Mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Tạo khung pháp lý minh bạch, hài hòa

- Thứ Sáu, 20/09/2019, 08:08 - Chia sẻ
Trong phiên làm việc sáng nay, 20.9, UBTVQH sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Kể từ sau Kỳ họp thứ Bảy, đặc biệt là sau Phiên họp thứ 36 của UBTVQH, Chính phủ đã tiếp tục hoàn thiện và gửi đến UBTVQH nhiều báo cáo liên quan đến các vấn đề gây tranh luận của dự án Bộ luật như tăng giờ làm thêm tối đa, tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp, tuổi nghỉ hưu, giải quyết tranh chấp, đình công... Dù vậy, một số vấn đề cốt lõi của dự án Bộ luật vẫn còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan trình và cơ quan được giao chủ trì giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Trong đó, phải kể đến quy định về mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa.

68% số vi phạm làm thêm giờ là không nghiêm trọng?

Một báo cáo chuyên đề về chính sách làm thêm giờ vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gửi đến UBTVQH để phục vụ cho phiên thảo luận sáng nay. Theo đó, cơ quan này tiếp tục bảo vệ quan điểm cần thiết phải mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên không quá 400 giờ/năm và khẳng định, đây là vấn đề của hiện thực khách quan, nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế quốc gia, tăng GDP, giải quyết mục tiêu trước mắt - không chỉ là tăng thu nhập cho người lao động tại các doanh nghiệp mà còn của hàng vạn nông dân đang trông chờ lượng hàng nông sản xuất khẩu gia tăng. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng dẫn báo cáo năm 2019 của Chương trình Better Word cho thấy, 68% những vi phạm về làm thêm giờ được đánh giá là không nghiêm trọng, các nhãn hàng có thể chấp nhận, trung bình là 1,5 đến 2 giờ làm thêm trong 1 ngày. “Do vậy, dự thảo Bộ luật Lao động đề nghị tăng giờ làm thêm tối đa đối với những trường hợp đặc biệt là 400 giờ/năm là hài hòa, giúp doanh nghiệp không vi phạm quy định pháp luật về làm thêm giờ, nhìn nhận của nhãn hàng cũng tốt hơn đối với doanh nghiệp, đặc biệt đối với những doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu”, Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định.

Tuy nhiên, Ủy ban Về các vấn đề xã hội không đồng ý với quan điểm này khi đề xuất tiếp thu quy định về khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa theo hướng giữ như quy định hiện hành và khống chế số giờ làm thêm theo tháng không quá 40 giờ. Trong Báo cáo mới nhất về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng nêu rõ, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao, giá trị sản phẩm tăng lên nên thời giờ làm việc phải giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động.

Thêm một lý do nữa để Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị giữ như quy định hiện hành là bởi việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế như vừa qua sẽ có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm, khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động. Ngay trong Báo cáo tổng kết thực hiện Bộ luật Lao động cũng ghi nhận tình trạng vi phạm quy định về làm thêm giờ khá phổ biến ở nhiều nơi, nhiều nghề và nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, theo báo cáo chuyên đề về công tác thanh tra thì giai đoạn 2015 - 2019, thực hiện chiến dịch thanh tra đối với 1.962 doanh nghiệp đã phát hiện 14.526 vi phạm, có 335 doanh nghiệp vi phạm nội dung làm thêm giờ vượt quá quy định nhưng Chánh Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới chỉ ban hành được 36 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó, xử phạt hành vi vi phạm làm thêm giờ vượt quá quy định là 6 quyết định với tổng số tiền là 450 triệu đồng.

