Kinh nghiệm của EU trong thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Tạo môi trường thuận lợi cho nền kinh tế tuần hoàn

- Chủ Nhật, 15/09/2019, 08:31 - Chia sẻ
Là một phần trong nỗ lực không ngừng nhằm biến nền kinh tế châu Âu (EU) thành nền kinh tế bền vững hơn và thực hiện Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn đầy tham vọng, tháng 1.2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua một loạt các biện pháp nhằm phát triển nền kinh tế tuần hoàn, được gọi là Gói Kinh tế tuần hoàn (CEP).

CEP đề ra một loạt mục tiêu cụ thể, nhằm định hình và xác định hướng đi cho quá trình chuyển đổi hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Các mục tiêu chung của EU gồm: Tái chế 65% rác thải đô thị vào năm 2030; tái chế 75% rác thải bao gói vào năm 2030; giảm bãi rác chôn lấp xuống tối đa 10% chất thải đô thị vào năm 2030; cấm chôn lấp chất thải thu gom riêng; thúc đẩy các công cụ kinh tế để ngăn cản việc chôn lấp; hài hòa cho tỷ lệ tái chế trên toàn EU.

Đồng thời, CEP đề ra Chiến lược về nhựa trong nền kinh tế Tuần hoàn; đưa ra các đề xuất lập pháp nhằm sửa đổi các đạo luật hiện hành như: Chỉ thị khung về chất thải; Chỉ thị về chôn lấp; Chỉ thị về chất thải bao bì; Chỉ thị về xe cuối đời, pin, ắc quy và ắc quy phế liệu. Cùng với đó, CEP đưa ra kế hoạch truyền thông về pháp luật và các mục tiêu về quản lý rác thải, phế liệu.

Chiến lược của EU về nhựa trong nền kinh tế tuần hoàn được đưa ra nhằm biến đổi cách thức các sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất, sử dụng và tái chế. Theo đó, đến năm 2030, tất cả các bao bì nhựa nên được tái chế. Chiến lược cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp cụ thể, đặc biệt là công cụ lập pháp, nhằm giảm thiểu tác động của nhựa sử dụng một lần, đặc biệt là ở biển và đại dương của EU. Để giảm rò rỉ rác nhựa vào môi trường, EU đã thông qua một đề xuất mới về Cơ sở tiếp nhận tại cảng, nhằm xử lý rác trên biển và công bố một báo cáo về tác động của việc sử dụng nhựa dẻo phân hủy đến môi trường, bao gồm cả nhựa dẻo phân hủy từ túi xách.

EC cũng đề xuất và thông qua một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó có các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy tái sử dụng và kích thích cộng sinh công nghiệp, biến sản phẩm phụ của một ngành thành nguyên liệu của ngành khác. Các ưu đãi kinh tế cho người sản xuất để đưa sản phẩm xanh vào thị trường và hỗ trợ các chương trình thu hồi và tái chế (ví dụ như bao bì, pin, thiết bị điện và điện tử, xe cộ).

Gần đây, EU đã thông qua lệnh cấm sử dụng một lần vật dụng bằng nhựa, sẽ có hiệu lực vào năm 2021. Động thái này nhằm khích lệ các nước khác trên thế giới cũng cam kết giảm số lượng nhựa cuối cùng sẽ đổ ra bãi rác, sông suối và biển - nhưng không thể nào tiến hành ngay lập tức. Ngoài ra còn có các kế hoạch cải thiện chất lượng nước máy và giảm việc sử dụng chai nhựa. Đề xuất này cũng sẽ “thắt chặt hạn chế tối đa đối với những tác nhân ô nhiễm nhất định như chì (phải giảm đi một nửa), các vi khuẩn có hại, và đưa ra mức hạn chế tối đa mới đối với hầu hết các chất ô nhiễm có trong nước máy”. Các kế hoạch mới cũng sẽ yêu cầu các chai nhựa được làm từ 25% vật liệu tái chế vào năm 2025.

Nhằm loại bỏ các rào cản trong hoạt động tài chính cho nền kinh tế tuần hoàn, EC đã thành lập Nhóm chuyên gia về tài chính kinh tế tuần hoàn, tập hợp các chuyên gia từ các tổ chức tài chính, cộng đồng doanh nghiệp, chính phủ, các chuyên gia về đổi mới sáng tạo, tổ chức xã hội dân sự từ một số quốc gia thành viên EU, nhằm đề xuất các khuyến nghị giúp cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án kinh tế tuần hoàn. Nhóm chuyên gia tài chính kết luận rằng, EC cần đưa ra bảy loại ưu đãi liên quan đến thị trường, chuỗi giá trị, mô hình kinh doanh, sản phẩm, người dùng, mục tiêu xã hội, tài chính và nhu cầu của người tiêu dùng, nhằm khắc phục những khó khăn mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phải trong nền kinh tế tuần hoàn.

Những nỗ lực trên cũng là dấu hiệu cho thấy, chương trình nghị sự của EU trong hiện thực hóa Chương trình hành động kinh tế tuần hoàn vẫn còn đang tiếp tục.

N.An