Tăng theo lộ trình phù hợp

- Thứ Bảy, 25/05/2019, 08:18 - Chia sẻ
Bản chất tuổi nghỉ hưu hiện nay mà dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra chỉ có điểm khác là nâng lên đến 62 tuổi với nam; 60 tuổi với nữ và thực hiện theo lộ trình. Tức là đến năm 2036, nữ mới nghỉ hưu ở độ tuổi 60 còn nam thì đến năm 2029 mới nghỉ hưu ở tuổi 62.

Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội chỉ rõ, từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung. Đặc biệt là việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động.


Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần lộ trình phù hợp Nguồn: ITN

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp khẳng định, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần được tiến hành theo lộ trình nhằm tránh gây sốc cho thị trường lao động. Với quy mô dân số như hiện nay, mỗi năm Việt Nam có khoảng 400.000 người bước vào độ tuổi lao động. Như vậy, nếu nâng độ tuổi nghỉ hưu nhanh, tăng 1 năm, thêm 1 tuổi chẳng hạn, thì lập tức sẽ có 400.000 người cho dù làm việc ở khu vực nhà nước hay khu vực tư nhân, vẫn tiếp tục làm việc thêm 1 năm. Điều này đồng nghĩa với việc khi họ “ngồi lại vị trí làm việc đó” thì 400.000 người khác sẽ phải ngồi chờ thêm 1 năm. Như vậy, sau 2 năm thì con số này sẽ tăng lên 800.000 - 900.000 người “ngồi chờ”.

“Điều này gây ra sự “tắc nghẽn” rất lớn trong thị trường lao động. Do đó, chúng tôi đề xuất tăng theo lộ trình là mỗi năm chỉ tăng 3 tháng. Như vậy “dòng chảy” của thị trường lao động sẽ chậm lại đôi chút” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh theo lộ trình cũng tạo tâm lý tốt hơn cho người sử dụng lao động. Bởi tâm lý người lao động sẽ không muốn làm việc quá lâu và cũng không muốn đóng bảo hiểm xã hội quá dài. Người lao động thường muốn khi nghỉ hưu sẽ tham gia các hoạt động kinh tế khác để có thêm thu nhập. Khi đó, họ đồng thời có hai nguồn thu nhập là tiền lương hưu từ bảo hiểm xã hội và số tiền nhận được từ các hoạt động khác của họ. Đây là tâm lý chung của tất cả lao động trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam.

Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho biết, với chính sách có lộ trình tăng chậm cùng các cơ chế giải quyết khác thì vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động không nhiều đến việc làm của lao động trẻ.

 Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra 2 phương án:

Phương án 1: Kể từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Dương Cầm