Sổ tay

Tăng tính bền vững cho nông nghiệp

- Thứ Ba, 05/11/2019, 12:04 - Chia sẻ
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, nông nghiệp cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn trong sản xuất tiêu thụ nông sản. Trong đó, vấn đề về thương hiệu nông sản Việt nói chung và thương hiệu nông sản của một số địa phương, vùng miền nói riêng đang đặt ra những thách thức mới cho bài toán xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Đây là một trong những chủ đề được ĐBQH nêu ra tại Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội giữa tuần qua.

Thực tế cho thấy, mặc dù thời gian qua, các ngành, các cấp đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị, nhưng trên thực tế vấn đề về thị trường, thương hiệu gắn với chất lượng, giá trị sản phẩm vẫn là những thách thức lớn đối với nông sản của Việt Nam. Một số mặt hàng nông sản Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, làm giả các nhãn hiệu cũng như xuất xứ hàng hóa nông sản trong nước đã có thương hiệu để đưa ra thị trường tiêu thụ. Minh chứng cho nhận định này, ĐBQH Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) dẫn ra tình trạng trà trộn hoặc giả thương hiệu rau, củ, quả của các địa phương, trong đó có Đà Lạt, đã gây không ít thiệt hại cho bà con nông dân và ảnh hưởng thương hiệu sản phẩm có uy tín.

Chúng ta mong muốn phát triển nông nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa cho gần 100 triệu dân mà còn tiến ra hội nhập quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Khẳng định mục tiêu này, song một thực tế khác được ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) chỉ ra, đó là hiện mới dừng ở mức “cung cấp đầu vào là nông sản thô chiếm 80% thông qua các thương hiệu nước ngoài khi bán ra thị trường thế giới”. Điều này đồng nghĩa, chúng ta mới tham gia ở khâu tạo ra ít nhất trong chuỗi giá trị này. Giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản 9 tháng năm 2019 giảm làm cho kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản giảm so với cùng kỳ năm trước. “Nếu không ứng phó tốt, sản lượng nông sản xuất khẩu sẽ giảm mạnh”, ĐB Hoàng Đức Thắng nói.

Liên quan đến công tác quản lý nhà nước để việc bảo vệ và phát triển thương hiệu, ĐB Đoàn Văn Việt cho rằng, hiện cũng đang gặp không ít khó khăn. Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đến năm 2030 tại Quyết định số 1320 ngày 8.10.2019. Bên cạnh các thương hiệu quốc gia có uy tín về chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nhiều tỉnh, nhiều thành phố đã có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương, của vùng miền mình. Tuy nhiên, thực tế của địa phương cũng cho thấy những hạn chế trong việc phát triển thương hiệu. Nhiều nhãn hiệu đã được chứng nhận nhưng đăng ký sử dụng không có hiệu quả. Có những sản phẩm được xác định là lợi thế nhưng lại chưa được đầu tư phát triển tương xứng.

Những vấn đề nêu trên đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, mỗi doanh nghiệp và hộ sản xuất nông nghiệp phải có những thay đổi cả về chính sách và năng lực để cạnh tranh. Nhấn mạnh yêu cầu này, ĐB Hoàng Đức Thắng đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá thấu đáo thực tế này để sớm có giải pháp tháo điểm nghẽn. Theo đó, cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, thông tin, định hướng, tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định tự do thương mại cũng như ứng phó hiệu quả với các chính sách bất lợi từ các quốc gia khác. Ngăn chặn gian lận thương hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam để xuất khẩu.
Để phát triển thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, góp phần phát triển nông nghiệp nông thôn một cách bền vững, một trong những giải pháp được ĐB Đoàn Văn Việt đề xuất là, cần có chính sách mạnh mẽ và cụ thể hơn nữa để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người sản xuất tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, có thương hiệu cho thị trường trong nước và cho xuất khẩu, tạo những bước chuyển biến trong sản xuất và kinh doanh nông sản, tạo điều kiện để các địa phương quy hoạch, tiếp tục hình thành các chuỗi liên kết sản xuất. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, hình thành các vùng chuyên canh nông sản có giá trị và từng bước xây dựng cũng như định hình thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nhận thức và hành động đầy đủ đối với vấn đề thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp và thị trường là một trong những yêu cầu đặt ra đối với Nhà nước, doanh nghiệp, và người sản xuất để tăng tính bền vững cho nông nghiệp Việt Nam trong dài hạn. Để làm được điều này, trước hết, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ để các địa phương tham gia thành công Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đến năm 2030.

Anh Phương