Tạo dựng niềm tin

- Thứ Sáu, 09/08/2019, 07:28 - Chia sẻ
Báo chí được đánh giá là nguồn cung cấp thông tin, phương tiện truyền tải ý kiến, quan điểm, qua đó góp phần tạo dựng hình ảnh của ĐBQH trước cử tri và công chúng. Dù vậy, tại Hội thảo “Báo chí với hoạt động của ĐBQH”, các đại biểu cũng chỉ rõ một số hạn chế trong mối quan hệ tương tác giữa ĐBQH với báo chí, đặc biệt là thực tế đang đặt ra yêu cầu tạo dựng niềm tin giữa hai bên.

Tác động tích cực với hai bên

Trong lịch sử hình thành và phát triển của QH nước ta, báo chí và QH luôn có mối quan hệ mật thiết, trong đó báo chí giữ vai trò là cầu nối chuyển tải thông tin từ QH đến người dân, đồng thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân tới diễn đàn QH. Do vậy, theo Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Mạnh Hùng, QH luôn quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền, đồng thời, thông qua phương tiện truyền thông đã cung cấp những công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc nâng cao hiệu lực hoạt động của QH, ĐBQH.

Toàn cảnh hội thảo Ảnh: Văn Dân

Dù sớm tiếp cận với mạng xã hội, lập tài khoản facebook cho mình, song tôi cũng sớm từ bỏ. Bởi tôi chỉ là ĐBQH kiêm nhiệm, thiếu bộ máy giúp việc và cũng không ở gần Đoàn ĐBQH địa phương mình ứng cử nên khó có thể quản trị được trang mạng của mình. Dù vậy, tôi vẫn luôn quan tâm, lắng nghe, quan sát thông tin được đăng tải trên mạng xã hội. Bởi ở đó có lượng cử tri quan trọng và nhiều ý kiến của tôi được dư luận xã hội đánh giá tốt do được cung cấp, chia sẻ trên mạng xã hội. Nếu đại biểu kết nối được những nguồn tương tác tin cậy sẽ có nhiều luồng thông tin hữu ích không chỉ từ phía cử tri mà còn có cả các chuyên gia tư vấn cho ĐBQH.

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai)

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của báo chí với hoạt động của QH, các cơ quan của QH, ĐBQH, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, thời gian qua, VPQH luôn tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự, đưa tin về hoạt động của QH. Số lượng phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tham gia tác nghiệp tại các kỳ họp QH, phiên họp của UBTVQH, hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, các Ban thuộc UBTVQH, Đoàn ĐBQH ngày càng tăng và bảo đảm nhu cầu về thông tin của các cơ quan. Các yêu cầu về điều kiện tác nghiệp của báo chí ngày càng được cải thiện và trang bị hiện đại hơn.

Trong thực tế có nhiều ví dụ chứng minh sự ảnh hưởng của thông tin báo chí đối với hoạt động của QH, ĐBQH. Trong các kỳ họp của QH, thông tin báo chí luôn thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Không chỉ thông tin từ các phiên họp chính thức mà những trao đổi của các ĐBQH với báo chí bên hành lang kỳ họp về các vấn đề của đất nước, được dư luận quan tâm cũng có ý nghĩa quan trọng.

Ở chiều ngược lại, nguyên Phó Tổng thư ký QH, nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH Lê Bộ Lĩnh cho biết, sự tương tác giữa ĐBQH với báo chí cũng góp phần nâng cao chất lượng thông tin của báo chí, tạo lập hệ thống thông tin minh bạch, khách quan và trung thực. Tất nhiên, không chỉ dừng lại ở sự tác động lẫn nhau giữa báo chí và ĐBQH, báo chí trách nhiệm, sắc nét; đại biểu chuẩn mực, công tâm, chia sẻ đã tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa ra xã hội.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, để tăng cường hiệu quả tương tác giữa ĐBQH với báo chí, cần có sự hỗ trợ của các cơ quan giúp việc, mà trực tiếp là Vụ Thông tin của VPQH. Tương tác ở đây không chỉ với báo chí trong nước mà cả báo chí nước ngoài.

