Tăng trưởng GDP 2019 có thể đạt 7,02%

- Thứ Sáu, 06/12/2019, 08:00 - Chia sẻ
Tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 7,02%, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố dự báo này tại Diễn đàn Kinh tế 2020 chủ đề “Tích lũy động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới” diễn ra ngày 5.12. Tuy vậy, các ý kiến tại Diễn đàn đều cho rằng, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm liên quan đến thể chế.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, theo báo cáo mới đây của U.S. News & World Report, Việt Nam đã nhảy vọt từ vị trí 23 năm 2018 lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng thuộc mức cao so với các nước châu Á. “Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động thì đây là con số rất quan trọng”, ông Lộc nói. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về lạm phát, thâm hụt ngân sách hay quy mô dự trữ ngoại hối đều được cải thiện trong thời gian vừa qua giúp tăng cường sức chống chịu với những cú sốc có thể diễn ra trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam.


Toàn cảnh diễn đàn

Theo dự báo của CIEM, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 7,02%. Con số này tăng khá cao và lạc quan so với mức 6,82% CIEM đưa ra 3 tháng trước. Tuy vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, “Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm liên quan đến thể chế”. Ông dẫn chứng: “Có những nghị định, thông tư biết chắc rằng chưa tốt cho doanh nghiệp nhưng khoảng một năm mới chịu sửa, như Nghị định 20 liên quan đến trần chi phí lãi vay chỉ khi Thủ tướng và Phó Thủ tướng đích thân chỉ đạo mới có sự chuyển biến”.

Một ví dụ khác được Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu đưa ra. Ông cho biết, doanh nghiệp hiện phải “cõng” 5 loại chi phí gồm chi phí chính thức, chi phí cơ hội, thủ tục hành chính, chi phí đầu tư và lệ phí. Những chi phí này làm méo mó thị trường và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp bởi nó làm tăng giá thành của sản phẩm. “Ví như chi phí không chính thức khiến doanh nghiệp không thể cạnh tranh bình đẳng, vì ai  chịu chi, ai có quan hệ tốt thì mới phát triển được”, Phó Viện trưởng CIEM nói và nhấn mạnh rằng “thể chế vẫn là mấu chốt quyết định hiệu quả của nền kinh tế” và “còn nhiều điều phải suy nghĩ khi các cải cách (về thể chế của nước ta – PV) được Ngân hàng Thế giới ghi nhận ngày càng ít đi”. Theo ông Hiếu, doanh nghiệp mới là thước đo cuối cùng của cải cách. “Có những cải cách được bộ ngành công nhận nhưng lại chưa được doanh nghiệp công nhận”.

“Chúng ta nói nhiều, bàn nhiều và trăn trở nhiều về cải cách thể chế song vì sao vẫn không thoát ra được và vẫn rơi vào bế tắc”, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Constrexim Nguyễn Đức Cây đặt câu hỏi. Câu trả lời của Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Trần Hữu Huỳnh là: do chúng ta chưa quy trách nhiệm cụ thể về từng bộ, từng ngành. “Không làm được chuyện đó, mãi mãi chúng ta vẫn chỉ là biết “bệnh” mà không “chữa được bệnh”, ông nói.

Cải cách cũng sẽ rất khó thành công nếu chỉ xuất phát từ Chính phủ. Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần một cơ quan độc lập để giám sát và nâng cao chất lượng thể chế. “Nếu để bộ ngành chủ động cải cách, đề xuất thì các cơ quan liên quan, bộ đánh giá tác động, như vậy thì quá trình cải cách không hiệu quả. Vì vậy, một cơ quan giám sát thực thi mới là động lực của cải cách”, ông Hiếu nói.

Ảnh và bài: An Thiện