Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức chính quyền địa phương

Tăng thẩm quyền bằng cả phân cấp và ủy quyền

- Thứ Ba, 28/05/2019, 08:29 - Chia sẻ
Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị NGUYỄN ĐỨC DŨNG: Phải đề cao trách nhiệm giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND của cơ quan Thường trực HĐND (bằng cả phân cấp và ủy quyền), nhưng cần thiết kế rõ ràng, mạch lạc. Bên cạnh đó, cần cân nhắc thận trọng, không vì tinh giản biên chế bằng mọi giá, dẫn đến khó khăn, ách tắc trong thực thi nhiệm vụ, làm suy yếu phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước.

Những nội dung dự thảo của Hiến pháp 2013 lần đầu tiên UBTVQH quyết định in, cung cấp đến 12 triệu hộ gia đình và tất cả các tổ chức cơ sở trong hệ thống chính trị cả nước, có giá trị lịch sử như một cuộc trưng cầu dân ý lần đầu tiên ở nước ta; và dĩ nhiên là rất tốn kém để có cơ sở ý dân cho QH bấm nút thông qua Hiến pháp… Người dân đã thấy QH sáng suốt không bỏ đi HĐND cùng cấp của mỗi cấp chính quyền địa phương. Trên tinh thần hiến định, Luật TCCQĐP, nhiều bộ luật được sửa đổi, các nghị định và thông tư đã thể chế hóa tăng thẩm quyền quyết định của HĐND, tăng cường phân cấp, ủy quyền trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Biểu hiện rất rõ không chỉ trong Luật TCCQĐP mà trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, quản lý biên chế, tổ chức bộ máy, địa giới hành chính, quản lý đô thị, ban hành văn bản QPPL.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị NGUYỄN ĐỨC DŨNG

Phải thiết kế rõ ràng, mạch lạc

- Một vấn đề nhiều địa phương băn khoăn, kiến nghị hiện nay là thẩm quyền giải quyết các vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp của Thường trực HĐND. Có ý kiến cho rằng, Luật hiện hành thiếu quy định nên khó khăn cho các địa phương trong thực hiện; đồng thời dẫn đến tình trạng chủ quan của UBND và lạm quyền của Thường trực HĐND khi cho ý kiến xử lý những vấn đề rất lớn, quan trọng mà lẽ ra phải trình HĐND. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Tôi đồng ý với quan điểm là vấn đề thẩm quyền của HĐND, Thường trực HĐND trong thực thi pháp luật còn nhiều chỗ cần bàn, và ở đây là lỗi hệ thống, là sự không nhất quán và thông suốt từ trên xuống dưới. Rõ ràng, theo quy định của pháp luật, hoạt động của HĐND theo định kỳ để bàn và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương thì những vấn đề giữa hai kỳ họp HĐND thuộc thẩm quyền của HĐND mà HĐND chưa đến kỳ họp thì phải giao cho Thường trực HĐND xem xét, quyết định. Thực tế, HĐND nhiều nơi đã thực hiện quy định của Hiến pháp và pháp luật, ủy quyền bằng nghị quyết cho Thường trực HĐND, để giải quyết kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước thì rơi vào tình trạng lạm quyền; nhưng nếu không xử lý kịp thời thì UBND do yêu cầu quản lý sẽ phải quyết định dẫn đến lạm quyền không có kiểm soát.

- Nhiều ý kiến đề nghị, cần bổ sung quy định HĐND ủy quyền cho Thường trực HĐND cùng cấp giải quyết một số vấn đề cụ thể, cần thiết phát sinh giữa hai kỳ họp. Đồng thời, cần những quy định rõ ràng, cụ thể nội dung, phạm vi những vấn đề do Thường trực HĐND tỉnh quyết định giữa hai kỳ họp, tạo hành lang pháp lý, sự thống nhất, đồng bộ trong thực hiện, nhất là tránh tình trạng lạm dụng và lạm quyền?

- Tôi đã có thời gian 4 nhiệm kỳ làm đại biểu dân cử và 12 năm trong cơ quan Thường trực HĐND tỉnh, tôi thấy rõ rằng phải đề cao trách nhiệm giữa hai kỳ họp HĐND của cơ quan Thường trực HĐND với ý nghĩa nào đó tương đồng như là “thượng viện địa phương” hay như Ban Thường vụ cấp ủy giữa hai kỳ họp Ban chấp hành chứ không phải “Bộ máy nhỏ tham việc to” nhưng phải thiết kế rõ ràng, mạch lạc, có quy trình khoa học khách quan để thực thi. Trong lúc nước ta chưa đủ điều kiện và quyết tâm để tổ chức ra cơ quan dân cử độc lập, chuyên trách, chuyên nghiệp thì tăng thẩm quyền của Thường trực HĐND là đúng đắn (bằng cả phân cấp và ủy quyền) và cần có nhận thức, thái độ ứng xử một cách nhất quán.