Báo chí không chỉ có mối quan hệ mật thiết với QH, ĐBQH Việt Nam, theo chuyên viên chính Vụ Phát triển công nghiệp và chính sách công, Tổ chức JICA của Nhật Bản Yokoyama, nghị viện và nghị sĩ của Nhật Bản cũng có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Do vậy, công chúng báo chí và mỗi người dân đều cần biết, nắm bắt được hoạt động của nghị sĩ, cũng như của nghị viện.

“Niềm tin tạo dựng từ sự tin cậy, chia sẻ với nhau”

Có thể thấy, mối quan hệ giữa ĐBQH và báo chí hiện đang ngày càng chặt chẽ, mỗi đại biểu đều ý thức rất rõ tác động của truyền thông đến hoạt động của mình. Nhưng theo chia sẻ của một số đại biểu tham dự hội thảo, vẫn có hiện tượng một số ĐBQH ngại tiếp xúc, né tránh hoặc không sẵn sàng tương tác với báo chí. Báo chí cũng mới tập trung đưa phát biểu, nhận định của một số đại biểu. Sự tương tác giữa ĐBQH với báo chí cũng chủ yếu tập trung tại các kỳ họp, còn giữa hai kỳ họp không nhiều. Ngoài ra, ý kiến của một số ĐBQH có tính phân tích chưa sâu, sự đối thoại cũng chưa nhiều.

Đánh giá báo chí có vai trò quan trọng, song ĐBQH Dương Trung Quốc cũng nhận định “chưa có sự tin cậy lắm với báo chí”, vì một số đơn vị, phóng viên thiếu chuyên nghiệp. Dù vậy, ĐB Dương Trung Quốc cũng cho rằng, không nên từ chối báo chí mà mỗi đại biểu nên tự tạo ra mối quan hệ tin cậy lẫn nhau để kịp thời truyền tải thông điệp chính xác, kịp thời. Và khi trả lời phỏng vấn, tham gia hội nghị trực tuyến… ĐBQH phải có trách nhiệm cao, phải luôn ý thức mình là đại biểu dân cử, có vị thế khác so với các cương vị, công việc khác mà mình đảm nhiệm.

Nguyên Phó Tổng thư ký QH Lê Bộ Lĩnh cho rằng, niềm tin giữa ĐBQH với báo chí có thể được củng cố thông qua sự hiểu biết và tín nhiệm giữa hai bên, cũng như chuyên nghiệp hóa đội ngũ báo chí nghị trường. Thực tế, ngoài hai cơ quan báo chí trực thuộc VPQH là Báo Đại biểu Nhân dân, Truyền hình QH, mỗi kỳ họp có 100 cơ quan báo chí, 500 - 600 phóng viên, kỹ thuật viên đến tác nghiệp tại Nhà QH. Do vậy, ông Lĩnh cho rằng, cần bồi dưỡng để các phóng viên nắm chắc quy trình tiến hành và các nội dung trình QH, nhất là với những nội dung chuyên ngành sâu được đưa ra thảo luận tại nghị trường.

Không chỉ cần bồi dưỡng với phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tác nghiệp tại mỗi kỳ họp, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm cho rằng, VPQH cần tham mưu tổ chức những lớp thực hành hay “sân chơi” dành riêng cho ĐBQH mới lần đầu tham gia QH, hay ít tiếp xúc với báo chí. “Đó có thể chỉ là tổ chức buổi họp báo ở phạm vi hẹp, với sự tham gia của một số cơ quan báo chí, phóng viên được đại biểu biết, giúp họ sẵn sàng trao đổi hơn”. Đưa ra đề xuất này, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, khi lần đầu tham gia QH, ông phải mất nửa nhiệm kỳ mới sẵn sàng tương tác với báo chí, còn trước đó có sự e ngại nhất định, nên rất cần có sự hỗ trợ của VPQH.

Có thể thấy, để có sự tương tác tốt giữa ĐBQH với báo chí rất cần có niềm tin giữa hai bên. Theo Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Đỗ Chí Nghĩa, để có niềm tin này phải có sự tin cậy, chia sẻ với nhau giữa báo chí và ĐBQH. Trong đó, ĐBQH phải hiểu sâu vấn đề cần nói, luôn đem đến cái mới cho báo chí (thông tin mới, quan điểm mới hoặc đơn giản là cách diễn đạt mới) thì sự tương tác sẽ đạt hiệu quả. 

Lê Bình