Tạo “chỗ đứng” cho thuốc sản xuất trong nước

- Thứ Hai, 09/09/2019, 08:11 - Chia sẻ
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dược trong nước đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng, tuy nhiên con đường để thuốc Việt vào được các bệnh viện vẫn còn nhiều gian nan. Theo các chuyên gia, để thuốc sản xuất trong nước có “chỗ đứng”, cần nhiều giải pháp hơn nữa, không chỉ từ phía doanh nghiệp, mà từ cả cách quản lý và ý thức tiêu dùng của người dân.

Tỷ lệ sử dụng thuốc nội ngày càng tăng

Theo thống kê của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, hiện các loại thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu phòng và chữa bệnh; tự sản xuất được 12/13 vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng an toàn, chất lượng. Cả nước có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới, 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, PIC/S. Thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong đó, có 652 thuốc trong nước đã được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh.

Thời gian gần đây, ý thức người tiêu dùng, doanh nghiệp và cán bộ y tế trong việc ưu tiên dùng thuốc Việt đã có nhiều chuyển biến. Theo đó, tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc nội trung bình tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh có sự tăng trưởng rõ rệt, năm 2018 đạt trung bình hơn 57%, cao gấp gần 2 lần so với năm 2013.

Với tỷ lệ sử dụng thuốc nội trên toàn tỉnh đã đạt gần 77%, đại diện Sở Y tế Quảng Bình cho hay, tại các cơ sở y tế, các bác sĩ đã nâng cao nhận thức, ưu tiên kê đơn thuốc nội trong khám và điều trị nội, ngoại trú. Đây cũng là biện pháp tạo sự tin tưởng của người dân đối với thuốc sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dược tại địa phương cũng tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm thuốc, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo lòng tin với người dân.

Trưởng khoa Dược, Bệnh viện 71 Trung ương (Thanh Hóa) Lưu Quốc Thịnh cũng cho biết, việc dùng thuốc nội đã đem lại những hiệu quả quan trọng trong việc khám chữa bệnh cho nhân dân, bệnh nhân ra viện với chi phí thấp hơn, kết quả điều trị cao. Việc sử dụng thuốc sản xuất trong nước đã giảm bớt gánh nặng tiền thuốc, nhất là người bệnh ở những vùng khó khăn.


Cần nhiều giải pháp để tăng tỷ lệ sử dụng thuốc nội Ảnh: Thảo Mộc

 Để đạt mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 22% ở tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện, Bộ Y tế đã ban hành danh mục 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu giá trị, giá thuốc và khả năng cung ứng, không mua thuốc nhập khẩu nếu trong nước đã sản xuất được thuốc cùng loại.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó

Dù đã có những khởi sắc, nhưng theo các chuyên gia, việc lựa chọn thuốc sản xuất trong nước vẫn còn thấp ở một số khu vực. Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế Vũ Tuấn Cường cho biết, tại các bệnh viện tuyến Trung ương, tỷ lệ sử dụng thuốc nội không cao. Nguyên nhân là do đặc thù riêng của những bệnh viện tuyến cuối thường phải sử dụng các loại thuốc chuyên khoa sâu, nhưng phần lớn các loại thuốc này chưa sản xuất được trong nước nên phải sử dụng thuốc ngoại.

Để đáp ứng được yêu cầu, nhiều doanh nghiệp dược trong nước đã chú trọng đổi mới công nghệ. Đơn cử như Công ty Cổ phần dược phẩm Traphaco đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, đầu tư xây dựng được nhà máy sản xuất tân dược thông minh 4.0 với hệ thống tự động hóa, tiết kiệm thời gian, giảm giá thành sản phẩm. Hay Công ty Dược Hậu Giang cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, ký kết hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Công nghệ sinh học để có được những công thức độc quyền…

Song các doanh nghiệp vẫn gặp khó khi đưa thuốc vào các bệnh viện. Theo Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Traphaco Nguyễn Huy Văn, ngoài nguyên nhân do tâm lý sính thuốc ngoại vẫn ăn sâu trong suy nghĩ của nhân viên y tế và người tiêu dùng, thì thuốc nội vẫn khó có thể cạnh tranh về giá khi đấu thầu vào các bệnh viện.

Tổng Giám đốc công ty Dược Hậu Giang Đoàn Đình Duy Khương cũng cho rằng, bất cập lớn nhất trong đấu thầu thuốc hiện nay là phân nhóm kỹ thuật mà chưa thể hiện sự tương đồng giữa các loại thuốc. Điều này dẫn đến việc có sự chênh lệch nhau về chất lượng trong cùng một nhóm thuốc tham gia đấu thầu, những thuốc có giá nền thấp có cơ hội trúng thầu cao, còn thuốc chất lượng vượt trội, giá cao thường hay bị loại.

Ưu tiên thuốc nội trong đấu thầu

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường đã thừa nhận, các doanh nghiệp dược trong nước hiện vẫn mới chỉ tập trung sản xuất các loại thuốc gốc có giá trị thấp, khả năng cạnh tranh kém, dẫn đến tình trạng vừa cạnh tranh nội bộ ngành, vừa phải cạnh tranh với các thuốc gốc nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Để nâng cao tỷ lệ sử dụng thuốc nội, theo các chuyên gia, một trong các giải pháp khá hiệu quả là luôn ưu tiên thuốc nội trong đấu thầu, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Cũng như hoàn thiện và minh bạch hóa hơn nữa các quy trình đấu thầu, hệ thống hành lang pháp lý giúp các doanh nghiệp dược trong nước phát triển.

Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục tập trung ưu tiên kết nối, hội nhập với quốc tế; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc từ các nước phát triển; đầu tư cho nghiên cứu sản phẩm kết hợp với các chương trình như “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt”, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá… để nâng cao vị thế sản phẩm, tạo thế mạnh cạnh tranh.

“Một trong những biện pháp tạo niềm tin với thuốc Việt là các doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao chất lượng. Đặc biệt là nâng cao tiêu chuẩn nhà máy, bảo đảm việc sản xuất thuốc một cách nghiêm ngặt và mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm tốt nhất” - Tổng giám đốc Công ty Dược Hậu Giang Đoàn Đình Duy Khương nhấn mạnh.

Hiểu Lam