Tạo dựng diện mạo khối báo chí Quốc hội

- Thứ Tư, 03/10/2018, 08:42 - Chia sẻ
Thời gian tới, khi Bảo tàng Báo chí Việt Nam khai trương, công chúng đến đây có thể hình dung được chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển của Báo Đại biểu Nhân dân. Chính những hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đã và đang công tác tại Báo Đại biểu Nhân dân đã sưu tầm, chuyển về Bảo tàng nhiều tài liệu, hiện vật, phản ánh chân thực và tương đối đầy đủ diện mạo khối báo chí Quốc hội.

Tư liệu phong phú

Năm 1988: Thành lập Chi hội Nhà báo Tạp chí Người Đại biểu Nhân dân, với 4 hội viên.

Năm 1999: Chi hội tăng lên gần 20 hội viên.

Năm 2010: Thành lập Liên chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội, gồm có 9 chi hội, trong đó 6 chi hội của Báo Đại biểu Nhân dân, 3 chi hội là các đơn vị báo chí ở Văn phòng Quốc hội.

Đáng chú ý, tờ nhật báo Quốc hội xuất bản trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, 6.1.1946, hiện Bảo tàng có đủ 15 số báo đặc biệt này, trong đó số 1 ra ngày 17.12.1945 và số cuối cùng (số đặc biệt) ra ngày 6.1.1946. Ngày 13.3.2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng sau khi xem từng số báo Quốc hội tại gian trưng bày “Quốc hội với báo chí” tại Hội báo năm 2016, đã phát biểu: Lần đầu tiên tất cả các số báo Quốc hội tuyên truyền về Tổng tuyển cử bầu ĐBQH Khóa I được trưng bày.

Công chúng cũng có dịp sống lại cái buổi ban đầu khi Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước Nguyễn Việt Dũng; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước Vũ Mão và Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Thọ đặt tên cho đứa con tinh thần đầu tiên của cơ quan dân cử: Tiếng dân, Dân nguyện và cuối cùng là Người Đại biểu Nhân dân. Các nhà báo nguyên là Tổng Biên tập qua các thời kỳ đã gửi về Bảo tàng đủ 162 số tạp chí Người Đại biểu Nhân dân. Số đầu tiên xuất bản tháng 10.1988; số cuối cùng xuất bản tháng 12.2001. Với 5.094 trang, tạp chí Người Đại biểu Nhân dân đã phản ánh sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp.

Lưu luyến chia tay tạp chí Người Đại biểu Nhân dân, bạn đọc hồ hởi đón nhận tuần báo Người Đại biểu Nhân dân. Đủ 105 tờ tuần báo được tập hợp và gửi tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Số đầu tiên ra ngày 1.1.2002, số cuối cùng ra ngày 30.6.2003, với 1.240 trang, tuần báo Người Đại biểu Nhân dân đã đánh dấu mốc: Trong cơ quan của Quốc hội có một tờ báo!

Qua những tờ báo Người Đại biểu Nhân dân (báo loại 2) và Báo Đại biểu Nhân dân (báo loại 1), công chúng quan tâm đến báo chí cách mạng Việt Nam sẽ được tiếp nhận một khái niệm mới: Lần đầu tiên có một tờ báo in loại 1. Lịch sử báo chí Việt Nam trước ngày 26.8.2009 (thời điểm ra đời Nghị quyết 816 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nâng cấp và đổi tên Báo Người Đại biểu Nhân dân thành Báo Đại biểu nhân dân) chưa từng có khái niệm tờ báo in loại 1. Vì vậy, có thể nói, quá trình xây dựng và phát triển của Báo Đại biểu Nhân dân đã đóng góp cho lý luận xây dựng và phát triển lịch sử báo chí Việt Nam.


Trang bìa Tạp chí Người Đại biểu Nhân dân số 1, năm 1988 và trang 1 tuần báo Người Đại biểu Nhân dân số đầu tiên, ngày 1.1.2002, đang lưu giữ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Ảnh: Ng.Anh

Tình cảm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Các tư liệu, ấn phẩm ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã ghi đậm nét tình cảm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với tạp chí Người Đại biểu Nhân dân, Báo Người Đại biểu Nhân dân và Đại biểu Nhân dân.

Nhân dịp xuất bản số 1 tạp chí Người Đại biểu Nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công có thư động viên, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười gửi bút tích đến tòa soạn trước ngày in tạp chí. Kỷ niệm 5 năm tạp chí Người Đại biểu Nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đến thăm, làm việc với Tòa soạn. Kỷ niệm 10 năm tạp chí Người Đại biểu Nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh gửi thư chúc mừng. Nhiều bức thư, bút tích của Chủ tịch Nước Lê Đức Anh, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch Nước Trần Đức Lương, được sưu tầm gửi vào Bảo tàng.

Các tư liệu, ấn phẩm phản ánh đậm nét các buổi đến thăm và động viên tòa soạn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hay gần đây nhất Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Hội nghị Cộng tác viên của Báo Đại biểu Nhân dân năm 2016.

Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Quốc hội Việt Nam, Chi hội nhà báo Người Đại biểu Nhân dân đã trình Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị trao phần thưởng cao quý của Hội tới lãnh đạo Quốc hội. Phần thưởng đã được lãnh đạo Quốc hội đón nhận trân trọng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, các Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, Nguyễn Văn Yểu, Nguyễn Phúc Thanh đã gửi tới Chi hội Nhà báo những dòng bút tích thắm tình.

Những tư liệu, hình ảnh về sự kiện Hội Nhà báo Việt Nam trao kỷ niệm chương tới Lãnh đạo Quốc hội Khóa X cũng đã được trao tặng cho Bảo tàng, khẳng định đây là sự kiện lịch sử trong hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.
 
Hạt nhân của khối báo chí Quốc hội

Vào những năm 1980, viết sâu về Quốc hội và HĐND chỉ có Tạp chí Người Đại biểu Nhân dân. Đến cuối những năm 1990, một số tờ thông tin HĐND được thành lập. Rồi một dàn hòa âm từ Long An, Bình Định, Đắk Lắk đến Hà Giang... Hầu hết các tỉnh cho ra đời tờ Thông tin hoạt động HĐND. Trong dàn hợp xướng đó, Người Đại biểu Nhân dân là người lĩnh xướng, kết gắn những người viết báo tuyên truyền cho hoạt động của cơ quan dân cử.

Những năm tiếp theo, các tờ tin Dân nguyện, Nghiên cứu lập pháp... ra đời. Tại cơ quan của Quốc hội có thêm những ấn phẩm cùng tuyên truyền hoạt động của Quốc hội. Thông qua hoạt động nghiệp vụ, Chi hội Nhà báo và Liên chi hội Nhà báo đã tăng cường trao đổi kinh nghiệm viết bài về cơ quan dân cử, cho người muốn cầm bút viết báo không chuyên.

30 năm, nhiều cộng tác viên những năm 1990 nay là Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh… Và còn đó hơn 500 cộng tác viên vẫn cần mẫn với công việc và nhiệt tình viết tin bài cho Báo Đại biểu Nhân dân. Năm tháng trôi đi, tấm lòng của những con người năm ấy, cả viết báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, biết chịu đựng, lo toan, lặng lẽ làm việc vượt lên gian khó, đã góp phần xây đắp bước trưởng thành của Báo Đại biểu Nhân dân.

n nguyễn Văn Thúy - Nguyên Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Văn phòng Quốc hội