Tạo niềm tin cho nhân dân

- Thứ Tư, 06/05/2020, 15:25 - Chia sẻ
(ĐBNDO)- Tôi đánh giá cao kết quả giám sát và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của báo cáo. Tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan đang được cử tri và dư luận lâu nay rất quan tâm. Báo cáo của UBTVQH đã phản ánh đúng bước đầu tình hình oan, sai và việc bồi thường cho người bị oan. Tập trung giám sát một số vụ án điển hình gây bức xúc trong dư luận, bước đầu tạo niềm tin trong nhân dân.

Tôi cũng đồng tình với đánh giá của UBTVQH trong 3 năm còn để xảy ra 71 người bị oan và một số vụ án có dấu hiệu bị oan còn đang xem xét chỉ chiếm 0,02% trong tổng số 338.379 bị can bị khởi tố điều tra. Số người bị oan là không nhiều nhưng đánh giá tình hình oan sai là nghiêm trọng, một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, mất lòng tin của nhân dân đối với công lý và các cơ quan tiến hành tố tụng. Báo cáo cho thấy số liệu báo cáo của 63 tỉnh thành, phần lớn các địa phương trong nhiều năm không phát hiện trường hợp nào oan sai. Ngược lại một số ít địa phương lại để xảy ra nhiều trường hơp rất nghiêm trọng phần lớn do lỗi chủ quan của cán bộ tiến hành tố tụng ở cả ba giai đoạn. Qua đây đặt ra nhiều câu hỏi phải được trả lời đó là:
 
Các báo cáo đã phản ánh đầy đủ, thực chất tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng của các địa phương trong thời gian qua hay chưa?
 
Cơ chế để những người bị oan sai có cơ hội, điều kiện để trình bày, kêu oan hữu hiệu chưa? Việc chuyển đơn, xử lý đơn như thế nào?
 
Trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận đơn kêu oan và giải quyết các sự việc oan, sai đã thực sự hiệu quả chưa?
 
Trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo ở địa phương đơn vị mình. Như cùng một hệ thống tổ chức, bộ máy, cán bộ được đào tạo như nhau, nhưng lại có sự khác biệt nhiều về kết quả công tác. Do đó, đề nghị trong báo cáo cũng cần quan tâm đánh giá sâu sắc hơn về các nội dung trên để phản ánh toàn diện tình hình oan, sai trong thời gian qua.
 
Báo cáo cũng chỉ ra khá nhiều sai sót của các cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời cũng chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những sai phạm trong tố tụng. Tôi cho rằng dù xuất phát từ nguyên nhân gì, để xảy ra quá nhiều sai sót là điều đáng tiếc và cần phải rút nghiêm túc kinh nghiệm, đồng thời cần có các biện pháp khắc phục trong thơi gian tới. Tuy nhiên, cần chia sẻ với các cơ quan tố tụng trước áp lực công việc nhất là cơ quan điều tra. Thực tế trong những năm qua, tình hình tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ việc, đối tượng phạm tội và tính chất, mức độ nguy hiểm, phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nhiều vụ có đông người tham gia. Việc  phát hiện, ngăn chặn, điều tra xử lý rất phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Xuất phát từ tình hình đó việc bắt tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính theo đúng quy định của pháp luật là rất cần thiết (chiếm tỷ lệ 2,3%) số người bị tạm giữ. Chủ yếu trong trường hợp bắt quả tang có đông người tham gia như: các vụ gây rối trật tự công cộng, đánh bạc, sử dụng ma túy, đua xe trái phép. Việc tiến hành tạm giữ để có thời gian xác minh, phân loại, xác định chính xác hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Vì vậy nhìn nhận việc tạm giữ này là đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống tội phạm. Tôi đề nghị cần đánh giá thêm nội dung trên để nhìn nhận đúng tình hình.
 
Sau giám sát, tôi cũng đề nghị QH ban hành nghị quyết giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan tiến hành tố tụng sớm khắc phục những tồn tại nêu trên. Đặc biệt có lộ trình thời gian cụ thể giải quyết dứt điểm các vụ việc nghi vấn có dấu hiệu oan sai và các việc bồi thường thiệt hại đã kéo dài nhiều năm, để lấy lại lòng tin của người dân vào công lý và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình)