Tăng thẩm quyền cho Thường trực Hội đồng Nhân dân

- Thứ Bảy, 23/03/2019, 07:58 - Chia sẻ
Bên cạnh những kết quả tích cực khi triển khai thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương, vẫn còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn, lúng túng cần được xem xét sửa đổi. Nhất là bổ sung quy định về tăng thẩm quyền cho Thường trực HĐND, đặc biệt là cấp tỉnh để giải quyết các công việc phát sinh giữa 2 kỳ họp; quy định cụ thể về nội dung công việc, nguyên tắc ủy quyền và các thủ tục, quy trình thực hiện.

Hoạt động thường xuyên, hiệu quả hơn

Khác với nhiệm kỳ trước, Thường trực HĐND tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ này có 8 thành viên (với 7/8 thành viên hoạt động chuyên trách) đã hoạt động thường xuyên và hiệu quả hơn.

Thường trực HĐND tỉnh đã duy trì tổ chức đầy đủ các phiên họp định kỳ để giải quyết các công việc thường xuyên thuộc thẩm quyền. Kết quả, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Quy chế làm việc; Thông báo phân công nhiệm vụ của Thường trực HĐND tỉnh; Chỉ đạo kiện toàn, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức và hoạt động của Văn phòng HĐND tỉnh; Thông báo tiếp công dân của HĐND, Chủ tịch HĐND, đại biểu HĐND tỉnh; Hướng dẫn hoạt động của Tổ đại biểu HĐND tỉnh; ban hành các kế hoạch phát động thi đua thực hiện nhiệm vụ của HĐND tỉnh Khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 và kế hoạch thi đua chuyên đề hàng năm. Chỉ đạo các Ban của HĐND tỉnh xây dựng và ban hành Quy chế làm việc, thông báo phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ủy viên. Việc ban hành các văn bản và tổ chức các hoạt động đã góp phần xây dựng phương thức, lề lối làm việc, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND 3 cấp trên địa bàn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Đối với các công việc phát sinh giữa 2 kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức các phiên họp đột xuất để xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền; các nội dung không thuộc thẩm quyền, trong trường hợp cấp thiết nhưng không tổ chức được kỳ họp bất thường, Thường trực HĐND tỉnh xem xét cụ thể từng nội dung để thỏa thuận với UBND tỉnh, sau đó tổng hợp báo cáo kết quả với HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Với việc bố trí các Ủy viên Thường trực, Trưởng các Ban HĐND hoạt động chuyên trách nên có nhiều thời gian nghiên cứu, nắm chắc các quy định pháp luật ở lĩnh vực mình phụ trách. Đồng thời, trực tiếp điều hành các công việc của Ban theo sự điều hòa, phân công của Thường trực HĐND tỉnh và kế hoạch công tác của Ban. Từ đó, kết quả hoạt động của các Ban luôn bảo đảm yêu cầu về tiến độ và chất lượng, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Thường trực và HĐND tỉnh. 

Hoạt động giám sát, khảo sát của HĐND, Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh được tăng cường, tập trung ở những lĩnh vực, vấn đề mà cử tri, xã hội quan tâm, bức xúc. Đẩy mạnh hình thức giám sát, khảo sát trực tiếp đối tượng, địa bàn, hướng về cơ sở kết hợp với nghe các đơn vị, địa phương báo cáo. Các kiến nghị sau giám sát, khảo sát có tính khả thi, sát với tình hình và được cấp có thẩm quyền nghiêm túc tiếp thu, quan tâm giải quyết.

Hoạt động tiếp xúc, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm chỉ đạo sâu sát, nhất là kết quả giải quyết của UBND tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh Kiên Giang đã trực tiếp tổ chức giám sát kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau mỗi kỳ họp thường lệ. Tính đến nửa nhiệm kỳ, qua giám sát cho thấy: UBND tỉnh đã giải quyết 218/235 nội dung kiến nghị (đạt 92,76%) trên 3 lĩnh vực (kinh tế 133/144, văn hóa - xã hội 40/44, quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền 45/47 nội dung).

Quy định khung số lượng lãnh đạo các Ban

Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn, lúng túng. Thường trực HĐND tỉnh Kiên Giang xin đề xuất một số vấn đề để QH, UBTVQH và Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật và các quy định có liên quan.

Vấn đề thứ nhất, quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND các cấp. Đề nghị quy định trong Luật khung số lượng lãnh đạo các Ban của HĐND cấp tỉnh không quá 3, với Trưởng và Phó các Ban hoạt đông chuyên trách; đối với HĐND cấp huyện không quá 2, với Trưởng và Phó Ban hoạt động chuyên trách. Tùy theo yêu cầu của từng địa phương mà bố trí cụ thể.

Lý do: (1) Số lượng và cơ cấu lãnh đạo các Ban của HĐND hiện nay đã rất tinh gọn so với chức năng, nhiệm vụ được quy định, đồng thời quy định này không làm tăng biên chế hành chính mà do các địa phương tự điều chỉnh, bố trí, tránh thực hiện tin gọn bộ máy một cách “cào bằng”, “máy móc”; (2) Giúp cho các ban hoạt động có hiệu quả, thực chất, tránh hình thức, đủ sức tham mưu cho Thường trực, HĐND tỉnh quyết định “đúng” và “trúng” các vấn đề quan trọng của địa phương, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, nhất là khi thực hiện giảm 1 phó chủ tịch HĐND; (3) Tạo sự chủ động cho các địa phương trong bố trí, sắp xếp cán bộ theo điều kiện của mình.

Vấn đề thứ hai, quy định về cơ chế phân cấp, ủy quyền. Đề nghị bổ sung trong Luật quy định về tăng thẩm quyền cho Thường trực HĐND, đặc biệt là cấp tỉnh để giải quyết các công việc phát sinh giữa 2 kỳ họp; quy định cụ thể về nội dung công việc, nguyên tắc ủy quyền và các thủ tục, quy trình thực hiện.

Vấn đề thứ ba, quy định về tiếp công dân. Đề nghị bãi bỏ quy định “Tiếp công dân của HĐND”, giữ nguyên quy định tiếp công dân của Chủ tịch HĐND và đại biểu HĐND như quy định hiện hành. Đồng thời, bổ sung trong Luật quy định Thường trực HĐND các cấp thay mặt HĐND tiếp công dân.

Vấn đề thứ tư, quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND. Đề nghị UBTVQH xem xét quy định hoặc điều chỉnh một số quy định: (1) Tăng mức hoạt động phí hàng tháng mà đại biểu HĐND được hưởng theo hướng quy định mức trần (phải cao hơn quy định hiện hành) và giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định mức cụ thể của từng cấp, tùy vào khả năng cân đối ngân sách của địa phương. (2) Sớm quy định cụ thể một số nội dung: (i) Chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với Ủy viên Thường trực là Trưởng các Ban của HĐND tỉnh; (ii) Phụ cấp trách nhiệm đối với chức danh kiêm nhiệm của HĐND các cấp; (iii) Mức chi hỗ trợ chức danh Trưởng ban, Phó Trưởng ban của HĐND cấp xã; (iv) Chế độ hoạt động phí cho người là đại biểu HĐND 2 cấp.

Nguyễn Hoàng Thăng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Kiên Giang
VŨ CHÂU ghi