Chưa có giải pháp tối ưu

Quy định về khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa đã gây tranh luận gay gắt trong các lần sửa đổi Bộ luật Lao động từ năm 2002 chứ không phải riêng thời điểm này. Năm 2002, nước ta mở cửa thị trường và hội nhập, “trải thảm đỏ” để thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế cạnh tranh rất lớn là nguồn lao động giá rẻ dồi dào. Khi đó, đa số doanh nghiệp nước ta sản xuất theo hợp đồng gia công cho các doanh nghiệp đa quốc gia nên có nhiều đơn hàng rất lớn, yêu cầu phải sử dụng rất nhiều lao động. Trong quá trình thảo luận, các cơ quan liên quan đã tranh luận rất nhiều, đặc biệt là tranh luận giữa giới chủ mà đại diện là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và giới thợ mà đại diện là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Lúc đó, QH đã bàn kỹ và đi đến thống nhất, thời giờ làm thêm vẫn giữ nguyên như Bộ luật năm 1994, tức là 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt thì tối đa không quá 300 giờ/năm và chỉ áp dụng đối với các ngành nghề, lĩnh vực do Chính phủ quy định, không thực hiện đồng loạt.

Khi sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012, vấn đề này tiếp tục là chủ đề gây tranh luận. Doanh nghiệp gây sức ép rất lớn, đề nghị tăng lên 300 - 400 giờ, thậm chí 500 - 600 giờ làm thêm một năm. Có nơi, hiệp hội ngành nghề còn đề nghị tăng lên 700 - 800 giờ một năm, tức là, so với mức Chính phủ trình QH thì các hiệp hội, doanh nghiệp còn đòi tăng lên gấp nhiều lần. “Dù vậy, Ủy ban Về các vấn đề xã hội trong thẩm tra các dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động trước đây vẫn luôn nhất quán quan điểm không tán thành tăng thời giờ làm thêm dù thực tế nhu cầu là có thật. Lần này cũng tương tự như vậy”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết.

Rõ ràng, cả cơ quan trình và cơ quan được giao chủ trì giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật đều có lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm, đề xuất của mình. Giải pháp làm thêm giờ đúng là giải pháp tối ưu trong bối cảnh hiện nay khi năng suất lao động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế còn thấp. Nhưng có lẽ đó mới chỉ là “tối ưu” cho người sử dụng lao động. Còn nếu giữ như quy định hiện hành có thể sẽ bảo vệ hợp lý hơn cho người lao động có tính đến các tác động của thị trường việc làm, lực lượng lao động, sức khoẻ người lao động và nhìn trong dài hạn.

Ở bình diện rộng hơn, việc tăng giờ làm thêm tối đa, duy trì lao động trình độ thấp hoặc thu hút đầu tư vào những ngành sử dụng lao động nhiều có thể góp phần giải quyết việc làm và bảo đảm lợi thế cạnh tranh trước mắt. Nhưng, như Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã cảnh báo tại Phiên họp thứ 36, chúng ta sẽ gặp những thách thức to lớn trong tương lai khi trình độ công nghệ phát triển sẽ thay thế con người. Bộ luật Lao động phải làm cho người lao động nước ta đủ sức cạnh tranh với người lao động của các nước trong khu vực, cạnh tranh trong ASEAN và cạnh tranh được với máy móc chứ không thể cứ “bán sức lao động giá rẻ” mãi được.

Như vậy, dù sửa đổi, bổ sung theo hướng nào thì điều quan trọng nhất mà quy định về thời giờ làm thêm tối đa phải trả lời được là người lao động, người sử dụng lao động được cái gì và có nghĩa vụ gì? Quyền lợi nào của người lao động được tăng lên, đi kèm với đó là những nghĩa vụ gì? Quyền lợi nào của người sử dụng lao động được bảo đảm và đi kèm với đó là những nghĩa vụ gì? Quyền lợi nào tăng lên? Quyền lợi nào giảm đi? Nghĩa vụ nào tăng lên? Nghĩa vụ nào giảm đi? Nếu có tranh chấp xảy ra thì cơ chế, biện pháp xử lý như thế nào?

Mục tiêu của việc sửa đổi Bộ luật Lao động nói chung và sửa đổi về khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa nói riêng không phải là để bảo vệ riêng “giới chủ” hay “giới thợ” mà phải tạo ra một khung pháp lý minh bạch, hài hòa, cân bằng giữa bảo vệ người lao động và thúc đẩy sự cạnh tranh, phát triển của doanh nghiệp, theo đó là sức cạnh tranh của nền kinh tế chứ không phải là xem nhẹ hay bỏ lại giới nào ở phía sau.

Nguyễn Bình