Dự án Luật Kiến trúc

Tạo điều kiện phát triển ngành kiến trúc

- Thứ Tư, 13/03/2019, 07:45 - Chia sẻ
Kiến trúc, luật sư và bác sĩ là ba ngành nghề đều được các nước xây dựng luật riêng điều chỉnh, nhằm vừa chi phối, vừa bảo hộ cho các hoạt động này. Trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự án Luật Kiến trúc trình UBTVQH tại Phiên họp thứ Ba mươi hai đã được hoàn thiện, bám sát tinh thần chung này.

Rất cần nền kiến trúc có bản sắc

Kiến trúc là một ngành đặc biệt, vừa mang tính nghệ thuật, vừa mang tính kỹ thuật, đề cao tính sáng tạo của người hành nghề. Đây cũng là một ngành nghề có ảnh hưởng trực tiếp, to lớn tới tính mạng, tài sản và quyền lợi dài lâu của cá nhân hoặc cộng đồng; liên quan trực tiếp đến chiến lược phát triển và trường tồn của quốc gia. Do vậy, dù là một lĩnh vực đề cao tính sáng tạo, cần có sự bảo hộ của Nhà nước, thì việc quản lý hoạt động kiến trúc vẫn được nhiều quốc gia trên thế giới đặt ra. Để thực hiện yêu cầu này, bên cạnh các quy định điều chỉnh với hành nghề của kiến trúc sư, dự án Luật Kiến trúc đã điều chỉnh với quản lý kiến trúc, đề ra nguyên tắc cho hoạt động này.


Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Quang Khánh

Bên cạnh các nguyên tắc cơ bản theo thông lệ lập pháp thế giới, dự án Luật Kiến trúc cũng xác định, cần kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới. Phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống là một nguyên tắc không được nhiều quốc gia trên thế giới đưa ra, và có lẽ sẽ khó lựa chọn mô hình kiến trúc điển hình với một quốc gia có nền văn hóa đa dạng, phong phú như Việt Nam. Nhưng từ góc nhìn của người trực tiếp hành nghề, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn cho biết, các kiến trúc sư đều đồng ý đưa nguyên tắc này vào dự án Luật, vì đúng là rất cần một nền kiến trúc có bản sắc. Cùng với đó, việc dự thảo Luật quy định về bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị là một bước tiến trong hệ thống pháp luật hiện hành, mới chỉ công nhận bảo vệ về bản quyền bản vẽ thiết kế, chưa chú trọng bảo vệ giá trị công trình trong quá trình sử dụng.

Tạo dựng một nền kiến trúc có bản sắc là mong muốn của người xây dựng luật và cả người thực thi, nhưng Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc nhận thấy, rất khó có thể đưa ra một thiết kế điển hình, hay xác định rõ bản sắc kiến trúc, và với một nền văn hóa đa dạng, phong phú của nước ta cũng không thể áp dụng rập khuôn mô hình mái ngói hay đình chùa trong tất cả các công trình. Do vậy, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm VPQH nhận thấy, việc Điều 5, dự thảo Luật không quy định mang tính bắt buộc các cá nhân, tổ chức hành nghề phải đưa bản sắc văn hóa truyền thống vào bản vẽ thiết kế, mà chỉ quy định nhằm xác định rõ nội dung này là hướng đi phù hợp. Hơn nữa, bản sắc của kiến trúc cũng không chỉ thể hiện qua đường nét bên ngoài, mà còn thể hiện nội thất bên trong công trình, nên quy định mở của dự thảo Luật sẽ không làm khó kiến trúc sư, trong khi vẫn giúp phát huy tính sáng tạo của họ. 

Phân tích sâu hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho rằng, với điều kiện của nước ta, việc dự thảo Luật quy định cả về bản sắc văn hóa của cả nước và của từng dân tộc, từng địa phương là phù hợp. Tuy nhiên, cần cân nhắc quy định UBND tỉnh có trách nhiệm cụ thể hóa các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc trong Quy chế quản lý kiến trúc phù hợp với vùng, miền, địa phương của mình quản lý (Khoản b, Điều 5). Chữ “cụ thể hóa” có sâu quá hay không, trong khi vấn đề bản sắc và kiến trúc vẫn còn rất khó để định vị? Để tránh rơi vào tình trạng UBND tỉnh đưa ra nguyên tắc cứng, chưa chắc phù hợp với thực tế, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đề nghị, nên cân nhắc dùng những từ “nhẹ” hơn như “nguyên tắc” hay “phong cách”…

Lựa chọn mô hình hội đồng tư vấn phù hợp

Tại Điều 9 về những hành vi cấm, ở Điểm 3 có ghi cấm cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Không biết việc này có xảy ra không, dược sỹ có thể cho mượn để kinh doanh dược phẩm hay bác sĩ có thể treo biển để khám, chữa bệnh nhưng kiến trúc sư thì không đơn giản, phải bảo vệ trước hội đồng, trước chủ đầu tư, phải đứng tên chứ không thể tên là Nguyễn Văn A nhưng Nguyễn Văn B trình bày. Tôi nghĩ khó có thể thực hiện điều này.
Tại Điểm 6, Điều 9 quy định cấm xây dựng công trình kiến trúc không đúng với thiết kế, kiến trúc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho phép. Tôi cho rằng nên bổ sung cấm thực hiện hành vi này khi không có sự đồng ý của tác giả, bởi trong quá trình thi công, thì tác giả thiết kế vẫn có quyền chỉnh sửa bản vẽ cho phù hợp với thực tế. Bản vẽ như thế nhưng ra thực tế cần có điều chỉnh thì tác giả đó có quyền điều chỉnh, nếu tùy tiện sửa không theo ý tác giả thì khác. Nói cách khác, phải tôn trọng quyền của tác giả trong quá trình thi công công trình, không nên khuôn cứng theo giấy phép của cơ quan chức năng.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Để quản lý hoạt động kiến trúc, bên cạnh nhiều giải pháp đề ra, dự thảo Luật Kiến trúc đã định rõ hai mô hình Hội đồng tư vấn về kiến trúc quốc gia (do Thủ tướng Chính phủ thành lập) và Hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh. Mô hình Hội đồng tư vấn đề kiến trúc quốc gia hiện đang được thực hiện, nên cơ bản nhận được sự đồng tình của các Ủy viên UBTVQH. Hơn nữa, theo lý giải của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (cơ quan được giao chủ trì tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật), mặc dù chỉ là cơ quan tư vấn theo vụ việc cho Thủ tướng Chính phủ nhưng Hội đồng tư vấn lại có vai trò rất quan trọng trong việc tư vấn về lĩnh vực kiến trúc và kiến trúc của một số công trình quan trọng. Hội đồng này cũng được quy định chỉ thành lập khi cần thiết, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ là phù hợp, bảo đảm tính linh hoạt, không làm phát sinh thêm bộ máy, gây tốn kém, lãng phí. 

Đánh giá vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho rằng, phải giải trình kỹ hơn về tác động của việc không thành lập mô hình Hội đồng tư vấn về kiến trúc quốc gia và Hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh. Bởi lẽ, sau mỗi bản vẽ thiết kế sẽ là một công trình tồn tại nhiều năm, thậm chí thể hiện tính chất của một địa phương, song nếu chỉ quy định theo hướng chỉ thành lập khi cần có nghĩa sẽ tùy theo ý chí lãnh đạo. Hơn nữa, thực tế đang đặt ra yêu cầu phải theo dõi kiến trúc chung của mỗi địa phương, cũng như làm tốt hơn việc theo dõi kiến trúc đặc thù bản sắc của địa phương, thay vì chỉ theo dõi kiến trúc công trình, chủ yếu mang tính thời điểm. Do vậy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, thì cần nghiên cứu quy định mô hình hội đồng tư vấn kiến trúc khá ổn định của một địa phương, dù không được thành lập theo tính chất của một cơ quan hành chính, sẽ không có biên chế, không văn phòng phục vụ cố định.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng nhận thấy, thành lập Hội đồng tư vấn về kiến trúc quốc gia hay cấp tỉnh theo mô hình được dự thảo Luật quy định sẽ dễ dàng huy động được các chuyên gia, các kiến trúc sư trong từng lĩnh vực khác nhau, trong khi nếu thành lập cố định sẽ khó thu hút chuyên gia. Tuy mô hình hành hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm, song Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh, Nhà nước vẫn cần dành một khoản kinh phí hỗ trợ bảo đảm cho hội đồng tư vấn này hoạt động tốt, động viên các kiến trúc sư giỏi, tài năng tình nguyện tham gia.

Từ hai nội dung này có thể thấy, dự thảo Luật Kiến trúc sau khi được chỉnh lý, hoàn thiện đã cơ bản đáp ứng yêu cầu chi phối và bảo hộ cho quá trình phát triển của hoạt động kiến trúc. Nhưng khi tổng kết về dự án Luật này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần rà soát thêm cho sát với thực tiễn, cũng như khả năng của ngân sách nhằm thúc đẩy xã hội hóa, tạo sự năng động, sáng tạo và phát huy năng lực sáng tạo.

Thanh Hải