Tăng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách:

Tăng tính chuyên nghiệp

- Thứ Hai, 25/05/2020, 17:51 - Chia sẻ
Ngày mai, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động, tăng tính chuyên nghiệp của QH, cần tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Nhưng tăng thế nào, tăng bao nhiêu, tăng trong lĩnh vực hoạt động gì đang là vấn đề được các đại biểu Quốc hội cân nhắc.

“Khó” cho đại biểu kiêm nhiệm

Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, thì tổng số ĐBQH không quá 500 người, bao gồm đại biểu hoạt động chuyên trách và đại biểu hoạt động không chuyên trách. Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động cho thấy, đại biểu hoạt động kiêm nhiệm có nhiều cái khó.

Từng là ĐBQH kiêm nhiệm, QH Khóa XIII, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) cho rằng, ĐBQH kiêm nhiệm có nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn. Khó khăn đầu tiên là ít có thời gian để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; ít có điều kiện, khả năng để tham gia các hoạt động giám sát của QH, các cơ quan của QH, thậm chí là giám sát của Đoàn ĐBQH địa phương. Điều đáng nói, việc quy định, ĐBQH kiêm nhiệm dành ít nhất 1/3 thời gian cho hoạt động QH, thì cũng chỉ đủ cho đại biểu hoạt động ở hai kỳ họp, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tham gia đoàn giám sát, hội thảo, hội nghị. Thời gian còn lại, đại biểu kiêm nhiệm phải làm các công việc chuyên môn của mình. 


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà - Ảnh Trung Đình

Nếu là ĐBQH kiêm nhiệm nhưng là lãnh đạo địa phương như: Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh… thì việc tham gia các Đoàn giám sát của QH là rất hạn chế, hầu như không tham gia, kể cả tại Kỳ họp QH cũng ít phát biểu vì ngại “động chạm” đến các cơ quan trung ương sẽ gây khó khăn cho địa phương, ông Thủy thẳng thắn. Trong hoạt động giám sát, đại biểu kiêm nhiệm cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu thông tin, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm nên chất lượng hoạt động giám sát chưa cao. Những kiến nghị, đề xuất sau giám sát thường ít được cơ quan, các đối tượng chịu sự giám sát ghi nhận, trả lời thỏa đáng.

Có lẽ, đây không chỉ là tâm tư của riêng ông Thủy mà là nỗi niềm chung của nhiều ĐBQH hoạt động kiêm nhiệm, đặc biệt là những ĐBQH phải “gánh” cả 2 vai.

Khi thảo luận tại tổ về vấn đề này, là người phải “gánh” hai vai, vừa là ĐBQH, vừa là tư lệnh ngành, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có những trải lòng rất đáng lưu tâm. 

“Tôi nói rất thật, các đại biểu như chúng tôi thực tế ở cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm công tác quản lý, cơ chế chính sách pháp luật, khâu tổ chức thực hiện nhưng phân cấp cho địa phương rất lớn. Bây giờ hỏi nhiều câu, bộ trưởng không nắm được đâu, rồi bị nhân dân phê bình, nhưng thực tế thẩm quyền đó đã phân cấp cho địa phương", Bộ trưởng Trần Hồng Hà bộc bạch. 

Cũng theo ông Hà, cơ cấu đại biểu Quốc hội vẫn chưa thực sự đổi mới khi nhiều Bộ trưởng, một số Chủ tịch UBND tỉnh làm đại biểu Quốc hội. Điều này, dẫn đến khó khăn trong chỉ đạo, điều hành. 

Thực tế mà ông Hà đưa ra là một trong những vướng mắc, khó khăn khi ĐBQH phải gánh hai vai. Đó là chưa kể phải giải quyết như thế nào cho thỏa đáng khi ĐBQH vừa thực hiện quyền giám sát nhưng cũng là đối tượng chịu sự giám sát. Đây là điều mà cử tri, các ĐBQH mong muốn khi sửa đổi Luật phải giải quyết được vướng mắc, bất cập này. 

Tăng đại biểu chuyên trách 

Từ những vướng mắc được chỉ ra khi làm nhiệm vụ của đại biểu kiêm nhiệm, nhiều ý kiến cho rằng, để QH hoạt động hiệu quả, tăng tính chuyên nghiệp, cần tăng số lượng ĐBQH chuyên trách. 

ĐBQH làm ở cơ quan hành pháp ngày càng nhiều, điều này không cần thiết và gây khó khăn, bởi người đó phải đội hai cái “mũ”. Những người đội hai “mũ” vừa lập pháp, vừa hành pháp không biết nên nói theo “mũ” nào, từ đó ảnh hưởng đến các vấn đề của cử tri. Cử tri muốn đại biểu phát biểu vấn đề này nhưng "kẹt" không nói được vì là người của cơ quan hành pháp.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh)

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các ĐBQH, các chuyên gia, trong sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội lần này, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng tăng số đại biểu hoạt động chuyên trách. Theo đó, nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số ĐBQH. Việc quy định trong Luật tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ở mức cao hơn hiện nay (theo quy định hiện hành, ĐBQH chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH) sẽ là cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. 

Nhận thấy rõ những khó khăn trong thực hiện ĐBQH kiêm nhiệm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cần tăng số đại biểu chuyên trách, đặc biệt là các đại biểu chuyên trách có kiến thức, có kinh nghiệm trong vấn đề quản lý và xây dựng pháp luật.


ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh)

Đánh giá về vai trò của đại biểu hoạt động chuyên trách, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong thực tiễn hoạt động của Quốc hội, đa phần ĐBQH chuyên trách có điều kiện chuyên tâm vào nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động. Lý giải cho nhận định này, đại biểu cho rằng, ĐBQH chuyên trách có toàn thời gian cho hoạt động đại biểu, có điều kiện để nghiên cứu chuyên sâu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng… Trong khi đó, với đại biểu kiêm nhiệm, có những khó khăn bởi về thời gian tập trung thực hiện nhiệm vụ chính, vai trò chính và trong các mối "quan hệ công tác" khi nghiên cứu phát biểu có thể phải cân nhắc ý kiến có đụng chạm, có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của cơ quan địa phương mình hay không? Từ thực tế này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, đại biểu hoạt động chuyên trách có nhiều lợi thế, điều kiện hơn so với các đại biểu kiêm nhiệm. Điều này, giúp cho đại biểu chuyên trách toàn tâm, toàn ý trong hoạt động đại biểu của mình. 

Nhấn mạnh, không có đại biểu chuyên trách, không có cán bộ chuyên môn, không có trình độ thì không thể làm ra luật có chất lượng, ĐBQH Nguyễn Văn Được (Hà Nội) đề nghị, phải tăng đại biểu hoạt động chuyên trách.

Giảm đại biểu kiêm nhiệm nhất là đại biểu bên cơ quan hành pháp, tăng đại biểu hoạt động chuyên trách là vấn đề cân nhắc kỹ  từ thực tiễn tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước. Đây là vấn đề đặt ra đối với các ĐBQH khi thảo luận về dự thảo Luật này. Bởi đại biểu vừa là đại diện tiếng nói từ phía cơ quan lập pháp trong hoạt động giám sát, đồng thời đại diện tiếng nói của cơ quan hành pháp trong thực thi luật, nghị quyết bị giám sát, thì trong nhiều trường hợp không dễ để “phân vai” và khó làm được “tròn vai”.

Hà An