Phiên họp Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị Ảnh: Lệ Thanh

Không tinh giản, sáp nhập bằng mọi giá

- Một vấn đề cần thẳng thắn nhìn nhận ở không ít địa phương là cơ cấu tổ chức “Thường trực” mà “không thường trực”, vì hầu hết nhân sự đều hoạt động kiêm nhiệm; trong phần lớn các trường hợp, công việc chính chiếm quá nhiều thời gian, trí lực, ảnh hưởng đến sự toàn tâm toàn ý của Ủy viên thường trực kiêm nhiệm, thưa ông?

- Cơ cấu của cơ quan Thường trực, xét về mục tiêu và yêu cầu thì Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 hướng tới cơ chế mở rộng thành phần và phát huy dân chủ để thảo luận, quyết định nhiệm vụ, quyền hạn bảo đảm tính khoa học như vậy là rất đúng đắn. Nhất quán nguyên tắc làm cho HĐND phải có thực quyền nên nhiều tỉnh, thành ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã kiện toàn đủ số lượng, bảo đảm chất lượng và theo nguyên tắc: Trưởng, Phó ban HĐND đều làm việc chuyên trách nên hoạt động của HĐND ngày càng đáp ứng yêu cầu tăng thẩm quyền của HĐND và Thường trực HĐND như đã nói ở trên. Ngược lại, còn nhiều nơi do không nhìn thấy, không hiểu hoặc không muốn HĐND mạnh lên thì bố trí kiêm nhiệm, bố trí thiếu và thậm chí bố trí để làm “chính sách” nên một bộ phận hoạt động chơi vơi, cầm chừng... Việc nhập các văn phòng cơ quan dân cử và cơ quan hành chính cũng là điều rất đáng bàn, nó không dựa vào nguyên tắc và lý thuyết nào cả. Cán bộ là cái gốc của công việc, mỗi khi có nhận thức và thái độ đúng đắn trong bố trí, sắp xếp, tổ chức, cán bộ bảo đảm yêu cầu hoạt động của cơ quan dân cử (cả các cơ quan của QH và HĐND các cấp) thì HĐND mới mạnh lên như ý Đảng, lòng dân.

- Liên quan đến vấn đề rất được quan tâm là số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND. Một trong những nội dung đang gây nhiều tranh luận hiện nay là đề xuất giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện và Trưởng ban HĐND cấp tỉnh, quan điểm của ông về đề xuất này như thế nào?

- Tôi rất hoan nghênh UBTVQH trong phiên họp tháng 4.2019 vừa qua đã chỉ ra cho cơ quan soạn thảo sửa đổi Luật TCCQĐP năm 2015 là HĐND cấp tỉnh, huyện không tăng biên chế Phó Chủ tịch, mà Luật đã hoàn thiện thiết chế Thường trực HĐND có 2 Phó Chủ tịch HĐND. Trong đó, nâng cấp chức danh Ủy viên Thường trực HĐND để bảo đảm địa vị chính trị của họ (chức danh này ra đời cùng chức danh Ủy viên thư ký UBND, nhưng Ủy viên thư ký UBND đã bỏ đi nâng cấp lên Phó Chủ tịch UBND đã 30 năm trước).

Yêu cầu tinh giản biên chế, tinh giản đầu mối liệu có dẫn đến vi phạm những nguyên tắc Hiến định? Trong khi tổ chức bộ máy của QH và HĐND đang trong giai đoạn hoàn thiện, chưa thống nhất đồng bộ, song chiều hướng hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả hơn. Theo tôi, những quy định của Luật TCCQĐP năm 2015 đối với HĐND các cấp hiện nay đang phù hợp theo hướng tinh gọn, hướng tới tính chuyên nghiệp, hiệu quả, phù hợp với các nguyên tắc và mục đích xây dựng Nhà nước ta. Vì vậy, đề nghị QH cân nhắc thận trọng, không vì tinh giản tổ chức và biên chế bằng mọi giá dẫn đến khó khăn, ách tắc trong thực thi nhiệm vụ, làm suy yếu phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước và mục tiêu xây dựng đất nước.

- Xin cảm ơn ông!

DIỆP ANH thực hiện