điện Biên hiện nay có rất nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch, văn hóa - lịch sử. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu đô thị, khu thương mại dịch vụ và khu vui chơi giải trí, các khu, cụm công nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, tỉnh chỉ được quy hoạch quốc lộ mà chưa có cao tốc. Đồng thời, sân bay Điện Biên Phủ là sân bay có hạ tầng cũ, chỉ phục vụ được máy may ATR72, hạ cánh bằng tầm mắt nhìn, khi gặp thời tiết xấu thì bị hủy chuyến. Đó là những “nút thắt” mà tỉnh rất cần được tháo gỡ để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh đó, góp phần thực hiện hiệu quả quy hoạch vùng kinh tế, hướng đến một Điện Biên phát triển bền vững hơn”.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên MÙA A SƠN

- Căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tỉnh đã đưa ra định hướng phát triển cụ thể, rõ ràng. Vùng kinh tế động lực dọc quốc lộ 279, bao gồm thành phố Điện Biên Phủ và các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Điện Biên Đông. Đây là khu vực có cơ sở hạ tầng tương đối phát triển, là cửa ngõ giao lưu của tỉnh với các tỉnh bạn và với các tỉnh Bắc Lào. Do đó, đây là vùng kinh tế có lợi thế phát triển nhất của tỉnh và sẽ tập trung phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch, kết hợp sản xuất nông - lâm nghiệp trọng điểm.

Vùng kinh tế lâm - nông nghiệp sinh thái sông Ðà, bao gồm thị xã Mường Lay và các huyện Mường Chà, Tủa Chùa. Đây là vùng định hướng phát triển nông - lâm nghiệp và thực hiện du lịch sinh thái sông Đà. Tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội ở vùng này còn hạn chế vì đây là khu vực phòng hộ đầu nguồn xung yếu của sông Đà. Do đó, tỉnh xây dựng vùng này nhằm thực hiện tốt hơn việc bảo đảm an toàn cho các công trình thủy điện lớn của quốc gia (thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La) trên sông Đà và điều tiết dòng chảy, phòng tránh lũ cho vùng hạ lưu đồng bằng sông Hồng.

Đối với Vùng kinh tế Nậm Pồ - Mường Nhé, đây là vùng có nhiều tiềm năng nhất trong việc phát triển nông - lâm nghiệp và cây công nghiệp. Bên cạnh đó, với vị trí nằm dọc biên giới Việt - Lào gắn với ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, có cửa khẩu với Trung Quốc (cửa khẩu Apachải), là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế cửa khẩu.

- Hiện nay, nhiều địa phương thường xây dựng và phát triển các vùng kinh tế mũi nhọn để có thể huy động nguồn lực đầu tư hiệu quả nhất. Vậy, liệu quy hoạch phát triển 3 vùng này có khiến các nguồn lực đầu tư của tỉnh bị dàn trải, thưa ông?

- Trước tiên phải khẳng định rằng, mỗi địa phương trong cả nước đều có những tiềm năng, lợi thế khác nhau và từ đó sẽ phải đề ra những chiến lược phát triển khác nhau. Với Điện Biên, kể từ những giai đoạn trước, tỉnh đã xác định phải phân thành các vùng kinh tế để có chiến lược đầu tư phù hợp. Thực tế, giữa ba vùng kinh tế đều có sự liên kết, tương hỗ lẫn nhau. Ở mỗi vùng, chúng tôi sẽ lựa chọn thế mạnh nổi trội để tập trung đầu tư phát triển. Ví dụ, hiện nay chúng tôi đang thí điểm và thu hút đầu tư nhân rộng mô hình trồng cây mắc ca tại Vùng kinh tế Nậm Pồ - Mường Nhé với diện tích quy hoạch lên đến 16.000ha. Đồng thời, tại Vùng kinh tế động lực 279, chúng tôi cũng đang thu hút nhà đầu tư vào triển khai xây dựng các khu chế biến mắc ca. Như vậy, trong tương lai, Điện Biên sẽ hình thành chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ mắc ca quy mô lớn nhờ sự tương hỗ giữa vùng kinh tế.


Thị xã Mường Lay thuộc vùng kinh tế lâm - nông nghiệp sinh thái sông Ðà, tỉnh Điện Biên
Ảnh: Tường Vy

Chú trọng chính sách dân tộc

- Với mục tiêu đề ra của việc quy hoạch này là “phát triển bền vững, cân đối và giảm khoảng cách vùng miền”, hiện tại, Điện Biên đang đối mặt với những khó khăn, thách thức nào để đạt được mục tiêu này, thưa ông?

- Việc nâng cao đời sống nhân dân và giảm khoảng cách vùng miền là trách nhiệm chung của đất nước. Đối với Điện Biên, vấn đề này càng trở nên quan trọng bởi điều kiện kinh tế và đời sống nhân dân còn thấp, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, nhiều đồng bào DTTS sinh sống. Do đó, việc quy hoạch vùng kinh tế đặt ra mục tiêu nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, cân đối và giảm khoảng cách, sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các vùng, miền trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh còn yếu và thiếu, đặc biệt là giao thông khiến cho hoạt động thương mại, dịch vụ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhu cầu đầu tư rất lớn, nhưng việc thu hút đầu tư từ bên ngoài rất khó khăn, trong khi đó, nguồn thu ngân sách tỉnh thấp, phụ thuộc 90% vào ngân sách Trung ương cấp. Đặc biệt, với tỷ lệ đồng bào DTTS cao, vấn đề dân tộc luôn là một thách thức lớn đối với Điện Biên trong việc ổn định chính trị và phát triển kinh tế nói chung, cũng như bảo đảm việc thực hiện quy hoạch vùng đạt được hiệu quả. 

- Với những khó khăn, thách thức nêu trên thì Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã có những phương hướng như thế nào để thực hiện hiệu quả quy hoạch này, thưa ông?

- Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Điện Biên sẽ tạo thế “chân kiềng”, hướng đến sự phát triển bền vững, lâu dài. Do đó, để xây dựng, phát triển và khai thác hiệu quả các vùng kinh tế này, tỉnh đã xác định phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên tất cả các mặt. Từ việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chiến lược phát triển văn hóa, chiến lược xóa đói giảm nghèo, đến thực hiện các chương trình hành động xây dựng phát triển đô thị, chương trình xây dựng NTM, chương trình bảo đảm quốc phòng, an ninh,… đều phải được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt.

Bên cạnh đó, tỉnh luôn chú trọng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS, đồng thời xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động về phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên; Đề án phát triển DTTS tỉnh Điện Biên, đặc biệt các dân tộc ít người. Khi xây dựng quy hoạch này, chúng tôi nhận thức rõ ràng rằng, đối với đồng bào DTTS, mỗi chủ trương, chính sách đưa ra trước hết phải tôn trọng cái riêng thì mới đạt được mục đích chung. Đó chính là bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, những thứ đó vốn là hồn cốt của từng dân tộc. Việc thực hiện tốt chính sách dân tộc sẽ tạo được sự gắn kết sức mạnh, tiềm năng của cộng đồng dân cư ở cả ba khu vực - một trong những vấn đề cốt lõi để thực hiện tốt quy hoạch này.

- Xin cảm ơn ông!

ĐÀO CẢNH thực hiện