Ngân hàng Chính sách xã hội

Tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 69%

- Thứ Hai, 29/06/2020, 06:38 - Chia sẻ
Diễn biến phức tạp của hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19… đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đặc biệt là người nghèo, người yếu thế. Tuy nhiên, đến hết quý II.2020, dư nợ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) vẫn có mức tăng trưởng đạt 69%.

Dư nợ tại các địa phương đều tăng

Tại Quảng Bình, đã có trên 15.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn NHCSXH; đưa tổng nguồn vốn cho vay hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác của chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình lên 4.443 tỷ đồng, tăng 192 tỷ đồng so với năm 2019 (+5,92%), trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 72 tỷ đồng, tăng 16,3 tỷ đồng so với năm 2019, hoàn thành 117% kế hoạch giao năm 2020. Tổng doanh số cho vay 6 tháng đầu năm của NHCSXH Quảng Bình cũng đạt 650 tỷ đồng, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 3.405 tỷ đồng, tăng 154 tỷ đồng so với năm 2019 (+4,7%), hoàn thành 98,9% kế hoạch, với 82.460 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

NHCSXH giải ngân cho người dân xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái.
Ảnh: Thái Bình

Tại Hà Giang, tính đến 31.5, tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng đạt 3.011 tỷ đồng, tăng 108 tỷ đồng so với đầu năm; tổng dư nợ đạt 3.002 tỷ đồng, tăng 107 tỷ đồng so với đầu năm; giải ngân cho trên 82.810 khách hàng vay. Doanh số cho vay từ ngày 1.1 đến ngày 31.5 đạt 331 tỷ đồng với 7.680 lượt khách hàng được vay vốn. Đặc biệt, một số chương trình tín dụng đạt hiệu quả cao như cho vay hộ nghèo với dư nợ đạt 1.101 tỷ đồng, cho 32.375 khách hàng vay; hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn với dư nợ 699 tỷ đồng, cho 17.190 khách hàng vay; hộ cận nghèo với dư nợ 381 tỷ đồng, cho 10.545 khách hàng vay; hộ mới thoát nghèo với dư nợ 286 tỷ đồng, cho 7.059 khách hàng vay.

Tại Quảng Ninh, NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho 815 lượt khách hàng với doanh số cho vay đạt 29.332 triệu đồng. Tổng dư nợ đạt 330.021 triệu đồng, tăng so với đầu năm 1.522 triệu đồng (+0,46%), đạt 99% kế hoạch dư nợ giao, với 7.990 hộ còn dư nợ. Riêng tại Hà Nội, những tháng đầu năm 2020, đã có gần 23 nghìn lao động vay vốn từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua NHCSXH Hà Nội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, với số tiền 1.009 tỷ đồng.

Có thể nói, dù là những đối tượng chịu nhiều tổn thương nhất do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan hay bệnh dịch thì hộ nghèo, cận nghèo và hộ gia đình chính sách vẫn luôn được bảo vệ và chăm lo; nguồn vốn của NHCSXH là bệ đỡ, cứu cánh giúp họ giảm thiểu tối đa thiệt hại và khôi phục sản xuất, kinh doanh sớm nhất có thể.

Tập trung cho tăng trưởng những tháng cuối năm

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động NHCSXH 6 tháng đầu năm vừa diễn ra mới đây, Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH Lê Minh Hưng cho biết, đến ngày 30.6.2020, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ước đạt 227.000 tỷ đồng, tăng 15.107 tỷ đồng so với cuối năm 2019; trong đó, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 19.500 tỷ đồng. Tổng dư nợ ước đạt 219.900 tỷ đồng, tăng 13.095 tỷ đồng (+6,3%) so với cuối năm 2019, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao ước đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 9.995 tỷ đồng (+5,6%) so với cuối năm 2019, hoàn thành 69% kế hoạch.

Doanh số cho vay trong 6 tháng ước đạt 44.535 tỷ đồng, với trên 1,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 224 nghìn lao động; giúp gần 9 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng 810 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 11,7 nghìn căn nhà ở cho các đối tượng chính sách… Cùng với đó, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách không ngừng được củng cố, nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,71% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của thời tiết và dịch bệnh, để hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2020, ông Lê Minh Hưng yêu cầu, những tháng cuối năm, hệ thống NHCSXH chủ động huy động vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được giao. Tập trung chỉ đạo các chi nhánh giải ngân kịp thời, sớm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng. Ban điều hành tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trọng tâm tăng cường nguồn lực từ địa phương hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hạn hán và xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Bên cạnh đó, toàn ngành tập trung chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt, đối với các chi nhánh có chất lượng tín dụng còn thấp hoặc chưa ổn định. Phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ bố trí nguồn vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách mới, đặc biệt các chương trình đối với đồng bào DTTS và miền núi. Tổ chức tổng kết Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời xây dựng Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Box: 6 tháng đầu năm, NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 150 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 3.800 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 75,2 nghìn khách hàng với dư nợ 1.567 tỷ đồng, cho vay mới đối với 680 nghìn khách hàng với dư nợ 25,75 nghìn tỷ đồng.

Bình Nhi