Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Tăng tốc phát triển đối tượng tham gia

- Thứ Bảy, 08/08/2020, 06:44 - Chia sẻ
Vừa qua,Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc tháng 8.2020 nhằm đánh giá những kết quả đạt được và thảo luận, chia sẻ về những khó khăn, tồn tại trong thực hiện chính sách bảo hiểm trên toàn quốc, từ đó đánh giá, thảo luận đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong 5 tháng cuối năm, quyết tâm hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Chủ động nắm bắt tình hình

Do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hiện nay nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, người lao động không có việc làm; các hoạt động tuyên truyền vận động người tham gia và bảo hiểm thanh tra, kiểm tra phải hạn chế do thực hiện giãn cách xã hội; thu nhập của người dân giảm do dịch bệnh nên không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình… dẫn đến giảm đối tượng tham gia bảo hiểm; thu ngân sách giảm và số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng lên.

BHXH Việt Nam sẽ triển khai thực hiện những giải pháp bảo đảm quyền lợi người lao động, doanh nghiệp khó khăn do Covid-19.
Ảnh: Hải Yến

Đến nay toàn quốc đã có hơn 15,2 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ khoảng 31% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; 12,725 triệu người tham gia BHTN, đạt tỷ lệ khoảng 25,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, đạt 88,5% kế hoạch của ngành. Số người tham gia BHYT là 85,915 triệu người, đạt 97,6% kế hoạch của ngành, đạt tỷ lệ bao phủ 88,8% dân số.

Tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm của một số đơn vị sử dụng lao động vẫn còn phổ biến; tỷ lệ nợ đọng còn cao. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị, đặc biệt có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, một số phần mềm nghiệp vụ của ngành đang trong quá trình hoàn thiện, nâng cấp đã phát sinh lỗi, ảnh hưởng đến hiệu quả, tiến độ giải quyết công việc. Công tác rà soát, xử lý trùng dữ liệu, cấp mã số BHXH cho người tham gia tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa bảo đảm yêu cầu về chất lượng, tiến độ đề ra…

Đứng trước tình hình hiện tại, BHXH Việt Nam đã luôn chủ động, bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kịp thời tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; công tác thông tin, truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả; thực hiện tốt việc giải quyết các chế độ, chính sách bảo đảm quyền lợi người tham gia; triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng, giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN…

Triển khai nhiệm vụ trọng tâm

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, 7 tháng năm 2020, vượt qua nhiều khó khăn của dịch bệnh, ngành BHXH đã nỗ lực trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, để hoàn thành những mục tiêu, kế hoạch đã đề ra của năm 2020 vẫn còn không ít khó khăn, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Đồng thời đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng, tập trung rà soát, chuẩn hóa số liệu của những nhóm ưu tiên chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đối với nhóm tham gia BHXH bắt buộc, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Thuế để xác định những doanh nghiệp, người lao động đang hoạt động nhưng chưa tham gia BHXH. Bên cạnh đó, tập trung phát triển, phát huy hiệu quả của các hệ thống đại lý; giao chỉ tiêu một cách quyết liệt, rõ người, rõ việc đến các đại lý, cán bộ. Mặt khác, BHXH các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác tham mưu, tìm các nguồn hỗ trợ cho người tham gia BHXH, BHYT có hoàn cảnh khó khăn.

Với các doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, BHXH sẽ quan tâm triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ. Đánh giá, đổi mới công tác truyền thông chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền; ngày càng đi vào chiều sâu; áp dụng những phương thức mới. Triển khai thực hiện tốt các kế hoạch, dự toán thu, chi, phát triển đối tượng BHXH, BHTN, BHYT năm 2020 được giao; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng, có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh giao dịch điện tử; triển khai hiệu quả hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, tích hợp kết nối liên thông để cung cấp các dịnh vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo lộ trình; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan BHXH.

Hải Yến