Nhịp cầu

Tạo động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển

- Thứ Năm, 21/05/2020, 09:50 - Chia sẻ
Thời gian qua, việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nhìn chung đúng quy định, góp phần thiết thực tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng: Công tác tổ chức thực hiện một số cơ chế, chính sách còn lúng túng; thiếu mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, bền vững; việc phân bổ nguồn lực thực hiện còn nhỏ giọt, dàn trải, chưa bảo đảm công bằng giữa các địa phương, giữa các đối tượng được thụ hưởng.

Đơn cử, theo cử tri Nguyễn Văn Chiến (huyện Lệ Thủy), nhiều chính sách hỗ trợ chưa đủ sức khuyến khích nông dân gắn bó với đồng ruộng. Cử tri Hoàng Thị Dương (TP Đồng Hới) cho rằng, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chưa tạo được sản phẩm mang tính đột phá lớn, chưa sản xuất được mặt hàng xuất khẩu mang tính chủ lực.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Thuật: Từ việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, giai đoạn 2016 - 2019, ngành nông nghiệp Quảng Bình luôn giữ mức tăng trưởng 4 - 4,5%; sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển dịch từ số lượng sang chất lượng, hàng năm hoàn thành, hoàn thành vượt mục tiêu đề ra… Tuy nhiên, nguồn vốn hỗ trợ thuộc ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh cho sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quyết liệt triển khai các chính sách hỗ trợ; người dân chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi…

Trong đợt giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn mới đây, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã có kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg; Thủ tướng chính phủ sớm ban hành quy định về tiêu chí xác định dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao để địa phương có cơ sở thực hiện chính sách tín dụng về nông nghiệp sạch công nghệ cao…

Bên cạnh đó, kiến nghị UBND tỉnh có cơ chế liên kết, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa “bốn nhà”; hỗ trợ máy móc thiết bị ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp cho các HTX; chỉ đạo thực hiện hiệu quả chính sách dồn điền đổi thửa, xây dựng vùng chuyên canh cây trồng có lợi thế gắn với mô hình cánh đồng lớn nhằm liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các nhà máy, cơ sở chế biến; nâng mức hỗ trợ các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Thực tế, việc đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần sớm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng hàng hóa.

TRUNG NGUYÊN