Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội:

Tăng tính chuyên nghiệp hoạt động của Quốc hội

- Thứ Bảy, 11/07/2020, 05:38 - Chia sẻ

LTS: Tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua 10 luật quan trọng liên quan đến nhiều lĩnh vực, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; tổ chức bộ máy; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường nội luật hóa các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và tiến trình hội nhập quốc tế. Trong chuyên mục Luật - Những điểm mới, Báo Đại biểu Nhân dân lần lượt giới thiệu những nội dung quan trọng của 10 luật này.

Được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, với tỷ lệ 87,37% tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021. Luật có nhiều điểm mới nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Tăng cường tính chuyên nghiệp của cơ quan đại diện 

Tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước về 10 luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, do Văn phòng Chủ tịch Nước tổ chức sáng 10.7, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, Luật Tổ chức Quốc hội được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ Tám đã tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Sau hơn 3 năm thi hành, Luật Tổ chức Quốc hội đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định những vẫn đế quan trọng của đất nước. Trước yêu cầu cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, để kịp thời khắc phục một số vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành Luật trong thời gian qua, Quốc hội Khóa XIV đã quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu tại cuộc họp báo

Theo Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Luật mới đã sửa đổi, bổ sung 20 trong tổng số 102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, trong đó tập trung vào các nội dung cơ bản về ĐBQH; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; bộ máy giúp việc của Đoàn ĐBQH. Trong đó, về ĐBQH, Luật lần này cơ bản giữ các quy định về vị trí, vai trò và nhiệm vụ của ĐBQH như Luật hiện hành. Bên cạnh đó, Luật bổ sung một khoản quy định về tiêu chuẩn quốc tịch đối với ĐBQH, nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bầu cử ĐBQH. Theo đó, ngoài những tiêu chuẩn chung, ĐBQH có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam (Khoản la, Điều 22). 

Thực hiện chủ trương của Đảng về tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Luật mới đã tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số ĐBQH (Khoản 2, Điều 23). Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang lý giải, "quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm ĐBQH hoạt động chuyên trách từ Quốc hội Khóa XV sắp tới, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội".

Kế thừa quy định của Luật hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung tiếp tục quy định trách nhiệm của ĐBQH hoạt động chuyên trách phải tham gia hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập. Bổ sung quy định ĐBQH hoạt động không chuyên trách có quyền đăng ký tham dự hội nghị ĐBQH hoạt động chuyển trách nhằm thảo luận về những nội dung mà đại biểu quan tâm. 

So với quy định của Luật hiện hành, Luật mới đã bổ sung một số quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, phê chuẩn số lượng và danh sách ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH để bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương (Khoản 3a, Điều 43). Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc triệu tập, tổ chức hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách căn cứ vào yêu cầu, tình hình thực tiễn để tăng cường hiệu quả hoạt động của đội ngũ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (Khoản 7, Điều 47). Bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quy định cụ thể việc thực hiện công tác quản lý cán bộ đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách tại địa phương, việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm khác đối với ĐBQH, ĐBQH hoạt động chuyên trách (Khoản 1, Điều 54). 

Xác định lộ trình hoàn thành việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh

Về bộ máy giúp việc của Đoàn ĐBQH, theo quy định của Luật hiện hành, Văn phòng Đoàn ĐBQH là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH tại địa phương. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội, ngày 4.10.2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo Báo cáo tổng kết số 232/BC-CP ngày 18.5.2020 của Chính phủ, sau hơn một năm thực hiện thí điểm cho thấy, việc tổ chức một văn phòng giúp việc chung cho ba cơ quan theo mô hình thí điểm quy định tại Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 chưa thực sự đáp ứng được mục tiêu đề ra là nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh; chưa rõ được vai trò tham mưu trong hoạt động giám sát và quản lý, điều hành giữa cơ quan đại diện với cơ quan quản lý. Vì vậy, trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm và theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất ba Văn phòng theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 và quyết định sẽ tổ chức Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ chung cho Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ riêng cho UBND cấp tỉnh. 

Nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện, Luật đã bổ sung quy định chuyển tiếp để xác định lộ trình hoàn thành việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh. Theo đó, Văn phòng Đoàn ĐBQH được thành lập theo Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 ngày 22.12.2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 14.10.2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoạt động cho đến khi Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh được thành lập để tham mưu, giúp việc, phục vụ chung hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh phải hoàn thành trước ngày 1.7.2021. 

Với những nội dung quan trọng nêu trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sẽ tiếp tục tạo cơ sở pháp lý cụ thể và vững chắc hơn cho tổ chức và hoạt động của Quốc hội, ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả hơn.

Nhật An